Tuyến đường sắt trên cao Yên Viên – Ngọc Hồi: Năm 2017 mới đưa vào khai thác

Trong 5 tuyến giao thông nội đô ở Hà Nội, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm với sự tham gia của nhiều hãng tư vấn nước ngoài...

Dư luận gần đây quan tâm nhiều đến dự án đường sắt trên cao Yên Viên- Ngọc Hồi, trong đó có phương án xây dựng thêm cầu Long Biên mới dành cho đường sắt trên cao. Tuy nhiên theo Ban Quản lý dự án đường sắt (RPMU), tuyến đường sắt này hiện vẫn đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Sau năm 2011, công việc thiết kế mới hoàn thành và trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo lộ trình sau năm 2017 tuyến đường sắt nội đô này mới được đưa vào khai thác. Từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Tại Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg ngày 7/1/2002 về Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Đường sắt đến năm 2020 cũng xác định rõ: Tuyến đường sắt ưu tiên số 1 ở Thủ đô là tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi. Trong 5 tuyến giao thông nội đô ở Hà Nội, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm với sự tham gia của nhiều hãng tư vấn nước ngoài như Đức (DOSRCH), Hiệp hội tư vấn Nhật Bản (JTCA), Tổ chức JETRO (Nhật Bản)... Xét về mặt lưu lượng giao thông thì tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi có mật độ lớn hơn, cần đầu tư sớm để giải tỏa ách tắc trục Đông Bắc - Tây Nam của TP.Hà Nội. Dự án hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... và đặc biệt sẽ đưa hệ thống giao thông bánh sắt đô thị vận chuyển nhanh với khối lượng lớn vào hoạt động trên trục xuyên tâm Đông Bắc- Tây Nam của TP.Hà Nội, từ Ngọc Hồi đến Yên Viên. Theo thiết kế, hướng tuyến bắt đầu từ ga Giáp Bát bám theo tim tuyến đường sắt hiện tại đến ga Gia Lâm để giảm thiểu khối lượng GPMB, có một số đoạn cải tuyến cục bộ đó là: Đoạn Hà Nội- Phùng Hưng, do dân cư xây dựng sát hai bên đường sắt nên tuyến được cải dịch về bên trái đường sắt hiện tại 5m để chỉ phải GPMB một bên đường sắt. Đoạn Phùng Hưng- cầu Long Biên, một bên là nhà dân, một bên là đường Phùng Hưng có vỉa hè rộng, do đó tim tuyến được dịch về bên phải 2,1m. Cầu Long Biên mới dành riêng cho đường sắt, theo nghiên cứu của Tư vấn Nhật Bản sẽ được xây dựng cách cầu cũ khoảng 30m về phía thượng lưu. Nhưng theo yêu cầu của TP.Hà Nội, cầu Long Biên mới phải cách cầu cũ khoảng 200m. Mới đây, liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật JKT đã đưa ra phương án xây dựng cầu Long Biên mới cách cầu cũ 186m về phía thượng lưu theo hình dáng hoa sen. Cầu Long Biên mới được xây dựng với 2 làn đường sắt đô thị chạy giữa, hai bên có làn xe máy, xe đạp, phương tiện thô sơ. Người bộ hành vẫn đi ở hai bên cầu. Riêng khu vực ga Ngọc Hồi tuyến được cải dịch cách tuyến đường sắt hiện tại khoảng 400-1000m về bên phải do hướng tuyến đoạn này bị khống chế bởi khu ga Ngọc Hồi mới. Tuyến đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm có tổng chiều dài khoảng 15,36km, trong đó chiều dài các đoạn đi trên cao là 10,57km (cầu cạn và ga trên cao 8,87km, cầu vượt sông 1,7km), các đoạn đi trên mặt đất là 4,79km (khu vực ga Ngọc Hồi dài 3,85km, khu ga Gia Lâm dài 0,94km), bao gồm các hạng mục chủ yếu như: cầu cạn; cầu vượt đường bộ tại các nút giao; cầu vượt sông Hồng; Các ga đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị; Depo và các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe; kết cấu thượng tầng đường sắt; nền đường; hầm chui; hệ thống thông tin, tín hiệu; điện khí hóa và các công trình đồng bộ khác; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ chạy tàu khách đô thị. Theo nghiên cứu của Tư vấn JETRO trước đây, tổng mức đầu tư của dự án ước tính là 19.553 tỷ đồng tương đương với 148.407 triệu yên. Tiến độ thực hiện, đấu thầu lựa chọn tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật trong 2 năm 2008-2009; Thiết kế kỹ thuật: 2009-2011; Giải phóng mặt bằng và tái định cư 2008-2013; Đấu thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa, trang thiết bị 2010-2013; Đấu thầu lựa chọn tư vấn giám sát thi công 2010-2012; Thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị 2011-2016; Đào tạo nhân lực quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng 2014-2016; Thành lập đơn vị quản lý vận hành dự án 2014; Kết thúc đầu tư và đưa vào vận hành 2017. Tên dự án đầu tư xây dựng công trình: Đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi- Yên Viên giai đoạn 1. Chủ đầu tư: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Đại diện Chủ đầu tư: RPMU. Dự án đi qua 7 quận, huyện gồm Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên. Điểm đầu ga Giáp Bát. Điểm cuối ga Gia Lâm. Tim ga Hà Nội. Phần diện tích chiếm dụng vĩnh viễn của dự án 156ha, trong đó đất hiện có 18,3ha, đất xin cấp mới 136ha. Tổng số hộ dân phải di dời, tái định cư 1.116 hộ. Diện tích cần thiết cho các khu tái định cư của dự án 11,5ha. Dự án sẽ được thực hiện theo 3 bước: Bước 1: Xây dựng mới ga Ngọc Hồi và nâng cấp ga Yên Viên, Gia Lâm đủ đáp ứng cho việc di chuyển toàn bộ cơ sở của đường sắt tại ga Hà Nội hiện nay ra bên ngoài. Bước 2: Ngừng khai thác toàn bộ tuyến đường từ Văn Điển đến Gia Lâm để xây dựng cầu Long Biên mới và đường sắt trên cao đoạn Ngọc Hồi - Gia Lâm, hoàn chỉnh xây dựng ga Ngọc Hồi và Gia Lâm. Bước 3: Xây dựng cầu Đuống mới và đường sắt trên cao đoạn Gia Lâm - Yên Viên; hoàn chỉnh việc xây dựng ga Yên Viên. Hồ Thu

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Quan-ly/van-tai/Tuyen_duong_sat_tren_cao_Yen_Vien-Ngoc_Hoi-Nam_2017_moi_dua_vao_khai_thac/