Tuyên dương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Phong trào 'Người tốt, việc tốt' là sự sáng tạo tiếp theo của cuộc vận động thi đua yêu nước, góp phần làm cho hình thức, nội dung thi đua yêu nước ngày càng phong phú, hiệu quả và thiết thực.

Từ các mục như “Người mới, việc mới” sau đó đổi thành mục “Người tốt, việc tốt”, “Chuyện hay”, “Người tốt, việc hay”… trên các tờ báo Đảng, báo ngành và đoàn thể, Trung ương và địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất một hình thức tuyên dương mới: Tuyên dương người tốt, việc tốt để những việc làm bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng.

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Mỗi khi biết tin tập thể và cá nhân đạt những thành tích cao, Người thường gửi thư biểu dương, khen ngợi và động viên kịp thời. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ chính là đại diện tiêu biểu cho “hàng triệu con người có thật trong nhân dân Việt Nam ta, ở trong nhà hay ra ngõ đều có thể gặp được… Đó là hàng triệu “người tốt việc tốt” đang chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đang cùng nhau viết nên những trang sử vô cùng oanh liệt mà con cháu ta sẽ mãi mãi tự hào”(1). Người yêu cầu: “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”(2).

Như vậy, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn thực hiện tốt và hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, bên cạnh nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, thì phải hướng phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức và bệnh thành tích, sao cho những cá nhân điển hình xuất sắc được tuyên dương không chỉ là những người đại diện xứng đáng, tiêu biểu, tiên phong trong sản xuất và chiến đấu, mà còn là tấm gương về đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho một số đại biểu dự Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào "Ba đảm đang" của Thủ đô Hà Nội (ngày 2-12-1965). Ảnh: Phóng viên Báo Nhân Dân

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được vai trò nêu gương trong vận động cách mạng, cũng như đối với việc xây dựng con người cách mạng: Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Chính vì thế, bên cạnh hình thức tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua, Người đã đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt, việc tốt để động viên người người thi đua, ngành ngành thi đua, qua đó nhân lên nhiều tấm gương điển hình tiên tiến mới.

Người tốt, việc tốt theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là những việc nhỏ, bình thường, nhưng ích nước lợi dân, đó là những người thật việc thật ai cũng có thể học và làm theo được như: Có cháu bé nhặt được của rơi đem trả lại cho người bị mất; những cụ ông, cụ bà chuyên nhận nuôi những con trâu ghẻ, trâu gầy của hợp tác xã thành những con trâu béo khỏe có thể kéo cày, kéo gỗ được; hai cô gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau đi lấy đất lấp lại cho đồng bào khỏi vấp ngã…

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”(4).

Hằng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành thời gian theo dõi, tập hợp những tấm gương người tốt, việc tốt ở các báo và bản tin rồi yêu cầu văn phòng xác minh để Người thưởng huy hiệu. Trong khoảng từ năm 1956 đến năm 1968, từ hơn 2000 bài báo về gương người tốt, việc tốt đã có 2.500 cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu(5). Ngoài phần thưởng là huy hiệu, Bác đã thưởng cờ luân lưu cho các đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Bác còn gửi tặng ảnh chân dung của Người để làm giải thưởng thi đua và dành cả quà của mình làm phần thưởng cho thi đua: “Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo. Bác đã nhận rồi. Nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, do các cô các chú bình nghị, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy”(6). Đối với ngành giáo dục, Bác còn có hình thức thưởng riêng đó là cuốn sổ “Giải thưởng Bác Hồ”, là hình thức thưởng thiết thực nhất bởi các cháu học sinh vừa có phần thưởng, vừa có vở để viết.

Đã hơn 70 năm từ sáng kiến đề xuất việc thi đua, khen thưởng và hơn 50 năm Phong trào người tốt, việc tốt của Bác Hồ, chúng ta có thể nhận thấy phong trào người tốt, việc tốt đã có sức lôi kéo, cảm hóa đáng kể mọi lực lượng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong sự nghiệp kiến quốc xây dựng đất nước và trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này. Những việc làm tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng cao quý đó đã góp phần cải tạo con người, loại trừ thói hư, tật xấu hướng con người tới những giá trị chân, thiện mỹ “nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta”(7).

NGUYỄN THỊ KIM LIÊN (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.15, tr.673

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.7, tr.146

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.1, tr.284

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.15, tr.663-665

(5) Theo báo cáo Đề tài khoa học cấp cơ sở giai đoạn I của phòng Kiểm kê- Bảo quản Bảo tàng Hồ Chí Minh, năm 2014.

(6) Thư gửi công nhân, chiến sĩ, nhân viên và cán bộ Xưởng may 10, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần ngày 24-02-1959

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.15, tr.665

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tuyen-duong-nguoi-tot-viec-tot-trong-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-697000