Tuyên án trùm giang hồ 'Tí điên' khét tiếng Bến xe miền Đông

Tại khu vực bến xe miền Đông nổi lên băng nhóm tội phạm do 'Tí điên' cầm đầu, gây ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản.

“Tí điên” từng được đình chỉ một tội danh

Chiều 17/7, sau 4 ngày nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên buộc bị cáo Nguyễn Trọng Ngôn (biệt danh “Tí điên”, SN 1975, ngụ quận Bình Thạnh) và đồng bọn là Nguyễn Quốc Mạnh (SN 1967), Dương Văn Lành (SN 1981), Đinh Trọng Quý (SN 1990), Ngô Quang Đồng (SN 1988) và Hồ Sỹ Quý (SN 1983, cùng ngụ quận Bình Thạnh) mức án bằng ngày tạm giam về tội “cố ý gây thương tích”.

Các bị cáo trong băng nhóm “Tí điên”.

Trong vụ án này, cả 8 lần xét xử (7 lần trả hồ sơ), “Tí điên” và đồng bọn đều không nhận tội, một mực kêu oan. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ 2010 - 2013, tại khu vực bến xe miền Đông nổi lên băng nhóm tội phạm do “Tí điên” cầm đầu, gây ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản của các nhà xe.

Với phương thức, thủ đoạn hoạt động trắng trợn, manh động, các đối tượng đã gây hoang mang lo sợ cho người dân, đặc biệt là các công ty vận tải hành khách, người dân sống xung quanh khu vực bến xe.

Băng nhóm do “Tí điên” cầm đầu gồm các đối tượng: Lành, Đinh Trọng Quý (tức Quý thối), Hồ Sỹ Quý (tức Quý điên), Nguyễn Công Chính (tức Chín rồng), Mạnh, Đồng, Đàm Huy Hải, Nguyễn Tăng Tiến, Nguyễn Đình Thiện (tức Bi Huế), Ngô Thiên (tức Chúc Nẫu) và nhiều đối tượng cộm cán khác.

Cáo trạng cáo buộc băng nhóm của “Tí điên” gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng. Sau đó, Bộ Công an vào cuộc, lập chuyên án điều tra và đến ngày 4/7/2013 khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam “Tí điên” về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Vụ việc cũng khiến nhiều cán bộ từ cấp phường đến cấp quận Bình Thạnh bị kỷ luật. Sau đó “Tí điên” và đồng bọn tiếp tục bị CQĐT khởi tố thêm tội danh thứ 2 là “cố ý gây thương tích”. Quá trình điều tra hành vi bảo kê “cưỡng đoạt tài sản” với nhà xe An Bình, CQĐT đã không đủ căn cứ chứng minh “Tí điên” và đồng phạm gây án nên phải đình chỉ vụ án này vào năm 2016.

Tuy nhiên cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục phê chuẩn khởi tố vụ án và các bị can hành vi “Cố ý gây thương tích” cho một nạn nhân xảy ra tại bến xe miền Đông từ năm 2010. Tiếp đó, cơ quan tố tụng cáo buộc “Tí điên” và đồng bọn đánh gây thương tích cho hai nạn nhân khác vào năm 2008 và 2011.

Sau quá trình điều tra, Bộ Công an giao vụ việc về cho cơ quan tố tụng TP.HCM ra cáo trạng truy tố và đưa ra xét xử.

Cụ thể, “Tí điên” và đồng bọn bị cáo buộc thực hiện ba vụ cố ý gây thương tích với ông Lê Đức Lợi với tỉ lệ thương tật trên 58% xảy ra vào ngày 23/7/2010, ông Nguyễn Hữu Bình với tỉ lệ thương tật 20,8% xảy ra vào ngày 23/6/2011, và vụ cố ý gây thương tích cho ông Vũ Đức Duy tỷ lệ thương tích được giám định 2 lần, lần 1 là 13% và lần 2 là 32%, vụ việc xảy ra vào ngày 14/7/2008.

Việc đánh người được xác định là do “Tí điên” và đồng bọn tranh giành với các bị hại trong quá trình giới thiệu khách đi xe cho các hãng xe khác nhau tại bến.

Bị cáo đồng loạt chối tội

Truy tố như trên, tuy nhiên diễn biến tại phiên tòa có nhiều điều bất ngờ. Tại tòa, bị cáo Lành cho rằng không đánh ông Lợi và ông Bình như cáo trạng quy kết. Lành khai, do làm ăn ở bến xe, nghe hô hoán đánh nhau nên chạy đến xem và thấy Hồ Sỹ Quý, Mạnh ở hiện trường vụ xô xát nhưng không nhìn thấy ai trực tiếp đánh ông Lợi.

Bị cáo khẳng định không tham gia đánh, chỉ có mặt và chứng kiến vụ việc này. Bị cáo Đồng, Đinh Trọng Quý, Mạnh cũng đồng loạt cho rằng hoàn toàn không hay biết vụ đánh ông Lợi và chỉ là người đến xem khi nghe có đánh nhau trong vụ đánh ông Bình.

Về “Tí điên”, bị cáo này cho rằng có chứng cứ ngoại phạm trong cả hai vụ đánh ông Lợi và ông Bình. Đó là cả hai vụ đánh nhau đều xảy ra lúc chiều tối, trong khi “Tí điên” nhiều năm làm việc tại bến xe Miền Đông chỉ làm ca sáng, điều này chính công ty nơi “Tí điên” làm việc trước khi bị bắt có thể xác nhận.

“Tí điên” cho rằng không phải ca làm của mình thì không được lợi ích gì dù có giành được khách. Vậy tại sao phải đánh nhau với ông Lợi và ông Bình? Trong 6 bị cáo, chỉ có duy nhất bị cáo Hồ Sỹ Quý chấp nhận toàn bộ lời khai tại CQĐT và thừa nhận có đánh người như cáo buộc của cáo trạng.

Các nhân chứng và bị hại khai rằng không thấy “Tí điên” và các bị cáo tại tòa trong vụ đánh ông Lợi. Thời điểm xảy ra vụ đánh nhau, có người nhìn thấy “Tí điên” đang có mặt tại nhà và đang tưới cây. Nhưng lời làm chứng này không được đại diện VKS công nhận. CQĐT cũng không thu giữ được bất cứ vật chứng nào liên quan đến vụ án, không xác định được thương tật trên người ông Lợi là do ai gây ra, bằng vật gì…

Tuy nhiên cơ quan tố tụng cho rằng tất cả các bị cáo vẫn phải chịu chung trách nhiệm vì là “đồng phạm” trong băng nhóm xã hội đen. Luật sư của bị cáo chỉ ra nhiều điểm bất thường trong vụ án và cho rằng việc buộc tội là thiếu căn cứ, không đúng quy định.

Trong vụ cố ý gây thương tích đối với ông Bình, ông Bình nói nguyên nhân bị đánh là do nghe có đánh nhau nên chạy ra xem và bị đánh nhầm. Ông Bình không nhận ra ai là người đánh mình và cho rằng quen biết tất cả các bị cáo tại tòa.

Thậm chí, ông còn cho rằng bị cáo Mạnh không phải là người đánh mình, cho dù kết luận của CQĐT và cáo trạng lại cho rằng Mạnh là một trong những người trực tiếp tham gia đánh. Và cũng tương tự, trong vụ đánh ông Lợi, CQĐT cũng không thu giữ được hung khí (khi thì nhân chứng khai là cây ba khúc, khi thì tuýp sắt…) và không chỉ ra được ai là người gây ra thương tích.

Thế nào là “xã hội đen”?

Khó hiểu hơn, CQĐT còn gộp chung một vụ cố ý gây thương tích khác xảy ra từ ngày 14/7/2008, không nằm trong khu vực bến xe Miền Đông để quy kết đây là hoạt động “băng nhóm xã hội đen” với “Tí điên” và các bị cáo. Đó là vụ cố ý gây thương tích cho ông Duy do bị cáo Đinh Trọng Quý thực hiện.

Tại tòa, Quý thừa nhận hành vi đã dùng dao đâm ông Duy một nhát dưới nách trái (tại thời điểm xảy ra vụ án, cơ quan giám định xác định thương tật 13%). Hành vi này chỉ do một mình Quý thực hiện, không liên quan đến các bị cáo khác trong vụ án. Quý cũng không làm việc ở bến xe Miền Đông và không liên quan đến “băng nhóm” của “Tí điên”.

Nguyên nhân Quý đâm ông Duy là do ông Duy đến quán nhậu của chị gái Quý, trong lúc tính tiền thì xảy ra mâu thuẫn nên xảy ra đánh nhau.

Cần nói thêm, cáo trạng của VKS cho rằng từ năm 2010, “Tí điên” mới đứng ra thành lập băng nhóm bằng cách xin việc cho một số đối tượng vào làm trong bến xe, nhưng vụ án cố ý gây thương tích đối với ông Duy xảy ra vào năm 2008 vẫn được “cộng” vào băng nhóm “Tí điên”.

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS Hà Nội) bào chữa cho “Tí điên” cho rằng, một số cáo buộc của VKS đều mang tính suy diễn rất bất lợi cho các bị cáo.

Hành vi “xin việc giúp người khác” không bị luật pháp cấm, nên việc cho rằng đây là hành vi thành lập băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen là một suy diễn không có căn cứ và bất lợi cho các bị cáo.

Hồ sơ vụ án cũng không chỉ ra được hành vi cho vay nặng lãi, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản nào của các bị cáo, nhưng vẫn dùng những suy luận này để cáo buộc các bị cáo hoạt động theo kiểu băng nhóm xã hội đen.

LS Đặng Trường Thanh (Đoàn LS TP.HCM) còn cho rằng, kết luận giám định trong vụ ông Duy ở thời điểm khởi tố vụ án có thương tật 13% là một kết quả trưng cầu giám định phù hợp với pháp luật và vẫn còn nguyên giá trị, nhưng sau đó CQĐT lại tiến hành trưng cầu giám định lại, cho ra kết quả tỷ lệ thương tật lên đến 32%.

Việc áp dụng kết quả giám định lần 2 để truy tố bị cáo Quý là không phù hợp và cần được lý giải rõ ràng. Các LS đưa ra nhiều lập luận, chứng cứ khác để bào chữa cho bị cáo và đề nghị tòa tuyên các bị cáo không phạm tội, trả tự do.

Với những vấn đề, chứng cứ mà LS đưa ra và lời khai của bị cáo, bị hại tại tòa, Đại diện VKS không tranh luận gì. VKS cho rằng, việc đánh giá chứng cứ là việc của HĐXX nên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo.

Chiều 17/7, sau 4 ngày nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên các bị cáo mức án bằng ngày tạm giam về tội “cố ý gây thương tích”, tuyên trả tự do tại tòa.

Tại tòa, “Tí điên” khai: “Trong suốt quá trình điều tra viên lấy lời khai, không một lần nào có sự chứng kiến của luật sư và đại diện VKS. Bị cáo nhiều lần bị đánh đập, bóp hạ bộ để buộc chấp nhận tham gia đánh ông Lợi và ông Bình.

Bị cáo còn bị điều tra viên đánh đập đầu vào cạnh bàn chảy máu rất nhiều nhưng không được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau đó, điều tra viên ép bị cáo phải ký nhận tự đập đầu vào tường mới cho đưa đi bệnh viện 30/4 để cấp cứu.

Vì máu chảy nhiều, bị cáo sợ chết, không còn làm gì được nên buộc phải kí nhận vào bản cung do điều tra viên viết sẵn”.

Tương tự, các bị cáo Đồng, Đinh Trọng Quý, Mạnh cũng đồng loạt cho rằng điều tra viên đã đánh đập, ép cung bắt kí vào biên bản ghi lời khai có tham gia đánh ông Lợi và ông Bình.

“Tí điên” và một số bị cáo kêu oan liên tục từ quá trình điều tra đến khi đưa ra xét xử. Tuy nhiên, việc kêu oan này không chấp nhận

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tuyen-an-trum-giang-ho-ti-dien-khet-tieng-ben-xe-mien-dong-d48729.html