Tuy Lý vương, 'cụ tổ 7 đời' của cựu hoa hậu Hà Kiều Anh là ai?

Những ngày gần đây, cựu hoa hậu Hà Kiều Anh đã khiến dư luận xôn xao khi nhận mình là 'công chúa' đời thứ 7 nhà Nguyễn. Cô cho biết, mình là hậu duệ của Tuy Lý vương, một vị hoàng tử của nhà Nguyễn...

Cổng tam quan của phủ Tuy Lý vương, thành phố Huế. Tuy Lý vương sinh năm 1820, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Trinh, con thứ 11 của vua Minh Mạng. Ông có tên chữ là Khôn Chương và Quý Trọng, hiệu là Vỹ Dạ và Tịnh Phố. Tuy Lý vương là tước được vua ban về sau.

Bình phong hình Long Mã ở phủ Tuy Lý vương. Tỏ ra thông minh, hiếu học từ nhỏ, sau này Tuy Lý vương nổi tiếng là người uyên bác, giỏi làm thơ và thạo nghề chữa bệnh. Năm 1851, ông được giao trông coi Tôn Học Đường là trường học dành riêng cho con em hoàng tộc.

Phủ thờ Tuy Lý vương, một ngôi nhà rường ba gian hai chái. Năm 1865, Tuy Lý vương được cử kiêm nhiệm chức Hữu Tôn Chánh, một chức vụ cao cấp trong Tôn Nhơn Phủ, cơ quan quản lý hoàng tộc của triều đình nhà Nguyễn.

Bên trong phủ thờ Tuy Lý vương. Năm 1883, sau khi vua Tự Đức thăng hà, Tuy Lý vương được triều đình vua Hiệp Hòa ủy nhiệm giao thiệp với tòa Khâm sứ Pháp. Đây là thời điểm rối ren với nhiều vụ lật đổ ngôi vua mà dân gian gọi là “tứ nguyệt tam vương” (bốn tháng ba vua).

Họa tiết kiến trúc trên mái phủ thờ Tuy Lý vương. Do chủ trương đối thoại với Pháp, Tuy Lý vương đã bị phe chủ chiến truy nã. Ông trốn xuống tàu chiến Pháp nhờ che chở, nhưng bị trao trả và phải đi an trí ở Quảng Ngãi. Sau khi vua Đồng Khánh lên ngôi năm 1885 ông mới được về Huế.

Phủ thờ bà Tiệp dư Lê Thị Ái, thân mẫu của Tuy Lý Vương. Năm 1889, đầu thời Thành Thái, Tuy Lý vương được cử làm Phụ chính thân thần. Đến năm 1897, vì tuổi cao sức yếu, ông xin về vui thú điền viên ở phủ riêng tại Vỹ Dạ, rồi qua đời vào cuối năm đó, thọ 78 tuổi,

Bên trong phủ thờ bà Tiệp dư. Người đời thường biết đến Tuy Lý vương qua di sản văn học đồ sộ. Khi mới 13 tuổi, ông đã nổi danh vì tài thơ phú, được ca ngợi là "Ông hoàng thơ". Trong sự nghiệp sáng tác của mình, vị hoàng tử nhà Nguyễn để lại nhiều tác phẩm thơ văn Hán - Nôm.

Mộc bản khắc in những tác phẩm thơ văn của Tuy Lý vương. Văn của Tuy Lý vương thường đề cập đến vấn đề đạo đức, luân lý. Thơ ông phần nhiều nói lên cảm xúc trước thiên nhiên, đối với người thân và bạn bè. Một số là những bài thơ thù tạc hoặc nói về sinh hoạt nhàn nhã của giới quý tộc.

Về thơ văn chữ Hán, ông để lại bộ "Vỹ Dạ hợp tập" gồm 11 quyển cả văn và thơ, được khắc in năm 1875, trong đó có một bài thơ trường thiên nhan đề là "Nam cầm khúc" đã được con là Hồng Sâm dịch ra chữ Nôm theo thể lục bát.

Về thơ Nôm của Tuy Lý vương, ngoài những bài xướng họa với các danh sĩ đương thời, hiện còn truyền lại các tác phẩm "Nữ phạm diễn nghĩa từ", "Nghinh tường khúc" và "Hòa lạc ca" (làm chung với anh là Miên Thẩm và em là Miên Bửu).

Sự nghiệp văn chương của ông Tuy Lý vương được ghi vào trong tất cả sách văn học sử của nước nhà và trong các bộ từ điển danh nhân Việt Nam xuất bản trong mấy chục năm qua, tiêu biểu là bộ "Từ điển văn học" ấn hành vào năm 1984.

Lúc sinh thời, Tuy Lý vương ở với mẹ là bà Lê Thị Ái trong một ngôi nhà tranh ở vườn Tịnh Phổ. Năm 1866, ông xin vua Tự Đức cho cải tạo ngôi nhà tranh thành nhà gỗ lợp ngói để thờ mẹ, là phủ Tuy Lý vương hiện tại. Công trình đã được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1991.

Mời quý độc giả xem video: Món ngon tiến vua ở xứ Huế / VTV Life.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tuy-ly-vuong-cu-to-7-doi-cua-cuu-hoa-hau-ha-kieu-anh-la-ai-1557034.html