Tướng công Nguyễn Trung Nghĩa

Hiếm vùng đất nào ở Thanh Hóa không phải đất quý hương mà có nhiều hiền sĩ sinh sống như đất Mộc Nhuận (nay là xã Đông Yên, huyện Đông Sơn). Từ thời Trần, đến thời Lê, đây vốn là đất lộc điền của nhiều vị công thần. Tướng công Nguyễn Trung Nghĩa được ghi chép công trạng rất ít, song với cháu con dòng họ Nguyễn Trung trên đất Đông Yên ông là thủy tổ, là Thành hoàng làng.

Nguyên bản đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa gồm 3 gian, 2 chái, được con cháu dòng họ giữ gìn.

Nhiều tài liệu dẫn nhiều lý do để các bậc anh hào chọn đất Đông Yên ngày nay làm nơi khai hoang, lập ấp, sinh sống tuổi già, một trong những lý do vì ở đây có thế đất bằng phẳng, màu mỡ cây cối bốn mùa xanh tốt, lại có địa lý thuận lợi, là vùng đất đầy tiềm năng để sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ khi có các vị quan về đây sinh sống, chiêu dân lập ấp thì số người đến đây ngày càng nhiều hơn.

Lịch sử mảnh đất này ghi rất rõ, vào thời Trần, đất Mộc Nhuận nói riêng, vùng Doãn Xá nói chung là đất lộc điền của Doãn Bằng Hải (Doãn Bang Hiến), Thượng Thư bộ Hình thời Trần Minh tông. Đến thời vua Trần Dụ tông (1341-1369), có Lê Đình Chiêu làng Doãn cũng được phong đất về đây sinh sống. Đến thời hậu Lê, vị khai quốc công thần Nguyễn Nhữ Soạn đã về quê mẹ, nơi ông sinh ra. Và sau này, Đông Yên còn có nhiều vị quan chọn là nơi trí sĩ lúc về già, trong đó có Nguyễn Trung Nghĩa, một danh tướng nhà hậu Lê.

Cũng chính vì quá nhiều trí sĩ sinh sống ở đây mà trên đất Đông Yên làng nào cũng có lễ hội. Sách Thanh Hóa chư thần lục, ghi: “Làng Mộc Nhuận, huyện Đông Sơn có một khu đất hình mai rùa, hàng năm cứ độ xuân về lại có các tiên nữ đến đây múa hát, gọi là lễ hội quần tiên. Các cụ già trong làng lập đàn cầu khấn đều rất linh nghiệm”. Trong đó, lễ hội đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn có quy mô lớn nhất, thu hút đông đảo khách thập phương về dự; làng Doãn tổ chức lễ hội tại đền Quận công Lê Đình Chiêu; làng Bằng tổ chức tế lễ tại đền Tướng công Nguyễn Trung Nghĩa... Hương ước của mỗi làng cũng rất chặt chẽ, quy định cụ thể việc an ninh thôn xóm, cưới xin, ma chay; con cháu phải hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, ông bà... Bởi vậy, dù có giao lưu với bên ngoài do có chợ Mộc Nhuận, nhưng người dân ở đây không bị ảnh hưởng lối sống “kẻ chợ”.

Năm 2020, sau khi cải tạo, đền thờ có thêm khu tiền đường dùng để tiếp khách và tổ chức việc họ.

Đây cũng là mong muốn của người dân trong xã nói chung và của dòng họ Nguyễn Trung, thôn Yên Bằng nói riêng. Ông Nguyễn Trung Ngọc, hậu duệ đời thứ 17 của cụ tổ Nguyễn Trung Nghĩa, hiện là Chủ tịch Hội đồng gia tộc cho biết: “Đền thờ được lập dựng sau khi cụ qua đời. Căn cứ vào thượng lương tại đền, chúng tôi được biết lần cuối cùng các cụ sửa chữa đền thờ này là cách đây 147 năm. Trải qua thời gian dài, di tích bị xuống cấp. Được sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan chuyên môn, con cháu dòng họ đã nỗ lực đóng góp để trùng tu lại chỉ với một khát vọng nhắc nhở con cháu truyền thống của dòng họ”.

Vệ vũ hầu Nguyễn Trung Nghĩa là vị tướng thời Lê sơ, cách đây gần 600 năm. Theo sử sách ghi lại, ông là người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, lập được nhiều công trạng. Sau khi đất nước thanh bình, ông được vua ban thưởng chức tước bổng lộc và được phân phong lập ấp, ông chọn về mảnh đất thông Trung Bình Đông, xã Mộc Nhuận, phủ Đông Sơn, nay là thôn Yên Bằng, xã Đông Yên (Đông Sơn). Sau khi ông mất, bà con trong thôn và con cháu dòng họ Nguyễn Trung đã lập đền thờ ông ngay tại trung tâm của làng và tôn là Thành hoàng làng Bằng.

Năm 1925, vua Khải Định đã ban sắc phong ghi thân thế và sự nghiệp cụ Nguyễn Trung Nghĩa, tức Vệ Vũ Hầu, một tướng quân của nghĩa quân Lam Sơn giúp triều đình dẹp giặc Minh.

Mới được công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, cách đây hơn nửa năm, vì thế từng con ngõ trong thôn Yên Bằng đều rất rộng rãi và sạch đẹp. Dẫn chúng tôi vào đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa, anh Nguyễn Đăng Tính, công chức văn hóa xã Đông Yên, cho biết: Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, có giai đoạn đền thờ đã bị phá hủy. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm của bà con trong dòng họ, và sự quan tâm của các cấp, ngành cho tiến hành trùng tu, tôn tạo, đền thờ đến nay đã rất khang trang trên diện tích hơn 800m2. Đền chính có 3 gian, 2 chái, được làm theo hình chữ nhất, trong có nhiều đồ tế. Từ năm 2020, sau khi cải tạo, dòng họ Nguyễn Trung đã xây thêm khu tiền đường dùng để tiếp khách và tổ chức việc họ, cải tạo lại khuôn viên, dựng bình phong, bia công đức khiến công trình thêm quy mô bề thế.

Nguyễn Trung Nghĩa được coi là thủy tổ của dòng họ Nguyễn Trung ở xã Đông Yên. Cả cuộc đời ông là tấm gương sáng, giúp triều đình việc quân, không tư lợi, góp phần làm hưng thịnh xã tắc giang sơn. Đời nối đời, số người trong dòng họ Nguyễn Trung ngày càng nhiều. Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, người họ Nguyễn Trung đã chiếm tới 2/3 dân số trong làng, cũng là họ có thế lực nhất. Dòng họ Nguyễn Trung có ngôi mộ tổ to nhất vùng và một ngôi nhà thờ tọa lạc ở giữa trung tâm làng. Đến nay, họ Nguyễn Trung đã có 21 đời và 5 chi, với 528 đinh.

Ông Nguyễn Trung Ngọc, Chủ tịch Hội đồng gia tộc thắp hương lên bàn thờ cụ Nguyễn Trung Nghĩa.

Gần 600 năm đã qua, những tài liệu về tướng công Nguyễn Trung Nghĩa không còn nhiều. Sau ông, dòng họ cũng tự hào đã có nhiều người nối nghiệp trong việc phụng sự đất nước. Nhiều người đã có công trạng lưu lại sử sách như: Thị vệ sự sơn hầu Nguyễn Trung Hiền; Triều dương hầu Nguyễn Trọng Đạo; Huyện lệnh huyện Phụng Hóa Nguyễn Hệ Trung; Thập lý hầu Nguyễn Hệ Trí... Những thế hệ tiếp theo trong dòng họ rất nhiều người có học hàm, học vị cao. “Điều chúng tôi mong muốn là căn cứ vào sắc phong thần, các hiện vật gốc như: long ngai giao ỷ thần vị, hòm sắc mũ vua ban, bình hương, lư hương bằng đá..., con cháu tiếp tục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” sẽ tìm thêm được nhiều nguồn tài liệu về cụ tổ”, ông Nguyễn Trung Ngọc cho biết.

Ông Nguyễn Đình Giới, Chủ tịch UBND xã Đông Yên khẳng định: Cùng với đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn; Từ đường họ Lê Văn - thờ Quận công Lê Đình Chiêu, đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục tình trạng xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân và trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/tuong-cong-nguyen-trung-nghia/30695.htm