Tuổi trẻ Thủ đô đẩy mạnh phong trào 'Tôi yêu Hà Nội'

Năm 2017, Thành đoàn Hà Nội tập trung đẩy mạnh phong trào "Tôi yêu Hà Nội" trong đoàn viên, thanh niên toàn thành phố. Phong trào được triển khai với năm nhóm nội dung, giải pháp trọng tâm, gồm: Hà Nội xanh, Hà Nội an toàn, Hà Nội văn minh, Hà Nội nghĩa tình và Hà Nội trẻ.

Với nội dung "Hà Nội xanh", từ đầu năm đến nay các cấp bộ đoàn đã trồng mới hơn 10 nghìn cây xanh các loại, đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động "Ngày thứ bảy tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh" hằng tuần; tiếp tục đảm nhận chăm sóc và trồng mới các "Hàng cây thanh niên"… Các cơ sở đoàn khối quận đã triển khai 95 công trình, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân, đem lại vẻ đẹp cảnh quan cho khu phố, lối xóm.

Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức ra quân các đội tự quản "Bảo đảm trật tự và văn minh đô thị" năm 2017; có 100% các cơ sở đoàn trực thuộc đã ra quân vệ sinh môi trường vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Đội thanh niên tình nguyện "Phản ứng nhanh về giao thông và trật tự đô thị" được bố trí trực thường xuyên tại các tuyến đường, phố trọng điểm; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, các cấp bộ đoàn TP Hà Nội đã huy động các nguồn đóng góp, xây dựng 86 nhà nhân ái; thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên; bố trí thanh niên tình nguyện chỉ dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà người bệnh tại một số bệnh viện; ra mắt trang web giới thiệu về di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố và công trình "Rừng cây thanh niên"…, góp phần thực hiện tiêu chí Hà Nội văn minh, an toàn.

* Quảng Nam tạo thuận lợi tiếp cận vốn phát triển nông nghiệp

Tỉnh Quảng Nam đã và đang tổ chức, triển khai nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trước tình hình phát triển nông nghiệp tại tỉnh còn một số khó khăn vướng mắc, như hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, khiến các ngân hàng thương mại khó có thể tiếp cận các mô hình, dự án lớn để cho vay. Năng lực xây dựng phương án vay vốn của người dân còn yếu, do chưa nắm được các thủ tục; người dân còn e ngại, chưa mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi…

Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn phát triển nông nghiệp, tỉnh đã triển khai các giải pháp tiếp cận nguồn vốn như: Các tổ chức tín dụng hướng dẫn về thủ tục vay vốn; Liên minh Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của tỉnh tham gia bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư…; Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu tài sản trên đất, quyền sử dụng sản xuất đất, đất rừng cho nhân dân…

Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt gần 14 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Nam đã quan tâm chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33699802-tuoi-tre-thu-do-day-manh-phong-trao-toi-yeu-ha-noi.html