Tuổi dậy thì nên dùng sản phẩm chăm sóc da nào?

Tuổi dậy thì là thời điểm da có nhiều thay đổi nhất. Vậy có cần chăm sóc da không? Nên dùng các sản phẩm chăm sóc da nào?

1. Các sản phẩm chăm sóc da nên dùng ở tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì là giai đoạn hormone trong cơ thể thay đổi đột ngột nên dễ gặp nhiều vấn đề da. Tuy nhiên, theo BS. Cao Như Đạt (Bệnh viện quân y 268), chăm sóc da tuổi dậy thì chỉ cần một số loại sản phẩm dưới đây:

Kem chống nắng là sản phẩm chăm sóc da quan trọng nhất dành cho trẻ.

- Sữa rửa mặt: Giúp loại bỏ mọi mảnh vụn, dầu thừa và tế bào da chết. Đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến một số vấn đề về da như kích ứng, mụn trứng cá và xỉn màu.

- Kem dưỡng ẩm: Cung cấp độ ẩm cần thiết và củng cố hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.

- Kem chống nắng là sản phẩm chăm sóc da quan trọng nhất dành cho trẻ, giúp bảo vệ da khỏi các loại tổn thương khác nhau do tia UV gây ra. Tia UV là nguyên nhân chính gây lão hóa sớm và phát triển ung thư da.

- Các sản phẩm trị mụn: Sự dao động của hormone ở tuổi dậy thì thường gây ra mụn trứng cá. Có thể kiểm soát mụn trứng cá bằng các sản phẩm có chứa axit salicylic, niacinamide, benzoyl peroxide và axit glycolic theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài những sản phẩm trên, cũng có thể chọn kết hợp các sản phẩm như tẩy tế bào chết nhẹ nhàng.

2. Những sản phẩm chăm sóc da không nên dùng

Các sản phẩm chống lão hóa da

Nhiều hoạt chất rất phổ biến trong các sản phẩm chống lão hóa da có thể gây hại cho làn da của trẻ.

- Retinol và vitamin C là hai hoạt chất phổ biến trong sản phẩm chống lão hóa da. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm này cho trẻ nếu không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho làn da trẻ bị kích ứng, khô da, đỏ da...

- Các thành phần tẩy da chết hóa học như AHA (axit alpha hydroxy) và BHA (axit beta hydroxy) có thể tác động tiêu cực đến hàng rào bảo vệ tự nhiên và hệ vi sinh vật của làn da trẻ, vốn vẫn đang thay đổi và có thể nhạy cảm hơn.

- Retinol kết hợp với AHA và BHA có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn cho làn da của trẻ.

Việc lạm dụng các sản phẩm chống lão hóa da có thể gây tổn thương cho làn da của trẻ.

Các sản phẩm có chứa hương liệu

- Không nên sử dụng các sản phẩm có chứa hương liệu, bởi có thể gây ra phản ứng dị ứng.

- Lạm dụng các sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là những sản phẩm có hoạt chất mạnh, có thể gây viêm da tiếp xúc.

- Việc sử dụng quá nhiều các sản phẩm gây bít tắc lỗ chân lông cũng có thể dẫn đến phát ban, viêm da quanh miệng…

Kem chống nắng là sản phẩm chăm sóc da quan trọng nhất dành cho trẻ. Kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi các loại tổn thương khác nhau do tia UV gây ra, vì tia UV là nguyên nhân chính gây lão hóa sớm và phát triển ung thư da.

3. Cách chăm sóc da cho trẻ tuổi dậy thì

Quy trình chăm sóc da cần được cá nhân hóa, dựa trên loại da của mỗi người và các triệu chứng đang gặp phải, nhưng nói chung, để chăm sóc da tuổi dậy thì cần tuân thủ:

- Làm sạch da: Rửa mặt 2 lần/ngày bằng nước ấm với sữa rửa mặt dịu nhẹ. Lưu ý, không dùng khăn rửa mặt, tránh chà sát mạnh để tránh làm da bị tổn thương, dễ gây kích ứng hơn.

- Sử dụng kem chống nắng hằng ngày.

- Tẩy trang trước khi đi ngủ sẽ loại bỏ những dầu thừa và tế bào chết trên bề mặt da. Nên chọn nước tẩy trang gốc nước để giảm tình trạng bít tắc.

- Có thể tẩy da chết để làm thoáng lỗ chân lông.

- Cấp ẩm cho da bằng nước hoa hồng và kem dưỡng ẩm phù hợp với da.

- Gội đầu 3 lần/tuần, cột tóc (không quá chặt) gọn gàng để tránh nóng, đổ mồ hôi nhiều.

- Tránh sờ tay lên mặt, không tự nặn mụn.

Ngoài ra, cần có chế độ ăn lành mạnh, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ (nướng, chiên, xào); nước ngọt đóng chai, chất kích thích... đồng thời cần ngủ đủ giấc, hạn chế stress, uống nước đầy đủ.

BS. Cao Như Đạt khuyến cáo, không nên cho trẻ dùng bất kỳ một sản phẩm chăm sóc da nào nếu chưa có ý kiến của bác sĩ. Khi trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trên da cần đưa trẻ đến khám tại phòng khám chuyên khoa da liễu để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.

Giữ nét đẹp trẻ trung nhờ chăm sóc da vùng mắt

Nguyễn Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tuoi-day-thi-nen-dung-san-pham-cham-soc-da-nao-169240315113830915.htm