Tuổi 15 lênh đênh sóng nước....

Tuổi 15 lênh đênh sóng nước ấy, tôi cũng được biết, được chứng kiến nhiều những dự định, những hậu trường sáng tác của các anh. Có một đêm, bốn anh em nằm chụm đầu ngắm bầu trời đầy sao, nghe sóng vỗ ì oạp thân tàu.

Những cô gái quan họ anh Phó Đức Phương viết năm 22 tuổi...

Mùa hè lớp 9 (1968), tôi xin mẹ tôi 10 đồng để theo các anh Phó Đức Phương, Nghiêm Đa Văn, Nghiêm Bá Hồng đi chơi miền Đông Bắc, Hải phòng, Quảng ninh. Anh Phó Đức Phương đang là sinh viên trường nhạc, anh Nghiêm Đa Văn là thầy giáo dạy văn mới được chuyển từ đất lửa Hà Tĩnh ra Hà nội về báo Người giáo viên nhân dân. Còn anh Nghiêm Bá Hồng là thầy giáo cấp 2 trường làng Tam Dương ở huyện Thanh oai, Hà Tây. Cả ba anh ngày đó đều thuộc diện tên tuổi, vì có bài hát, có nhạc cảnh thiếu nhi như “Cơn mưa đằng đông”…phát trên làn sóng Đài TNVN, cả nước đều được nghe, người lớn trẻ con thích lắm. Anh Phó Đức Phương thì càng oách hơn, vì bài hát Những cô gái quan họ của anh vang vang khắp chốn, đi tới đâu cũng nghe ”Trên quê hương Quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca” như bỏ bùa người ta.

Thế mà thú vị thay, năm 15 tuổi, chỉ là một cậu trò nhỏ, một thằng bé sớm yêu thi ca và nuôi mộng ước làm thi sỹ, tôi lại được các anh cho “cấp tráp” theo hầu. Đây lại cũng là chuyến đi chơi xa, chuyến ra biển cả đầu tiên của đời tôi. Cũng là lần đầu tiên một thằng trò nhỏ yêu thơ ca là tôi được mở mắt, được tiếp xúc với các văn nghệ sỹ trẻ của Hải Phòng, Quảng Ninh, những “tinh hoa”, những tên tuổi mình đã được đọc thơ trên sách báo, được nhe nhạc trên làn sóng đài, những Trần Tự, Lê Điệp , Hoàng Hưng Nguyễn Khắc Phục, Vũ Ngọc Quang, Văn Sửu, Vũ Ân Khoa, Trịnh Hoài Giang, Thanh Tùng...Các anh đều đang độ tuổi rất trẻ, tràn trề tình yêu thơ ca, quý mến bạn bè, dù cuộc sống thời chiến tranh thiếu thốn mọi bề, nhưng vẫn tổ chức tiếp đón các anh Phó Đức Phương, Nghiêm Đa Văn, Nghiêm Bá Hồng rất thịnh tình, khiến thằng nhóc là tôi cũng được hưởng nhờ...(Bởi thế 10 đồng mẹ cho chỉ mất 1 đồng tiền mua vé tàu, còn 9 đồng không biết tiêu gì nên mang đi rồi lại mang về...).

Bên những chiếc bàn nhỏ và những chiếc ghế lúc nào cũng đe dọa gẫy chân của một quán ăn trên vỉa hè, các anh đàn hát và đọc thơ thâu đêm suốt sáng. Cây ghi ta bập bùng trên tay anh Vũ Ân Khoa( lúc này anh đang có bài hát “Nổi phàng lên”, được dạy trên làn sóng đài TNVN nên nhiều người biết), rồi chuyền sang anh Vũ Ngọc Quang( Tôi gửi lời ca về đảo xa xôi/ Nghe sóng biển reo dạt dào đã 10 năm rồi), đệm cho các anh Phó Đức Phương, Nghiêm Bá Hồng... hát đến khản cả giọng. Rồi đến ”lân” các anh Nghiêm Đa Văn, Trịnh Hoài Giang, Thanh Tùng đọc thơ (Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng chịu cho lòng ta yên)... thật hào khí và hấp dẫn hơn bất cứ một cuộc tiệc nào. Tự tuổi thơ ấy, tôi cứ há hốc mồm ngồi nghe, và sớm nghiệm ra rằng, quả thơ ca lôi cuốn con người khủng khiếp, nhìn các anh đây hoang dã và điên dại thế, có cảm tưởng như họ có tan nhà nát cửa vì thơ ca cũng đành lòng. Lại thấm thía cái tình nghệ sĩ của các anh, thật diệu kỳ, tri âm, tri kỷ. Phần lớn họ là những” văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, xa xôi cách trở cả trăm cây số, lại còn đạn bom đe dọa, lại còn khó khăn cuộc sống chiến tranh trăm bề, ... thế mà gặp nhau cứ hệt như Bá Nha, Tử Kỳ năm xưa. Đọc cho nhau nghe một bài thơ viết chưa ráo mực, hát cho nhau nghe một sáng tác mới, uống với nhau một ly rượu, là thấy hể hả, thấy phiêu linh, thấy ngây ngất, dù rượu có nhạt, thức ăn có khiêm nhường... (Lại có anh đọc thơ rồi ôm bạn khóc ti tỉ, mồm cứ thảng thốt tao sướng quá mày ạ. Sướng mà khóc thế, nước mắt ràn rụa trên má bạn, quả thật tôi cũng chẳng hiều vì sao......)

Ở Hải Phòng một hai ngày, nhà thơ Lê Điệp vì quá yêu quý các bạn từ Hà Nội xuống, có một sáng kiến vô cùng thịnh tình, là gửi anh em theo một con tàu vận tải đường thủy của công ty anh, thu xếp cho anh em chúng tôi một chuyến đi tàu biển từ Hải Phòng ra Quảng Ninh. Để thưởng ngoạn sông nước cho vui. Để lênh đênh sóng biển lấy nguồn thi hứng. Để đàn hát trên tàu cho anh em công nhân cùng nghe (Quãng vài người thôi). Và để ra với những tâm hồn thi ca đất mỏ: Lê Hường, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng đang chờ....

Tôi nhớ buổi sáng tàu rời cảng, bỗng anh Lê Điệp chỉ tay sang một con tàu cũng đang neo gần đó, có một chàng trai ăn vận đồ thủy thủ đang giơ tay múa chân tập thể dục:”Thằng Nguyễn Khắc Phục đấy. Nó đang tranh thủ luyện rèn để sắp đi B đấy”. Tôi đã đọc Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình những truyện ngắn rất hay của anh Nguyễn Khắc Phục, nên nhìn anh như thôi miên, vì tôi thích những truyện này lắm( in trên Văn nghệ quân đội). Anh Văn, anh Hồng, anh Phương cũng nhìn theo tay chỉ của anh Lê Điệp, giơ tay vẫy vẫy anh Phục, đầy yêu thương trìu mến của tình văn chương...

(Quả là một thời gian ngắn sau, anh Lưu Quang Vũ cho tôi hay Nguyễn Khắc Phục- nhà văn trẻ của Hải Phòng tình nguyện đi B rồi. Bổ sung cho chiến trường khu 5. Hôm qua ga Giáp Bát, anh Phục còn gửi cho anh Vũ mấy thỏi lương khô, và một bản thảo dang dở của anh là tập truyện Người từ giã cuối cùng. Viết hay lắm. Anh Vũ có chuyền tay cho bạn bè đọc, ai cũng khen. Sau này anh Đặng Nhật Minh còn làm bộ phim đầu tay của mình trên nền truyện ấy của anh Nguyễn Khắc Phục).

Tuổi 15 lênh đênh sóng nước ấy, tôi cũng được biết, được chứng kiến nhiều những dự định, những hậu trường sáng tác của các anh. Có một đêm, bốn anh em nằm chụm đầu ngắm bầu trời đầy sao, nghe sóng vỗ ì oạp thân tàu. Anh Nghiêm Đa Văn đang thao thức viết kịch bản cho anh Nghiêm Bá Hồng sáng tác một nhạc cảnh mới về người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng.

“ Em yêu tiếng mẹ, tiếng mẹ thiết tha

Yêu từ ngày ấy, em được sinh ra..”

Bắt đầu chỉ là một câu thơ như thế trong Aria anh Lý Tự Trọng bị cùm trong lao tù, tay cầm quyển truyện Kiều lật giở từng trang sách, và hát lên nỗi lòng yêu tiếng mẹ, yêu tổ quốc của mình.

Thế mà rồi dưới bầu trời sao như thế, trong sóng nước mênh mang , nhạc kịch đã ra đời, với một aria của Lý Tự Trọng mà rồi tôi nhớ suốt đời, hay như một bài ca hay nhất cho thiếu nhi:

Em yêu con cò, con cò trắng bay

Con cò lặn lội, mẹ ru mẹ bồng trên tay

Mẹ dây em tiếng của lá cây

Mẹ dậy em tiếng hát những luống cày....

Tranh chỉ có tính chất minh họa

Triệu Phong

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tuoi-15-lenh-denh-song-nuoc-a22249.html