Tung hợp đồng vũ khí, Mỹ tiếp tục 'trống xuôi, kèn ngược' với Qatar?

Lập trường của Mỹ trước khủng hoảng Vùng Vịnh tiếp tục khó dò với thương vụ vũ khí mới nhất giữa Washington và Doha.

Washington và Doha vừa ký kết một hợp đồng mua phi cơ chiến đấu F-15, có giá trị lên tới 12 tỷ USD. Hãng tin Aljazeera nhận định, đây là động thái mới nhất trong một loạt thông điệp “nhiều chiều” mà nước Mỹ đang gửi đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh.

Mỹ và Qatar cam kết đẩy mạnh hợp tác quân sự

Theo hãng thông tấn QNA của Qatar, hợp đồng này đã được ký kết hôm thứ Tư (14/6) trong sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid Al Attiyah và người đồng cấp Jim Mattis tại Washington DC.

Ông Attiyah nói, thỏa thuận này đã nhấn mạnh “sự cam kết lâu dài của Qatar trong việc cùng chung sức với các bạn bè và đồng minh tại Mỹ, nhằm mở rộng hơn nữa hợp tác quân sự, hướng tới sự cộng tác chiến lược giữa hai quốc gia, trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan, và khuyến khích hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.”

“Đây là một bước tiến mới trong việc phát triển hơn nữa quan hệ chiến lược và hợp tác quốc phòng [của Qatar] với Mỹ, và chúng tôi mong muốn tiếp tục các nỗ lực quân sự chung với các đối tác của mình tại nước Mỹ,” Bộ trưởng Attiyah nói.

Hợp đồng này “sẽ mang lại cho quân đội Qatar năng lực siêu việt và tăng cường hợp tác an ninh và tương tác giữa Mỹ và Qatar,” Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Qatar đã cùng chứng kiến lễ ký kết hợp đồng vũ khí mới giữa hai nước tại Washington DC (ảnh: Aljazeera)

Trước đó, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã cũng đã ký kết một hợp đồng vũ khí “khủng” với Arab Saudi, được ca ngợi là một trong những hợp đồng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, với tổng giá trị lên tới gần 110 tỷ USD.

Lập trường của Mỹ với Qatar: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Tin tức về thỏa thuận cung cấp phi cơ chiến đấu giữa Mỹ và Qatar được công bố vào đúng thời điểm cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh vẫn đang trong giai đoạn bế tắc.

Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và một số quốc gia khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đầu tháng Sáu, lấy lý do Doha ủng hộ cho các nhóm vũ trang, mở rộng quan hệ với Iran và can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác. Cho đến nay, Qatar đã vẫn kiên quyết phủ nhận những cáo buộc này.

Riyadh cũng đóng cửa biên giới với Qatar – quốc gia duy nhất mà nước này có chung biên giới trên đất liền. Việc Saudi, Bahrain và UAE không cho phép các chuyến bay của Qatar đi qua không phận của mình, cũng đã gây nên những thiệt hại lớn cho xuất khẩu và đi lại của người dân Qatar.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra, những nỗ lực thể hiện một thái độ trung lập cho nước Mỹ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, đã bị “che lấp” bởi một loạt các tuyên bố mà Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục “dội bom” trên trang Twitter của mình. Trong một tweet gần đây, ông Trump khiến nhiều quan chức Mỹ cảm thấy “sốc” khi công khai buộc tội Qatar ủng hộ cho khủng bố.

Lập trường của Mỹ về căng thẳng Vùng Vịnh ngày càng tỏ ra mâu thuẫn khi cuối tuần trước, Ngoại trưởng Tillerson đã có cuộc điện đàm với phía Arab Saud nhằm kêu gọi giảm bớt sự “tẩy chay” với Qatar.

Ông Tillerson đã không ngừng tìm cách “hạ nhiệt” sức nóng giữa hai bên. Hôm thứ Ba (13/6), Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, những nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng “đang đi theo một chiều hướng tích cực.”

Một ngày sau đó, trong cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ, ngài Ngoại trưởng cũng cho cho biết, việc đưa toàn bộ nhóm Anh em Hồi giáo – một trong những nhóm “cực đoan” mà các nước Arab cho rằng Qatar đang hỗ trợ - vào danh sách “khủng bố”, sẽ đem đến nhiều vấn đề rắc rối.

Tàu hải quân Mỹ cập bến Qatar Trong một động thái khác, hai tàu hải quân Mỹ đã có mặt tại Doha hôm thứ Tư, chuẩn bị cho một cuộc diễn tập chung với hải quân nước này. Các tàu Mỹ cập cảng Hamad Port phía nam Doha “để tham gia vào cuộc tập trận chung với hải quân Qatar,” hãng tin QNA dẫn lời thông cáo của Bộ Quốc phòng Qatar. Hiện chưa rõ, sự xuất hiện của hai tàu hải quân Mỹ đã được hoạch định từ trước khi khủng hoảng Vùng Vịnh diễn ra, hay đây lại là một tín hiệu khác cho thấy sự ủng hộ của Lầu Năm góc với Doha.

Qatar là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất tại Trung Đông. Có tới 11.000 binh sỹ Mỹ hiện đang được triển khai hoặc nhận nhiệm vụ tới căn cứ Al-Udeid. Khoảng hơn 100 phi cơ chiến đấu vẫn đang hoạt động tại đây.

(Theo Aljazeera)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/tung-hop-dong-vu-khi-my-tiep-tuc-trong-xuoi-ken-nguoc-voi-qatar-243017.html