'Tuần trăng mật' giữa Trung Quốc và Đức đã qua

“Tuần trăng mật kéo dài” giữa Trung Quốc và Đức đã dừng đột ngột khi từ một đối tác kinh tế, Bắc Kinh đã trở thành một đối thủ cạnh tranh toàn cầu gay gắt của Berlin.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 11-2016

Theo giới phân tích, “mối quan hệ đặc biệt” giữa Đức và Trung Quốc đang phát triển và được ca ngợi đã không còn tốt đẹp, ít nhất là ở tầm hoạch định chính sách và đối với các nhà công nghiệp hàng đầu.

Trước hết, nếu các công ty Trung Quốc được tự do đầu tư vào phương Tây, thì các công ty nước ngoài ở Trung Quốc lại không được phép đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hoặc truyền thông… Trong khi đó, tại Berlin, chiến dịch đầu tư gần đây của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều lo ngại. Trong nửa đầu năm 2016, các quỹ đầu tư của Trung Quốc đã mua hơn 40 công ty Đức. Phần lớn các doanh nghiệp Đức mà Trung Quốc đã mua là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ mới, kỹ thuật và tin học, khiến Berlin không khỏi lo ngại khi các kiến thức công nghệ quan trọng được chuyển giao cho một đối thủ kinh tế.

Cách đây vài tuần, Chính phủ Đức đã đột ngột ngăn chặn Tập đoàn Trung Quốc Fujian Grand Chip Investment Fund (FGC) mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron. Giới nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng CIA của Mỹ đã cảnh báo Berlin là Aixtron có liên quan tới an ninh và công nghệ quân sự quan trọng nên không thể để rơi vào tay Trung Quốc. Dĩ nhiên Trung Quốc đã thể hiện sự lo ngại về xu hướng bảo hộ của Đức. Một ngày trước khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 11, Phó Đại sứ Đức tại Bắc Kinh đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập đến để trả lời về vụ Aixtron và các bài viết tiêu cực về Trung Quốc trên truyền thông Đức.

Quan hệ song phương lại càng xấu đi khi Ủy viên châu Âu Guenter Oettinger của Đức đã xúc phạm người Trung Quốc trong một bài phát biểu tại Hamburg. Dù ông Oettinger sau đó đã đưa ra lời xin lỗi, song quan hệ giữa hai nước không tránh khỏi những vết rạn.

Ngay bản thân Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel trước khi lên đường sang Trung Quốc vài ngày cũng đã nhắc nhở người Trung Quốc là quan hệ thương mại quốc tế phải hướng tới một “sân chơi bình đẳng” và “cạnh tranh lành mạnh”. Đức và châu Âu không chấp nhận đối tác thương mại “chơi xấu”. Ông Gabriel cũng nhắc tới việc bán phá giá thép và nhôm của Trung Quốc cũng như các biện pháp mà Bắc Kinh đang áp dụng để thâm nhập thị trường xe ô tô. Ông cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc quá hăm hở đầu tư vào châu Âu.

Rõ ràng Đức sẽ phải tìm ra một chiến lược lâu dài với Trung Quốc khi tương lai Bắc Kinh sẽ sản xuất được ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao. Đây cũng chính là một thách thức lớn mà người Đức đang phải đối mặt.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tuan-trang-mat-giua-trung-quoc-va-duc-da-qua.aspx