Tuần lễ Vàng 'thổi hồn' cho kinh tế Trung Quốc

Năm nay, kỳ nghỉ Quốc khánh, hay còn gọi là tuần lễ Vàng của du lịch Trung Quốc, kéo dài 8 ngày hứa hẹn sẽ tạo thêm động lực cho phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Một trường tiểu học ở Xinyu, tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, tổ chức hoạt động giáo dục lòng yêu nước nhân kỷ niệm 74 năm thành lập nước sắp tới vào ngày 1/10. Ảnh: VCG

Khi kỳ nghỉ tuần lễ Vàng cận kề, khách du lịch đổ xô đến các địa danh và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc như Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Bến Thượng Hải ở Thượng Hải và Hồ Tây ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.

Bầu không khí sôi động, náo nhiệt cùng nhiều hoạt động phản ánh sinh động niềm tin vững chắc của người dân Trung Quốc vào nền kinh tế và tương lai tươi sáng của đất nước.

Theo tờ Global Times, ước tính sẽ có khoảng 800 triệu chuyến đi trong tuần lễ Vàng bắt đầu từ 1/10 tới tại Trung Quốc, tức là tương đương khoảng 100 triệu chuyến đi mỗi ngày trong dịp nghỉ lễ.

Hành khách tại sân bay quốc tế Daxing Bắc Kinh. Ảnh: GT

Với nhu cầu du lịch kỷ lục và tác động kinh tế bền vững của Đại hội thể thao châu Á, kỳ nghỉ tuần lễ Vàng năm nay chắc chắn sẽ trở nên sôi động và thịnh vượng nhất trong lịch sử gần đây.

Các chuyên gia cho biết, đây sẽ là thời điểm quan trọng để quan sát sức sống kinh tế. Kỳ nghỉ tuần lễ Vàng sắp tới sẽ giúp phục hồi tiêu dùng đáng kể trong quý 4, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm.

Bất chấp áp lực giảm giá do nhiều yếu tố, thị trường tiêu dùng Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng. Theo các chuyên gia, khả năng phục hồi, tiềm năng và động lực tiêu dùng vẫn mạnh mẽ và không thay đổi.

Hàng trăm triệu người lên đường du lịch

Các dữ liệu mới nhất về du lịch, các sản phẩm du lịch và lưu trú trong kỳ nghỉ này đều chỉ ra sự phục hồi rõ rệt so với năm 2019. Điều này là minh chứng cho sự hồi sinh trong tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Ngày 27/9 là ngày đầu tiên đánh dấu đợt cao điểm du lịch trong tuần lễ Vàng. Mạng lưới đường sắt ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử dự kiến sẽ đón tiếp hơn 2,5 triệu lượt hành khách, cao hơn 600.000 chuyến, tương đương với mức tăng trưởng 30% so với mức năm 2019.

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc dự báo rằng sẽ có 190 triệu chuyến đi bằng đường sắt trong kỳ nghỉ lễ, tăng 138 triệu chuyến đi so với năm 2019.

Đối với các hoạt động hàng không thương mại, dự kiến hơn 21 triệu du khách sẽ di chuyển bằng máy bay, với trung bình 14.000 chuyến bay nội địa sẽ được khai thác mỗi ngày trong suốt thời gian nghỉ lễ, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ nhộn nhịp về phương tiện đi lại, số lượt đặt phòng khách sạn tại các điểm đến nổi tiếng cũng tăng vọt. Dữ liệu từ công ty du lịch Qunar cho thấy, lượng đặt phòng khách sạn trong nước dịp tuần lễ Vàng đã tăng 514% so với năm 2019. Trong khi đó, nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com đưa ra dự đoán các chuyến du lịch nước ngoài sẽ tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc, số lượt hành khách trong và ngoài nước trung bình hàng ngày trong kỳ nghỉ lễ dự kiến sẽ đạt 1,58 triệu, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, du lịch đến Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc đã trở thành điểm nhấn độc đáo. Bởi tuần lễ Vàng trùng với những ngày thi đấu chính của Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu, kéo dài từ ngày 23/9 đến ngày 8/10.

Trung Quốc chứng kiến sự bùng nổ du lịch và mức tiêu dùng mạnh mẽ trong dịp Trung thu và Quốc khánh sắp tới.

Dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Fliggy cho thấy, trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á, lượng đặt vé máy bay quốc tế tới Hàng Châu đã tăng 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, việc đặt vé tàu đã ghi nhận mức tăng trưởng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng đặt phòng khách sạn gần các địa điểm trên đã tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Năm thành phố khác trong tỉnh đồng đăng cai Thế vận hội cũng chứng kiến sự bùng nổ về số lượng khách du lịch.

Các chuyên gia cho biết, với sự gia tăng đáng kể về lượng đặt vé máy bay, vé tàu, chỗ ở và các sản phẩm du lịch, kỳ nghỉ lễ này dự kiến sẽ giải phóng thêm tiềm năng tiêu dùng. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho quỹ đạo tích cực của nền kinh tế Trung Quốc.

Dựa trên dữ liệu đặt phòng và du lịch kỷ lục, cho thấy mức độ tiêu dùng ngày càng tăng, Ông Tian Yun, một nhà kinh tế học ở Bắc Kinh cho rằng, sự tăng trưởng này là do kỳ nghỉ lễ kéo dài và hiệu ứng lan tỏa của các sự kiện như Đại hội thể thao châu Á, đã tiếp thêm năng lượng cho nền kinh tế.

Khung cảnh nhộn nhịp ở khu vực Bến Thượng Hải. Ảnh: VCG

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong Quý 4

Các chuyên gia dự đoán, nhờ các chính sách kích thích kinh tế vĩ mô hiệu quả và sự thúc đẩy từ kỳ nghỉ tuần lễ Vàng, tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý 4, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm.

Trước đó hồi tháng 8, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã vượt kỳ vọng nhờ các hoạt động du lịch mùa hè và các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng. Chỉ số này ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ là 4,6% lên 521,13 tỷ USD, cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng của tháng 7.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng, kỳ nghỉ tuần lễ Vàng và Đại hội thể thao châu Á sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế trong quý 4. Đồng thời kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chính sách phát huy các thế mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường vào tháng 10 và Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 năm nay sẽ mang lại động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế và sự phát triển của Trung Quốc.

Kỳ nghỉ lễ kéo dài cũng mang lại cơ hội đáng kể và đỉnh điểm cho ngành tiêu dùng bán lẻ. Giáo sư Cong Yi từ Đại học Tài chính và Kinh tế Thiên Tân, cho biết thời gian nghỉ lễ kéo dài mang lại cơ hội cho ngành bán lẻ và dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng GDP trong quý với vai trò là "máy tăng tốc".

Giáo sư Cong Yi nhận định rằng Asiad 19 cũng tạo sự thúc đẩy lớn cho các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng từ thể thao và văn hóa đến phục vụ ăn uống cho thành phố đăng cai và các thành phố lân cận ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc cũng như khu vực đồng bằng sông Dương Tử.

Theo các phương tiện truyền thông, trích dẫn thông tin chính thức từ tỉnh Chiết Giang, việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á từ năm 2016 đến năm 2020 ước tính đã bổ sung khoảng 414,1 tỷ nhân dân tệ cho nền kinh tế Hàng Châu, chiếm 7,6% tổng sản lượng kinh tế của thành phố.

Từ đó, dẫn đến doanh thu của chính phủ tăng khoảng 103,3 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 8,2% tổng doanh thu thu được. Ngoài ra, Thế vận hội thể thao châu Á đã tạo cơ hội việc làm cho khoảng 670.000 người, chiếm 2,4% tổng số việc làm trong thời gian đó.

Trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á, lượng đặt phòng khách sạn tại các thành phố Ninh Ba, Ôn Châu, Hồ Châu, Thiệu Hưng và Kim Hoa đều tăng hơn 5 lần so với năm 2019. Trong đó Thiệu Hưng có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 720% về lượng đặt phòng khách sạn.

Số lượng đặt phòng khách sạn ở Chiết Giang và 5 tỉnh đồng đăng cai tăng gấp 5 lần so với năm 2019.

Ngoài du lịch, cơn sốt thể thao do Đại hội thể thao châu Á gây ra đã thúc đẩy nền kinh tế thể thao, sản xuất thể thao và ngoại thương. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu hàng thể thao từ Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc đạt 5,08 tỷ nhân dân tệ trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tian cho biết, thành công bền vững của Đại hội thể thao châu Á và các sự kiện lớn khác trong năm nay sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa không chỉ tiêu dùng trong nước mà còn cả tiêu dùng quốc tế, mở ra cơ hội cho sự mở cửa của Trung Quốc.

Chuyên gia lưu ý rằng tiềm năng tiêu dùng của Trung Quốc vẫn chưa được khai thác và mức tiết kiệm lớn của hộ gia đình cho thấy một thị trường quan trọng cho hàng tiêu dùng mới nổi và nhu cầu tiêu dùng được nâng cao.

Tính đến cuối tháng 8, số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân thành thị và nông thôn ở Trung Quốc lần đầu tiên vượt quá 7.000 tỷ nhân dân tệ.

Ông Tian cho biết có thể làm nhiều hơn nữa để kích thích thị trường tiêu dùng, đồng thời chỉ ra nhu cầu tiêu dùng được nâng cao và các động lực tiêu dùng mới. Ông cho rằng các phương tiện sử dụng năng lượng mới, điện thoại thông minh 5G sản xuất trong nước, máy bay lớn sản xuất trong nước và nền kinh tế du lịch đều sẽ trở thành điểm tăng trưởng mới cho nền kinh tế tiêu dùng Trung Quốc.

Ông tin tưởng với những nỗ lực của chính phủ, sự phục hồi dần dần của người dân sau tác động của đại dịch, mức tăng trưởng doanh số bán lẻ có thể đạt 6% trong quý 4. “Dự kiến các chính sách vĩ mô sẽ tập trung vào việc tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý 4. Nó cũng sẽ giải quyết các vấn đề dài hạn như chăm sóc người già để thúc đẩy niềm tin của thị trường”.

Tuần lễ Vàng là thời điểm quan trọng để quan sát sức sống kinh tế Trung Quốc.

Ông Li Yong, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Khu vực Biên giới Trùng Khánh, nói với Global Times rằng kích thích chi tiêu của người tiêu dùng thông qua việc phát hành phiếu mua hàng là một phương pháp tốt. Đặc biệt đối với lĩnh vực ăn uống và du lịch. Điều này sẽ khuyến khích mọi người đến thăm trung tâm thương mại và thực hiện các chuyến đi.

Cong Yi, Giáo sư Đại học Tài chính và Kinh tế Thiên Tân cho biết: “Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho cả năm. Mức tăng trưởng trong quý cuối cùng sẽ củng cố mục tiêu này".

Bên cạnh đó, ông Tian dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng từ 5-5,2% trong năm nay.

Ngọc Hưng/ Báo Tin tức (Theo Global Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tuan-le-vang-thoi-hon-cho-kinh-te-trung-quoc-20230928223918449.htm