Từ việc dâng tiền lên Phật, Thánh tại các Đền, Chùa: Ai mới là người thực nhận?

(PL&XH) - Hầu hết người đi lễ chùa, đền… đều rải tiền tại chốn linh thiêng. Từ bệ thờ, bát hương, tháp chuông, bia công đức, mặt trống, cạnh biển cấm đặt tiền tới gốc cây, ngọn cỏ hay thậm chí là cả miệng của tượng Phật, người dân cũng nhét tiền...

Năm 2013 tiền công đức cả nước thu 200 nghìn tỷ đồng

Ở lễ hội chùa Hương (Hà Nội), cứ đôi tiếng người nhà chùa phải mang bao tải đi thu nhặt tiền lẻ được đặt trên các mâm cúng, voi chầu, bệ thờ... Đền Trần (Nam Định) phục hồi nghi lễ rước kiệu ấn quanh hồ thì khách thập phương có thêm thói quen mới là ném tiền lẻ vào kiệu ấn lấy may. Hay suối Giải Oan (Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh), giếng Ngọc (đền Hùng, tỉnh Phú Thọ)... đều lâm vào tình cảnh bị nghẽn dòng chảy vì tiền lẻ. Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), khách hành hương không chỉ nhét tiền lẻ vào tay, vào nếp áo mà còn nhét vào tai, vào miệng tượng Phật. Ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng phải chứng kiến cảnh du khách rải tiền lẻ cầu may trắng cả mái nhà Thái học.

Theo một nhà nghiên cứu về tôn giáo, có thể do bây giờ nhiều người kiếm được tiền dễ quá lại phần lớn bằng cách không chân chính nên cứ vào chùa là họ rải tiền khắp nơi để cầu xin Phật Thánh tha tội và hi vọng tràn trề rằng tiền công đức càng nhiều sẽ lại tiếp tục được phù hộ trên con đường kiếm tiền, tài, danh, lợi.

Bên cạnh đó, theo một nguyên nhân được nêu ra từ Bộ VH-TT&DL tâm lý của người dân đi lễ thường hay phân biệt tiền công đức và tiền giọt dầu. Tiền công đức sẽ thuộc về chính quyền địa phương, còn tiền giọt dầu (đưa trực tiếp hoặc rải khắp nơi, không để vào hòm công đức) sẽ là tiền cúng cho nhà chùa, lấy phúc.

Tượng Phật được che phủ kín bằng tiền...

Tuy nhiên, chính những người mang tiền giọt dầu đi rải khắp nơi cũng chưa hình dung được số tiền mà mình công đức những mong đến được tay Phật Thánh thực chất sẽ đi đâu. Nhìn các mệnh giá tiền được người dân đặt trên các bệ thờ, chỉ thường từ 500 đồng tới 10 nghìn đồng nhưng khi tính tổng lại con số không hề nhỏ. Theo tổng kết của Bộ VH-TT&DL, tiền công đức mùa lễ hội của cả nước năm 2013 thu về hơn 200 nghìn tỷ đồng (chưa kể hiện vật người dân cung tiến). Nhưng thực tế, con số này không dừng ở đó khi chính Bộ này cũng cho biết tại hầu hết các điểm di tích chưa thể kiểm soát được tiền giọt dầu. Bộ cũng đánh giá rằng năm 2013, công tác quản lý lễ hội đã khá thành công so với trước đây nhưng vấn đề “nhạy cảm” là tiền công đức, tiền giọt dầu vẫn chưa có một giải pháp quản lý hợp lý. Mặc dù, từ giữa năm 2012, Bộ đã ban hành Quyết định 2245, yêu cầu mỗi di tích không đặt quá 3 hòm công đức. Đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên những ban thờ chính. Thế nhưng, qua công tác kiểm tra mùa lễ hội năm 2013, vẫn có di tích đặt tới hơn 30 hòm công đức, khay giọt dầu- theo lí giải của đơn vị quản lý di tích là do chính người dân rải tiền giọt dầu quá nhiều và vô tội vạ nên tốt nhất là đặt thêm hòm công đức. Nếu nói vậy, hóa ra, việc “mọc” ra thêm nhiều hòm công đức là lỗi của người dân?!
Tiền cúng Phật Thánh của mọi người, nếu theo nguyện vọng của họ là phải đến được tay Phật Thánh nhưng đến được đúng đích không thì chưa được rõ, tuy nhiên lại gây nên nhiều tranh cãi giữa chính quyền địa phương và ban quản lý di tích. Bởi mỗi đền chùa một kiểu quản lý, đền chùa càng lớn càng khó tiếp cận. Ngay đến cả những mô hình quản lý tiền công đức được coi là tốt nhất hiện nay cũng đầy “lỗ hổng”. Di tích, nơi thì thuộc quản lý của Sở VH-TT&DL, có nơi thuộc UBND tỉnh, TP hay di tích trực thuộc Bộ quản lý. Thậm chí, rất nhiều di tích đang chịu sự quản lý trực tiếp của xã, phường. Trong khi đó, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lại thuộc về Cục Di sản. Việc cụ thể hóa một “mô hình khoa học” mang tên ban quản lý lễ hội là rất cấp thiết nhưng qua nhiều cuộc họp do Bộ tổ chức, các nhà nghiên cứu, chuyên gia vẫn loay hoay chưa thể đưa ra một mô hình quản lý phù hợp. Ở nhiều khu di tích, việc một cấp tự thu chia tiền công đức dễ dẫn đến chuyện nhập nhèm. Trong khi nhiều cấp cùng thu, hay được chia tiền công đức lại dễ dẫn tới phát sinh tranh giành quyền lợi, xung đột lợi ích.

.

Vì thế nên mới nảy sinh chuyện nhiều địa phương báo cáo tổng số tiền thu được nhưng chi tiêu thế nào thì lại bỏ ngỏ. Chính sự thiếu minh bạch hóa tiền công đức, giọt dầu đã khiến không ít người dân băn khoăn tiền công đức của mình đóng góp được sử dụng đã đúng mục đích hay chưa. Đơn cử như chùa Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có quy định tiền giọt dầu do sư thầy trụ trì sử dụng. Có chùa lại phân ra 3 hòm công đức, sư thầy trụ trì sử dụng một hòm, ban quản lý sử dụng một hòm, hòm còn lại dùng vào việc tu sửa chùa.

Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh có hẳn một quy trình khép kín về việc sử dụng tiền công đức. Tuy nhiên, từ “những người trong cuộc”, còn lại không ai biết được số tiền thu về bao nhiêu, giữ trong ngân hàng bao nhiêu và chi cho những mục đích gì. Nói đến đền Bà Chúa Kho, nhiều chuyên gia văn hóa đều lắc đầu: “Đền Bà Chúa Kho dường như đã trở thành cơ sở riêng của một cộng đồng nhỏ, tiền vào tiền ra thế nào chẳng ai biết”.

Thậm chí có nhiều địa phương không thể quản lý nổi đã nảy ra sáng kiến là “khoán” cho tư nhân trông coi từ vài tỷ tới vài chục tỷ đồng. Những người dân đang mang tiền giọt dầu rải khắp nơi liệu có thấy buồn khi lòng thành bị biến tướng thành hình thức khoán kinh doanh kiểu này. Và số tiền sau khi nộp ngân sách địa phương còn lại sẽ dùng như thế nào, hay “chảy” vào túi ai?!

Bậc cầu thang cũng vậy... Ảnh: X.Thanh

Việc thiện bị biến tướng

Bên cạnh đó, hành động rải tiền lẻ tại các di tích của người dân còn đang khiến Nhà nước tốn kém một khoản tiền không nhỏ. Thứ nhất, với số tiền khổng lồ đó, nhà chùa không có khả năng kiểm đếm, buộc phải nhờ đến một chi nhánh ngân hàng địa phương có máy đếm tiền hỗ trợ, cũng phải làm liên tục vài ngày mới xong, chưa kể nếu đếm thủ công tại chỗ chẳng biết mất bao nhiêu ngày.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, việc in và sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hiện nay đang gây lãng phí rất lớn. Chi phí in một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Cụ thể, chi phí in ấn mỗi tờ tiền mệnh giá 500 đồng là 1.500 đồng. Ước lượng chi phí in ấn mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống mất khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó phần lớn lượng tiền này được sử dụng cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng nhưng việc sử dụng chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm xấu hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Số tiền lẻ này sau Tết quay trở lại hệ thống ngân hàng, nhưng rất khó đưa vào lưu thông.

Việc rải tiền vô tội vạ tại các di tích những tưởng là làm việc thiện nhưng cũng đã vô tình tiếp tay cho việc phá hỏng di tích cổ hay khơi dậy lòng tham vật chất của một số người “đại diện cho thánh thần” nhưng vẫn chưa diệt hết chữ “tham”. Bài học về việc các di tích bị đập đi xây mới, sơn màu lòe loẹt thay vì trùng tu, sửa chữa những hạng mục, xuống cấp đã xảy ra quá nhiều khiến các nhà nghiên cứu, bảo tồn văn hóa không khỏi đau xót. Hay vụ việc một số sư trụ trì, thầy chùa tham dẫn đến “sân”, “si” để rồi mê muội mà bất chấp đạo pháp và pháp luật.

Khi đến cửa đền chùa, là chỗ linh thiêng, nhưng nhiều người vẫn mang tư duy kiểu đời thường, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn mới được phù hộ độ trì khác nào một hành động “mua chuộc” Phật Thánh để hòng được lợi cá nhân.

Ông Tú nêu ví dụ, sau dịp lễ hội chùa Hương, số tiền lẻ mệnh giá thấp lên tới 1.200 bao tải, trị giá hơn 20 tỷ đồng nhưng ngành ngân hàng phải điều tới gần 200 xe chở tiền, huy động hàng trăm nhân lực để vận chuyển, kiểm đếm và lưu kho. Nếu nhân con số trên với hàng trăm lễ hội, số tiền lẻ mà ngành ngân hàng phải thu về lưu kho là vô cùng lớn.

Đi chùa để nghe pháp, nhớ lời Phật dạy về đạo đức làm người để sống toàn thiện. Nếu một người nghe lời Phật dạy, luôn luôn sống toàn thiện, thì phước lộc đầy đủ, cần gì phải đi chùa cầu phước, cầu lợi? Nếu đi chùa quanh năm, cầu chư Phật ban phúc ban lộc mà chẳng làm một điều lành, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, không hề tu tâm tích đức thì có Phật nào ban cho phúc lộc hay không? Đụng việc gì cũng làm to ra, la lối om xòm, chửi làng, mắng xóm, cuộc sống lúc nào cũng bủn xỉn, ích kỷ, tâm độc ác không hề giúp đỡ người bất hạnh thì dù có lạy Phật đến sói đầu, cầu phước, cầu lộc cũng chẳng có được chút nào. Đó là một việc làm mê tín, mơ hồ, phi đạo đức, không có thánh thần, chư Phật, chư Bồ Tát nào ban phước, ban lộc cho quý vị ấy được, vì những việc ban phước ban lộc như vậy, không đúng đạo đức công bằng và công lý.
Hòa thượng
Thích Thông Lạc

Địa phương rất khó quản lý chuyện đặt tiền khắp nơi

Ông nghĩ sao về hiện tượng người dân đặt tiền ở rất nhiều nơi thậm chí cài cả lên tay tượng Phật ở những đền chùa hiện nay?
Việc đặt tiền của dân mình là theo thói quen. Tôi đã có lúc nói vui rằng, phần âm cũng như phần dương, chỉ đặt tiền một “cửa” để thể hiện lòng thành là đủ, nhưng trên thực tế thói quen của dân mình đã quy định những suy nghĩ khác đi chứ không được như vậy. Họ đặt ở nhiều nơi, gọi là một tục lệ thì chưa hẳn đã đúng nhưng mà thói quen này ăn sâu vào nếp nghĩ của rất nhiều người nên khó thay đổi.
Là người đã từng giữ cương vị quản lý văn hóa ở địa phương, ông có thể cho biết thêm địa phương có những biện pháp nào để hạn chế bớt hiện tượng này hay không?
Thực ra, về quản lý di tích văn hóa và một số vấn đề tín ngưỡng tâm linh thì cơ quan quản lý cấp trên đã có nhiều văn bản, nghị định hướng dẫn. Nhưng các văn bản, quyết định, nghị định liên quan chưa thật chi tiết nếu không muốn nói là không có điều khoản nào quy định cụ thể về vấn đề đặt tiền công đức ở những nơi nào hay không. Vì thế, địa phương cũng thiếu căn cứ để có thể quản lý, thực hiện được.
Có ý kiến cho rằng, tại ban quản lý ở các đền, chùa, đình, miếu (nhất là tại các địa phương) đặt quá nhiều hòm công đức nên người dân mới bỏ tiền vào nhiều chỗ như vậy, nếu chỉ để một nơi công đức thôi thì sẽ tránh được chuyện “rải tiền chùa” khắp nơi, ông nghĩ sao?
Vấn đề này đã được bàn tới, và cũng có hẳn quy định là mỗi nơi chỉ để một hòm công đức để dân đặt tiền. Nhưng tôi nghĩ đây thuộc vấn đề thói quen nhiều hơn. Dù có chỗ để tiền công đức được quy định nhưng người dân vẫn cài tiền khắp nơi, kể cả chân, tượng Phật.
Ông có nghĩ rằng việc đặt tiền chùa khắp nơi là một sự lãng phí?
Việc này đúng ở một chừng mực và một nhóm người nhất định nào đó. Nhưng đa phần là do thói quen. Người dân, đặc biệt là các bà khi đi chùa cứ đổi sẵn một sấp tiền lẻ, ban nào cũng đặt, không đặt ban nào lại áy náy không yên tâm. Tiền lẻ đó về giá trị không nhiều để nói đến “lãng phí”, nó phụ thuộc vào thói quen tâm linh. Mà đã thuộc vào vấn đề thói quen tâm linh thì chuyện quản lý cũng sẽ khó khăn hơn nhiều vấn đề khác.
Xin cảm ơn ông về các ý kiến trao đổi!
Phan Thủy

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013122811146514p1001c1049/tu-viec-dang-tien-len-phat-thanh-tai-cac-den-chua-ai-moi-la-nguoi-thuc-nhan.htm