Từ việc 5 người trong một gia đình nhập viện vì ăn cà độc dược, chuyên gia chỉ rõ dùng theo cách này có thể tử vong

Cà độc dược được coi là một vị thuốc, có độc tính cao. Dùng cà độc dược liều cao, đặc biệt là hoa và lá, có thể dẫn đến ngộ độc, mê sảng kéo dài, mất trí nhớ, thậm chí tử vong.

Vừa qua, các bác sĩ BVĐK vùng Tây Nguyên tiếp nhận 5 bệnh nhân trong một gia đình ở huyện Ea Súp, Đắk Lắk nghi do bị ngộ độc sau khi ăn cà độc dược.

Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn cà độc dược

Theo người nhà bệnh nhân, vào chiều 21/8, các bệnh nhân cùng hái trái cà độc dược nấu ăn. Sau khi ăn khoảng 30 phút, các bệnh nhân bị sốt, nôn ói, co giật nên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cấp cứu.

Đến tối cùng ngày, các bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được chuẩn đoán ngộ độc cà độc dược. Sau khi được cấp cứu, hiện sức khỏe của các bệnh nhân đã tạm ổn định và đang được các bác sĩ theo dõi.

Theo các bác sĩ, hiện nay vẫn có một số trường hợp ngộ độc cà độc dược do ăn nhầm hoặc chế biến hóa, lá làm thức ăn.

Ăn cà độc dược liều cao có thể tử vong

Theo dân gian, cà độc dược được coi là một trong 50 vị thuốc cơ bản với tên gọi dương kim hoa, tác dụng khử phong thấp, chữa hen suyễn. Cây có tác dụng chống co bóp do loét dạ dày, say sóng hoặc nôn mửa khi đi máy bay. Dùng ngoài đắp mụn nhọt khỏi đau nhức.

Một loại cây cà độc dược. Ảnh minh họa

GS.TS Võ Văn Chi, tác giả cuốn "Từ điển cây thuốc Việt Nam", ghi nhận cà độc dược được trồng làm cảnh phổ biến ở nhiều vùng miền nước ta. Tuy nhiên ít người biết rằng cây này có chứa alcaloid, chủ yếu là scopolamine gây ảo giác mạnh giống thành phần trong cây hoa loa kèn độc, ngoài ra còn có hyoscyamin, atropin, norhyoscyamin. Lá cũng có nhiều hyoscyamin. Lượng scopolamine được tìm thấy nhiều nhất ở hoa.

Do những thành phần độc tính trên, cây cà độc dược được xếp vào bảng có độc tính cao. Các thành phần alcaloid có khả năng hủy phó giao cảm tạo ảo giác mạnh, mê sảng, hoang mang, khiến con người không thể phân biệt được thực tế và tưởng tượng. Dùng cà độc dược liều cao, đặc biệt là hoa và lá, có thể dẫn đến ngộ độc, mê sảng kéo dài, mất trí nhớ, thậm chí tử vong.

Sử dụng cây cà độc dược thế nào cho đúng?

Cà độc dược được dùng để hỗ trợ điều trị xương khớp, viêm xoang, mụt nhọt, đau thần kinh tọa... Tuy nhiên, do thành phần chứa atropin và hyoxin đều thuộc nhóm độc, do đó khi dùng cần được sự chỉ định của bác sĩ.

Ảnh minh họa

Những người tuyệt đối không nên dùng cà độc dược

- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú: độc dược trong cà có khả năng gây ảnh hưởng không tốt đối với cả mẹ và thai nhi. Ngoài ra, các hoạt chất có ở bên trong có thể làm giảm đi lượng sữa mẹ và thậm chí gây hại cho sức khỏe của trẻ

- Bệnh nhân suy tim: vì loại thảo dược này có thành phần làm gia tăng nhịp tim

- Bệnh nhân đang sốt, loét dạ dày, trào ngược dạ dày- thực quản, nhiễm trùng đường tiêu hóa, bí tiểu, viêm đại tràng kết...

- Bệnh nhân huyết áp cao hoặc đang rối loạn tâm thần

Dấu hiệu ngộ độc cà độc dược

Triệu chứng ngộ độc tùy thuộc vào liều nhưng có thể nhận biết từ các biểu hiện nhẹ như khô miệng, giảm tiết mồ hôi, nhịp chậm hay ở liều cao hơn có thể gây nhịp tim nhanh, giãn đồng tử, da khô nóng đỏ, ảo giác, mê sảng và hôn mê.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm từ tự nhiên như nấm, cà độc dược…, không nên sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc để tránh các vụ ngộ độc gây ảnh hưởng sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày Thất tịch, ăn chè đậu đỏ có thoát ế

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-viec-5-nguoi-trong-mot-gia-dinh-nhap-vien-vi-an-ca-doc-duoc-chuyen-gia-chi-ro-dung-theo-cach-nay-co-the-tu-vong-172230823082608632.htm