Tư vấn tâm lý học đường: Chuyên nghiệp là cần thiết

KTĐT - Thực trạng đời sống tâm lý học sinh THPT đang có nhiều biểu hiện đáng lo ngại. Học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trong cuộc sống, tự tử vì sức ép của gia đình... Một nguyên nhân được chỉ ra là do vai trò của tư vấn học đường chưa thực sự được chú trọng trong mỗi nhà trường, thiếu "người thầy thầm lặng" giúp học sinh vượt qua những khủng hoảng tâm lý, giải quyết những "bí mật"ở lứa tuổi đang có những biến động về tâm sinh lý và tác động của xã hội.

Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng là một trong số ít trường phổ thông của Hà Nội có một văn phòng tư vấn tâm lý hướng nghiệp chuyên nghiệp với 4 chuyên gia tâm lý, giúp học sinh giải quyết những khó khăn học đường... Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm, sở dĩ trường chú trọng vấn đề tâm lý học sinh do môi trường nhà trường khá đặc biệt, không tuyển đầu vào nhưng phải chuẩn đầu ra. Hàng năm có khoảng 20% học sinh khi vào trường, đạo đức yếu và 60% học sinh vào trường học lực kém. Nhưng khi ra trường, chỉ còn 1 - 2% học sinh có học lực, đạo đức yếu, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 95%. Mô hình tư vấn tâm lý học đường giúp học sinh có khả năng đối mặt với những khó khăn tâm lý, đồng thời là nơi định hướng cho học sinh trong các lĩnh vực như tình bạn, tình yêu... đã từng được thử nghiệm ở một số trường THPT công lập của Hà Nội và hiệu quả hoạt động rất tích cực, nhưng triển khai mở rộng lại không được như mong muốn... Vậy, nên mỗi khi gặp khó khăn về tâm lý, học sinh chủ yếu tâm sự với bạn bè,... thậm chí giải quyết sự việc một cách tiêu cực. Theo nghiên cứu mới đây của khoa Tâm lý học (ĐH KHXH&NV Hà Nội), 84,7% số học sinh THCS và THPT được hỏi cho rằng, hoạt động tư vấn tâm lý học đường rất cần thiết và 69,8% cho biết, nếu có các hoạt động này ở trường thì các em sẽ tham gia và sẵn sàng đến phòng tâm lý học đường khi có những khúc mắc tâm lý. Nguyên nhân mô hình tâm lý học đường chưa phát triển tại các trường phổ thông đã được chính những người trong ngành giáo dục chỉ ra. Đầu tiên là các nhà quản lý giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác trợ giúp tâm lý học đường cũng chưa được chú trọng. Cùng với đó, tâm lý e ngại ở chính học sinh cũng là một nguyên nhân, bởi họ quan niệm khi cần đến văn phòng tư vấn tâm lý chắc chắn là có vấn đề không hay, mà chưa hiểu rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của tư vấn học đường. Đồng thời quỹ thời gian của học sinh ở trường đã kín vì lịch học, cũng như sự hợp tác rộng rãi của mọi tổ chức xã hội chưa được gắn kết. Vì vậy, dù vai trò và hiệu quả của mô hình đã được thực tế thử nghiệm, nhưng chưa được các trường chú ý tới. Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, hoạt động trợ giúp tâm lý học đường nên tồn tại dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Các hoạt động trợ giúp cần đa dạng từ hoạt động đào tạo đến nghiên cứu, ứng dụng và xâu chuỗi thành một hoạt động chung thống nhất về mục tiêu, chương trình. Cần làm tốt công tác tuyên truyền cho học sinh... nhận thức được tính cấp thiết của tâm lý học đường với mỗi trường học, mỗi học sinh. Và mỗi trường cần xây dựng và tổ chức một bộ phận chuyên trách làm công tác tư vấn học đường. Minh Hiền

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=56&newsid=266023