TƯ VẤN PHÁP LUẬT:Quyền thừa kế của cha mẹ

Bà Nguyễn Thị Diễm Trang (trú H. Hòa Vang, Đà Nẵng), hỏi: Chồng tôi chết đã 5 năm, không để lại di chúc. Vừa qua, tôi và các con của tôi có ra công chứng làm thủ tục về thừa kế để bán căn nhà do tôi và chồng tôi cùng tạo lập và đứng tên. Tuy nhiên, công chứng viên (CCV) bảo rằng căn nhà này có phần của ba mẹ chồng tôi nên muốn bán phải có sự đồng ý của họ, họ phải ký tên vào các hồ sơ liên quan. Tôi thấy điều này thật vô lý vì cha mẹ chồng tôi không liên quan gì đến tài sản (TS) này cả. Do vậy, tôi muốn biết việc CCV hướng dẫn như vậy có đúng không?

Thạc sĩ- Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Về mặt nguyên tắc, TS chung của vợ chồng thì vợ chồng có toàn quyền định đoạt, trong đó có việc bán TS mà không cần phải có sự đồng ý của cha mẹ hay con cái. Tuy nhiên, khi vợ hoặc chồng chết đi, 50% TS của người chết trong khối TS chung trở thành di sản thừa kế và không còn được xem là TS chung của vợ chồng nữa. Theo quy định của pháp luật, nếu người chết không để lại di chúc thì di sản sẽ thuộc về những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Ngoài ra, pháp luật còn quy định: những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Điều này thể hiện sự tiến bộ và tính nhân văn của pháp luật, không chỉ được quy định ở pháp luật Việt Nam chúng ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, đối với trường hợp của bà Trang, việc CCV yêu cầu phải có sự đồng ý và cha mẹ chồng của bà ký tên vào các hồ sơ liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế, chuyển nhượng TS cho người khác là phù hợp với quy định của pháp luật.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng
Điện thoại tư vấn: 0905102425

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_150250_quye-n-thu-a-ke-cu-a-cha-me-.aspx