Tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ vững chính quyền cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám vận dụng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới, một trang mới tươi sáng trong lịch sử dân tộc ta, đồng thời cổ vũ phong trào đấu tranh giải phòng dân tộc trên Thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thắng lợi vĩ đại đó là điều kiện để Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể dân tộc Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Độc lập - Áng văn lập quốc vĩ đại trong lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á vào ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, qua đó khẳng định với thế giới về quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

Để có được thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, dân tộc ta đã trải qua một cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng rất oanh liệt. Cách mạng tháng Tám cùng với bản Tuyên ngôn Độc lập đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Dân Tiên từng nhận xét: “Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường,... là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” . Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, lần đầu tiên trong lịch sử quần chúng nhân dân lao động bước lên vũ đài chính trị làm chủ cuộc sống, quyết định tương lai vận mệnh cho chính bản thân mình. Giá trị, thành quả Cách mạng Tháng Tám đó không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh của biết bao thế hệ. Do đó, thành quả đó phải được trân trọng, giữ vững, phải bằng sức mạnh của toàn thể dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, như V.I.Lênin từng nói ngắn gọn: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn”.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh bằng cách sử dụng những câu từ đanh thép, dứt khoát “một dân tộc đã gan góc…”, “dân tộc đó phải được độc lập” và cao hơn nữa “và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập” và đó là nền độc lập thực sự mà dân tộc ta đã giành được từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Đặc biệt, lời kết của Bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm giữ vững chính quyền non trẻ vừa mới giành được trước bất kỳ kẻ thù nào dám xâm phạm bằng những lời lẽ đanh thép, sắt đá nhất. Đó là sự tiếp thu tư tưởng của V.I.Lênin về bảo vệ thành quả cách mạng, với 29 chữ ngắn gọn và cũng là thay cho lời kết của bản Tuyên ngôn: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Đây là sự khẳng định ý chí, quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc dù nhỏ bé nhưng biết đoàn kết một lòng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ thành quả của cách mạng. Ý chí quyết tâm bảo vệ và giữ vững chính quyền non trẻ trong Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa, tiếp nối của tư tưởng của Hồ Chí Minh trong chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giải phóng cho được dân tộc” và đến Tuyên ngôn Độc lập đã nâng cao ý chí, niềm tin, quyết tâm không gì lay chuyển được, chuyển hóa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất to lớn, sẵn sàng đạp bằng mọi sóng to, gió cả đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời khẳng định tinh thần “quyết không sợ” dù thực dân Pháp có quay trở lại, dù chúng có dùng bất kỳ thủ đoạn thâm độc nào đi chăng nữa. Đó chính là ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi nền độc lập, tự do trọn vẹn cho dân tộc đã khẳng định trong Tuyên ngôn, được cụ thể hóa bằng tinh thần bất diệt: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; bằng chân lý lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Có thể thấy ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc nói chúng và chính quyền cách mạng trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là ý chí quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam trong suốt 80 năm chịu cảnh lầm than nô lệ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Vì nó mà bao hiền nhân, chí sĩ, anh hùng đã phải hy sinh, bao nhiêu người đã xuất dương lưu biệt; bao cuộc khởi nghĩa của quần chúng nhân dân nổ ra như khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, Trương Định, phong trào Cần Vương, khởi nghĩa nông dân Yên Thế, khởi nghĩa Yên Bái… Dù bị thực dân Pháp đàn áp dã man và dìm trong biển máu nhưng không vì thế mà làm nhụt đi ý chí, khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, trái lại, từ trong đau thương nghiệt ngã, gông cùm lại càng tôi luyện ý chí sắt đá, lời thề sắt son với non sông đất nước, đúng như lời tuyên bố đanh thép của Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây”; hay tinh thần “ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc” của danh tướng Trần Bình Trọng trong kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược… Tinh thần ấy, ý chí ấy đã trở thành nguồn gốc, động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho toàn thể dân tộc Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành độc lập.

Để giữ vững bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám hiện nay chúng ta cần thực hiện tốt những biện pháp cơ bản đó là: Một là, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Quy luật ấy thấm đượm biết bao mồ hôi, công sức và cả máu của lớp lớp thế hệ con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta phải liên tiếp đương đầu chống giặc ngoại xâm, tiến hành chục cuộc kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng để giành độc lập dân tộc, với thời gian chống ngoại xâm và chống đô hộ của nước ngoài lên đến hơn 12 thế kỷ. Hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt đó đã hun đúc nên truyền thống yêu nước cực kỳ quý báu mà không phải dân tộc nào có được. Nguyễn Trãi - Nhà quân sự, chính trị lỗi lạc, tác giả của bài “Bình Ngô đại cáo”, bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai trong lịch sử dân tộc đã từng khẳng định: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi người hùng cứ một phương/ Tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau/ Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Những lời thơ đó là sự khẳng định chắc chắn, mãnh liệt của chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, ý chí quyết tâm không gì ngăn cản được để bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc… Do đó, bất luận trong hoàn cảnh nào, tình huống nào cũng phải phát huy cho được truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc, đó chính là vấn đề căn cốt, “dòng chủ lưu” về truyền thống văn hóa cao đẹp cho chúng ta phát huy sức mạnh để giữ vững độc lập dân tộc và thành quả cách mạng.

Hai là, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để xây dựng tiềm lực kinh tế đủ mạnh trong giữ vững độc lập tự do của đất nước

Suy cho cùng yếu tố quan trọng quyết định đến sức mạnh quân sự của một đất nước, tạo ra khả năng phòng ngừa chiến tranh, răn đe đối với các quốc gia khác, đó chính là tiềm lực kinh tế, sức mạnh kinh tế của quốc gia đó. Đối với nước ta, thì vấn đề này càng đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết, chúng ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đầu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức tranh thủ nắm lấy thời cơ, vận hội, đẩy lùi nguy cơ, thách thức để thực hiện cho được mục tiêu đó. Việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm giàu trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật của Đảng, Nhà nước đã tạo đà cho bức tranh kinh tế nước ta có tăng trưởng tương đối ổn định, đời sống của nhân dân dần được cải thiện… đó chính là dấu ấn đánh dấu cho sự đi lên của nền kinh tế nước ta và cũng tạo ra khả năng phòng thủ cho đất nước trong tương lai.

Ba là, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới

Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, có sự chuẩn bị chu đáo về “tinh thần và lực lượng” để lo giữ nước từ sớm, từ xa. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tạo dựng niềm tin, xây dựng thế trận lòng dân vững bền có ý nghĩa rất quan trọng đối với đảng cầm quyền, có liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến việc giữ vững độc lập, tự do của dân tộc. Bởi vì, Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân lao động, quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử và cũng là người làm nên lịch sử, cho nên, chính đảng nào biết quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng sức dân thì cách mạng sẽ thắng lợi và ngược lại, nếu không quan tâm đến dân, xa dân thì cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân” . Xây dựng thế trận lòng dân trên cơ sở đảm bảo quyền lợi, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, không ngừng thực thi những quyền lợi đó trong thực tiễn cuộc sống; đặc biệt, gắn xây dựng thế trận lòng dân với xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có phẩm chất, năng lực, biết đặt lợi ích của dân lên trên lợi ích cá nhân, luôn băn khoăn, trăn trở với công việc, tìm ra cách thức, phương pháp quản lý, điều hành có lợi cho dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó và lâu dài, cần kiên trì, quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh lấy dân làm “gốc” thì mới đạt được những kết quả như mong muốn.

Bốn là, nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị động, bất ngờ, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch

Đảng ta đã khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động ngăn ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến” . Theo đó, chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy, chủ động nắm bắt, phát hiện kịp thời những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là những vấn đề cần thực hiện ngay và luôn để không tạo sơ hở cho những phần tử phản động chống đối đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, phá hoại thành quả cách mạng.

Tóm lại, thành quả to lớn của Cách mạng Tháng 8 và bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi là bản hùng ca bất diệt, là lời thề sắt son với non sông đất nước của lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam sau này, không chỉ là lời di huấn, nhắc nhở với thế hệ chúng ta đang sống hôm nay mà còn đối với thế hệ mai sau. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, quan hệ quốc tế vừa có những thuận lợi vừa có nhiều thách thức hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng những thuận lợi, thời cơ để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Phạm Đức Dũng, ThS, Giảng viên K51, Học viện Kỹ thuật quân sự

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-giu-vung-chinh-quyen-cach-mang-trong-cach-mang-thang-tam-van-dung-trong-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-hien-nay-a24806.html