Từ thiện tự phát có vi phạm pháp luật?

'Khi xảy ra thiên tai, công tác cứu trợ không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức, đoàn thể nào. Người dân cũng cần huy động mọi nguồn lực, phát huy cao độ tinh thần 'lá lành đùm lá rách', luật sư Chánh khẳng định.

Ca sĩ Mỹ Tâm làm từ thiện, phát quà cho người nghèo Quảng Nam

Gõ cụm từ “từ thiện tự phát” vào công cụ tìm kiếm Google, người dùng chỉ thu về được hơn 7.000 kết quả trong 0,47 giây. Các bài viết, thông tin chứa từ khóa này còn khá nghèo nàn về mặt nội dung hoặc đưa ra các góc nhìn gây ái ngại cho người xem như “Mặt trái của từ thiện tự phát”, hay “Lợi dụng từ thiện tự phát”.

Nói vậy để thấy rằng, người Việt chưa đánh giá cao các hoạt động từ thiện tự phát. Họ chỉ thực sự quan tâm nó kể từ sau khi MC Phan Anh kêu gọi quyên góp, giúp người dân miền Trung bị lũ.

Thế nhưng, bên cạnh những người hết lời khen ngợi hành động tốt đẹp của MC Phan Anh, cũng có không ít người hoài nghi về tính pháp lý của hoạt động trên. Thậm chí, có người còn lo sợ sẽ bị truy thu thuế trong lúc giúp người khác cầm tiền đi làm từ thiện.

Pháp luật không cấm người dân làm việc tốt

Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) khi nói về vấn đề từ thiện tự phát.

Luật sư Chánh cho rằng: “Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 64/2008/NĐ-CP khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện sẽ tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một chuyến làm từ thiện tại Trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật Thị Nghè (TP.HCM)

Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc cá nhân tự nguyện đứng ra ủng hộ và kêu gọi người khác tham gia ủng hộ trong các trường hợp trên (như MC Phan Anh giúp đỡ người dân miền Trung bị lũ), hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Không có quy định pháp luật nào cấm việc cá nhân hay tổ chức đứng ra làm từ thiện”.

Ngoài ra, Điều 3 của Nghị định 64 năm 2008 có nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm khi hoạt động từ thiện. Đó là: (1) cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; (2) báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; (3) lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Như vậy, chỉ khi nào các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định trong Nghị định 64 năm 2008, tùy theo mức độ vi phạm, mới bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ca sĩ Mỹ Tâm tặng gạo cho người nghèo ăn Tết

“Quy định trên của pháp luật nhằm ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để tư lợi cho mình. Ngoài ra, không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vì thiện nguyện, giúp đỡ người khác. Vì việc cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai không chỉ là việc của nhà nước hay tổ chức, đoàn thể cố định nào mà rất cần huy động mọi nguồn lực trong dân, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy cao độ tinh thần ‘lá lành đùm lá rách’ - truyền thống tốt đẹp của cha ông ta”, luật sư Nguyễn Đức Chánh khẳng định.

Kêu gọi từ thiện được hơn 16 tỉ đồng có bị coi là rửa tiền?

Ông Đức Chánh khẳng định với Thanh Niên: “Một số bình luận trên mạng xã hội cho rằng cá nhân có thể bị truy tố vì tội huy động tiền trái phép hoặc rửa tiền khi đứng ra kêu gọi đóng góp một khoảng tiền lớn, là không có cơ sở".

Bởi, theo Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội rửa tiền thì: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có, vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có, hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Người giữ tiền từ thiện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân

Như vậy, khó có thể bắt buộc người làm thiện nguyện chứng minh tiền, tài sản mà người khác chuyển cho mình là “sạch”. Trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, nếu cho rằng bạn biết rõ tiền, tài sản mà mình sử dụng là do phạm tội mà có.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, tiền được gửi về tài khoản ngân hàng để làm từ thiện không được xem là thu nhập. Người giữ hộ tiền này cũng không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân.

Để nâng tính minh bạch, người làm từ thiện phải chứng minh số tiền nhận được đã dùng vào đúng việc, cho đúng người (tất nhiên có hóa đơn, chứng từ rõ ràng).

Hơn nữa, nếu bạn làm từ thiện thông qua quỹ từ thiện, thì theo khoản 13 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân về thu nhập được miễn thuế thì: “Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận”.

Lê Ái

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/tu-thien-tu-phat-co-vi-pham-phap-luat-757194.html