Từ thiện đâu chỉ việc nhà giàu

Sự phẫn nộ về việc đi ngược lại văn hóa của dân tộc và truyền thống "lá lành đùm lá rách" đã hướng một bộ phận người Việt Nam đi đến những hành động thiện nguyện cụ thể hơn...

Một bữa ăn có thịt của những trẻ em vùng cao có bàn tay giúp đỡ của những hội viên và người ủng hộ Quỹ Cơm Có Thịt.

Khi chiến tranh đã qua đi hàng chục năm, người ta vẫn xót lòng thấy những nạn nhân chất độc màu da cam, những gia đình đã hy sinh người thân hoặc mất đi một phần cơ thể cho Tổ quốc tiếp tục quay quắt với cái nghèo. Khi đất nước sắp gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình khá và những cái tên Việt xuất hiện đâu đó trong bảng xếp hạng về sự giàu sang, người ta vẫn rơi lệ vì những đứa trẻ vùng cao chân trần trên tuyết lạnh hoặc co ro trong túp lều tranh nhịn đói nhiều ngày...

Dù nền kinh tế sa sút thế nào chăng nữa cũng không bao giờ thiếu vắng những Mạnh Thường Quân. Vậy mà, bên cạnh sự hảo tâm lớn lao đó là sự thật đáng buồn vì ý tưởng cao quý của tổ chức từ thiện đã bị một số “nhà hoạt động” lợi dụng, biến thành phi vụ kinh doanh đem lại lợi ích cá nhân.

Khi mà lòng nhân ái và niềm tin của con người bị mang ra trao đổi như một ngành công nghiệp trị giá tiền tỷ, ở một góc nào đó trong trái tim và nhận thức của nhiều người, từ thiện đã mất đi ý nghĩa là hoạt động xã hội đơn thuần, phi lợi nhuận.

Sự phẫn nộ về việc đi ngược lại văn hóa của dân tộc, lòng thiện nguyện và truyền thống "lá lành đùm lá rách", "một miếng khi đói bằng một gói khi no" được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác đã hướng một bộ phận người Việt Nam đi đến những hành động cụ thể hơn.

Bộ phận đó không có thành phần tỷ phú, doanh nhân, người nổi tiếng (hoặc có nhưng không lộ diện). Bộ phận đó chiếm đông đảo thành phần trong xã hội. Đó là những cá nhân trong và ngoài nước, từ những công nhân viên chức bình thường, thanh niên tình nguyện, sinh viên, người về hưu, thậm chí cả trẻ em hay những cụ già đơn chiếc nhưng vẫn còn muốn đóng góp chút sức lực cuối cùng giúp đỡ người kém may mắn hơn mình.

Việc làm của họ cũng không còn mang tính hình thức như giúp làng, xã vùng sâu vùng xa có được một cái nhà văn hóa mới, hay có một cái cổng làng to đẹp mà cụ thể tới từng người, từng hoàn cảnh.

Bạn có công nhận trong tim mình có tiếng reo vui khi thấy những hàng ăn miễn phí, quán ăn 2000 đồng/suất ở bệnh viện và nơi có nhiều lao động nghèo? Không chỉ góp những ngày lương công chức ít ỏi, nhiều cá nhân, tập thể tự nguyện đứng ra quyên góp và trao hiện vật đến tận tay bà con vùng lũ.

Không chỉ đơn thuần chuyển tiền cho một tổ chức truyền thông làm trung gian, nhiều người tự kêu gọi đồng nghiệp, nhóm bạn “của ít lòng nhiều” đến tận bệnh viện trao gửi nhanh và kịp thời những khoản tiền cho bệnh nhân nan y, giúp họ và gia đình làm thủ tục hồ sơ hay liên lạc bác sỹ trong khả năng có thể.

Cội rễ văn hóa yêu nước thương nòi của người Việt sâu lắm. Cái tâm trong sáng, sự nhân văn từ trong truyền thống dân tộc và sự gắng sức của mỗi người đã bừng sáng nét đẹp nhân văn và làm nên sự đổi thay ấy.

Không chỉ kết nối trong một nhóm người, một cơ quan, một vùng mà những nhịp đập trái tim nhân ái còn đồng điệu và lan tỏa khắp năm châu bốn biển, chỉ để giúp những em nhỏ vùng cao, vùng xa có được manh áo rét, đôi tất ấm và những bữa cơm có thịt.

Rồi sự ra đời của những nhóm thiện nguyện chăm sóc người già neo đơn, người khuyết tật, người bị nhiễm HIV, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật ở nhiều tỉnh, thành là biểu hiện sinh động cho hoạt động từ thiện của những “người không giàu”. Những cái tên như “Cơm Có Thịt”, “Hạt gạo yêu thương”, “Nồi cháo nhân ái”, “Mùa đông ấm”... ngày một nhiều hơn và nhen nhóm thêm ngọn lửa tình người.

Khi tôi bắt đầu viết những dòng này, nhiệt độ ở ngoài trời dưới 10oC, thời tiết tuyệt vời cho một mùa Giáng sinh ở Hà Nội. Nghe đâu ở Lào Cai năm nay tuyết rơi rất đẹp, phủ trắng mọi vật. Ai ơi, đừng quá dằn vặt mình bởi chẳng có lỗi gì khi tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp cũng đáng trân trọng như tình yêu thương đồng loại.

Xin được mượn lời một trái tim nhân ái của Cơm Có Thịt: “Những người thuộc nhóm lên Sa Pa mang đồ ấm lên cho trẻ con vẫn đi liên tục, nhưng lần này gặp tuyết. Yêu những đứa trẻ nghèo, mang áo và giày ấm lên cho chúng. Và yêu, xúc động lặng nhìn vẻ đẹp tinh khôi của tuyết, của những bông hoa trong tuyết. Chẳng có gì mâu thuẫn giữa hai điều ấy, khi chúng song hành - đều là tình yêu”.

Đạo Phật có dạy: “Nghèo khó bố thí, giàu sang học đạo” là hai việc khó đầu tiên và khó nhất trong chuỗi dài 20 cái khó nêu trong bản Kinh 42 chương. Làm được những việc này với lòng thành, tâm chính, quả là khó. Nhưng hãy tin rằng cuộc đời có nhân quả và bản thân mỗi người là chủ nhân của bao điều họa phúc. “Cây phúc” của đất Việt đang được vun trồng từ những “nhân” tốt đẹp như vậy, chắc chắn sẽ cho ra nhiều “quả” ngon, ngọt để bản thân và con cháu chúng ta được hưởng.

Thành Châu

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2013/12/3BC77491B3DC3FCB/