Từ lời hứa đến hành động

Cuộc bầu cử đã khép lại. Ngoài việc lựa chọn đúng, lựa chọn sáng suốt những người tiêu biểu, cả cử tri và cơ quan dân cử cần tăng cường việc giám sát lời hứa của đại biểu. Nhân dân sẽ giám sát, đánh giá việc thực hiện lời hứa khi vận động bầu cử trong suốt quá trình hoạt động của đại biểu.

Tại kỳ bầu cử lần này, các ứng cử viên phải nộp chương trình hành động cho hội đồng bầu cử các cấp. Ảnh: MH

1. "Nếu được cử tri tín nhiệm, tôi sẽ…"

Đó là một câu quen thuộc trong tất cả chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

Do đặc thù của lịch sử và thể chế, ở nước ta, người ứng cử thường đại diện cho các tầng lớp, giới, ngành trong xã hội. Vì thế, mỗi một ứng viên, tùy theo lĩnh vực, trọng trách của mình luôn ưu tiên lời hứa đối trong khuôn khổ những việc mà họ có thể làm được.

Theo đó, ứng cử viên ngành giáo dục có thể hứa trước cử tri về đầy lùi bạo lực học đường, lạm thu đầu năm, tiến tới nền giáo dục “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Ứng cử viên ngành giao thông hứa sẽ nỗ lực để đưa những cây cầu, con đường đến những vùng xâu, vùng xa nhất.

Ứng cử viên ngành y tế sẽ hứa nâng cao chất lượng y tế cơ sở, chống quá tải bệnh viện, không để bệnh nhân nằm ghép khi điều trị bệnh.

Ứng cử viên ngành thanh tra, kiểm tra hứa sẽ đấu tranh quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ứng cử viên là người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thì lời hứa có phần… rộng hơn do đặc thù lĩnh vực phụ trách chung, toàn diện…

Nhưng tất cả đều có chung một lời hứa, đó là tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân. Bởi suy cho cùng, đại biểu dân cử là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.

2. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp lần này, lần này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia yêu cầu các ứng cử viên nộp chương trình hành động làm cơ sở theo dõi, giám sát lời hứa của ứng cử viên khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Có thể thấy rõ sự đổi mới trong hoạt động giám sát… lời hứa của cơ quan chức năng tại kỳ bầu cử lần này ngay từ khi cuộc bầu cử chưa diễn ra. Nó buộc người ứng cử phải trăn trở, tư duy bằng cả tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ khi xây dựng chương trình hành động. Nó được cụ thể bằng văn bản có tính cam kết của cá nhân ứng cử viên. Không chỉ trình bày trước hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn phải nộp lại cho hội đồng bầu cử.

Đây là một đổi mới quan trọng để đánh giá đại biểu của cơ quan dân cử, tiến tới việc đánh giá cụ thể chất lượng hoạt động của các đại biểu, gắn trách nhiệm của đại biểu trước nhân dân, cử tri và trước Quốc hội, HĐND các cấp.

Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Lưu Bình Nhưỡng, chương trình hành động là một dạng lời hứa, một sự cam kết có tính chất cá nhân. Cam kết, lời hứa này chỉ bị ràng buộc và có khả năng thực hiện khi ứng cử viên đó trúng cử, trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Vì đây là lời hứa, cam kết của cá nhân nên mỗi ứng cử viên có thể chọn các nội dung cam kết theo khả năng của mình mà không bắt buộc đồng nhất về nội dung. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên trúng cử, cử tri và nhân dân sẽ giám sát, đánh giá việc thực hiện lời hứa khi vận động bầu cử trong suốt quá trình hoạt động của đại biểu.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, chương trình hành động phải chứa đựng cam kết, trách nhiệm rất cao của ứng cử viên chứ không thể hứa suông, hứa rồi để đó.

3. Thực tế đã từng chứng kiến những đại biểu… hứa suông hoặc thất hứa với cử tri. Số này tuy không nhiều nhưng đã phần nào làm giảm niềm tin của cử tri và nhân dân đối với những người mà họ từng bỏ phiếu. Đã từng có những ứng cử viên hứa rất nhiều khi tham gia vận động bầu cử nhưng khi trúng cử, tham gia vào hoạt động của cơ quan dân cử lại không thực hiện hết trách nhiệm như đã hứa hoặc hứa một đằng, làm một nẻo. Cá biệt có những trường hợp vi phạm pháp luật, buộc phải miễn nhiệm tư cách đại biểu. Đó là bài học sâu sắc không chỉ với cá nhân các ứng cử viên, các đại biểu khóa này mà còn đối với các cơ quan được phân công làm công tác bầu cử.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã kết thúc tốt đẹp. Các cử tri đã thực hiện quyền công dân của mình, bầu ra những người mà họ cho là xứng đáng vào Quốc hội, HĐND để thực thi quyền làm chủ của mình. Họ có hoàn có thể tin rằng họ đã có sự lựa chọn sáng suốt nhất, đã chọn ra những ứng cử viên xứng đáng nhất, tiêu biểu nhất...

Nhưng khi cuộc bầu cử khép lại, mọi sự lựa chọn đã xong thì còn đó việc thực hiện lời hứa của những ứng viên đã trúng cử và cả trách nhiệm giám sát “lời hứa” của đại biểu. Đó cũng là cách tốt nhất để người đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm; đồng thời giúp cho Quốc hội, HĐND các cấp hướng tới một nhiệm kỳ hoạt động chất lượng, hiệu quả, đảm bảo đúng với tinh thần của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Quang Duy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tu-loi-hua-den-hanh-dong-post134821.html