Đến hẹn lại lên, Hà Nội cứ mưa là ngập

Dù chỉ mới bắt đầu vào mùa mưa nhưng những ngày qua nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng ngập nặng mỗi khi mưa lớn vào chiều tối ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

Do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu, chiều và tối 15/5 trên địa bàn TP.Hà Nội có mưa rào cục bộ tại một số quận, huyện gây ra hiện tượng ngập úng ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

 Nhiều tuyến đường, phố tại Hà Nội lại ngập nặng mỗi khi mưa lớn.

Nhiều tuyến đường, phố tại Hà Nội lại ngập nặng mỗi khi mưa lớn.

Đợt mưa này đã gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 15 - 25cm. Do lượng mưa lớn, nước thoát không kịp đã khiến nhiều khu vực trở thành “ốc đảo”.

Một số tuyến đường bị ngập sâu như: Thụy Khuê (Chu Văn An - Dốc La Pho), Trích Sài, Âu Cơ, Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Hoàng Quốc Việt... khiến giao thông đi lại khó khăn.

Tại thời điểm xảy ra mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện mở cửa phai của các hồ điều hòa như hồ: Thiền Quang, Bảy Mẫu, Đống Đa… và vận hành các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế…

Qua đó hạ mức nước trên hệ thống và triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý.

Một thực tế trong nhiều năm qua, TP.Hà Nội luôn phải đối mặt với tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn. Điệp khúc Hà Nội cứ mưa lớn là ngập sâu được lặp lại nhiều năm nay.

Khoảng 15 năm trước, hễ nói đến úng ngập nghiêm trọng ở Hà Nội, mọi người thường nghĩ ngay tới những “rốn nước” như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Du - Bà Triệu, Nguyễn Khuyến, Ngọc Lâm (Long Biên),...

Với sự nỗ của các đơn vị liên quan nhiều “điểm đen” đó đã được xử lý triệt để, khắc phục. Tuy nhiên những điểm úng ngập cục bộ do mưa lớn lại đang có dấu hiệu chuyển dịch sang các khu đô thị mới, đặc biệt là ở phía Tây thành phố.

Thống kê hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 30 điểm ngập úng khi có mưa lớn tại các quận, huyện.

 Mưa ngập tại Hà Nội giờ tan tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: TL.

Mưa ngập tại Hà Nội giờ tan tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: TL.

Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về bảo đảm công tác thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành thành phố mùa mưa năm 2024.

Thành phố đề ra các giải pháp thực hiện bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành, thành phố mùa mưa năm 2024 như tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thể, thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước.

Kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa thoát nước; Công tác sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối trạm bơm, đập điều tiết, cống qua đê ...

Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan sửa chữa giải quyết úng ngập cục bộ và khắc phục sự cố trên hệ thống thoát nước. Triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn đầu tư công.

Triển khai công tác ứng trực giải quyết thoát nước mùa mưa; nghiên cứu xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia (bao gồm lĩnh vực thoát nước).

UBND Thành phố giao Sở Xây dựng là đầu mối đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị quản lý và duy trì thoát nước xây dựng phương án thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát công tác duy tu duy trì đảm bảo lòng cống rãnh thông thoáng phục vụ tốt nhiệm vụ thoát nước.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát các vị trí có nguy cơ úng ngập để đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, đầu mối tổng hợp để chia sẻ thông tin phục vụ cảnh báo ngập lụt và hướng dẫn người dân tham gia giao thông khi điều hành thoát nước từ xa.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/den-hen-lai-len-ha-noi-cu-mua-la-ngap-post295789.html