'Tư lệnh môi trường' lên tiếng vụ xin nhấn chìm chất thải xuống biển

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, chưa có đánh giá thì không được phép đổ chất thải trực tiếp ra môi trường. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Như VietnamPlus đã đưa tin, việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 (Tuy Phong, Bình Thuận) gửi hồ sơ xin phép “nhấn chìm” 1,5 triệu mét khối chất thải xuống biển tới Bộ Tài nguyên và Môi trường khiến dư luận hết sức quan tâm.

Bản thân Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã có văn bản tới Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam bày tỏ quan điểm lo lắng việc này sẽ gây nguy hại tới môi trường biển. Trong khi đó, Hiệp hội tôm giống Bình Thuận phản đối và cho rằng nếu cấp phép việc nhận chìm chất thải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất tôm giống.

Ngày 10/11, bên lề Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ về về vấn đề này:

- Thưa Bộ trưởng, gần đây Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin “nhấn chìm” 1,5 triệu mét khối chất thải xuống biển, Bộ trưởng nghĩ sao về việc này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hồ sơ của đơn vị này đã gửi sang Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ngày mai [11/11-pv], Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm việc với tỉnh Bình Thuận về vấn đề này.

Tuy nhiên, việc nhấn chìm hoặc đổ chất thải xuống biển không phải lần đầu. Trong trường hợp nạo vét khơi thông luồng lạch, luật cũng cho phép đổ nhưng phải quy hoạch nơi đổ, đánh giá tác động nơi quy hoạch đó.

- Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đã có công văn bày tỏ không đồng tình với việc này và các hiệp hội cũng lên tiếng phản đối…?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quan trọng nhất là đổ ở đâu và đổ cái gì. Trong trường hợp nạo vét luồng lạch, việc quy hoạch nơi đổ cũng không được phép làm ảnh hưởng tới các hệ sinh thái cần bảo tồn.

Còn doanh nghiệp thì luôn muốn chọn nơi nào tiện nhất, chi phí rẻ nhất. Song, với với lĩnh vực môi trường thì phải chọn nơi có tác động ít nhất, không ảnh hưởng trực tiếp tới các hệ sinh thái. Đây là yêu cầu tiên quyết.

- Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về chất thải nhiệt điện?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Theo quan điểm của tôi có những loại chất thải nhiệt điện có thể tái chế, tái sử dụng, làm nguyên liệu cho sản xuất như tro bay. Hầu hết các quốc gia đều đưa vào danh mục chất thải đặc biệt có thể tái sử dụng.

Trong trường hợp chất thải là xỉ thải đáy lò thì cần xem xét cụ thể, đánh giá thành phần của xỉ thải. Nếu xỉ thải không chứa các thành phần độc hại, đáp ứng được tiêu chuẩn làm nguyên liệu vật liệu xây dựng thì có thể trộn vào trong vật liệu xây dựng, phục vụ kè đê biển, làm đường…

Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Do đó, việc xem xét đổ chất thải hay tái sử dụng là bài toán mà Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cần tính tới. Cần phải xem xét đánh giá các thành phần, ban hành quy chuẩn loại xỉ nào có thể làm vật liệu xây dựng và trên cơ sở đó có phương án hợp lý và gần như các xỉ thải đó không được đổ trực tiếp ra biển. Việc này cần có đánh giá và dự án để xem xét kỹ lưỡng.

- Dư luận đang rất quan tâm tới việc này và lo ngại sẽ có một Formosa thứ hai. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quan điểm của tôi rất rõ ràng. Tất cả đã có quy định, trách nhiệm và thẩm quyền. Tất cả các hoạt động nhấn chìm, đổ chất thải ra biển phải thực hiện nghiêm ngặt, đánh giá rõ ràng tác động môi trường thế nào, luật pháp cho phép hay không.

Còn tất cả chất thải khi chưa đánh giá, phân tích mà đổ trực tiếp ra môi trường là không được.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tu-lenh-moi-truong-len-tieng-vu-xin-nhan-chim-chat-thai-xuong-bien/415281.vnp