Tự làm hấp dẫn mình

Hơn 20 năm làm Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, ông Lưu Văn Bính đã vun đắp tình đoàn kết đồng nghiệp, xây dựng bệnh viện trở thành đơn vị khám chữa bệnh tuyến tỉnh có uy tín. Hơn hết, ông biết động viên anh em vượt qua khó khăn, 'tự làm hấp dẫn mình', tạo niềm tin với người bệnh. Ông Hoàng Minh Đức, Phó trưởng Khoa Kế hoạch - tổng hợp, chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phổi tỉnh, một trong những người có thâm niên công tác lâu nhất tại bệnh viện chia sẻ về 'sếp' của mình như vậy…

Chuyện bên lề

Ông Bính bảo, ngày mới rời quân ngũ, ông được phân công công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Một ngày, ông Mai Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế lúc bấy giờ gọi ông đến bảo, “chú sang làm Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh - tên cũ của bệnh viện dạo đó. Đây là đơn vị đang gặp nhiều khó khăn, cần một người như chú để vực dậy”.

Ông Bính buồn, là bởi, đang làm lãnh đạo một khoa của bệnh viện “oách” nhất tỉnh, môi trường tốt để ông trưởng thành, sang môi trường mới, cơ sở vật chất lụp xụp, thiếu thốn đủ bề… Ông Bính chia sẻ.

Ông Lưu Văn Bính, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cùng Ban Giám đốc trao đổi với đồng nghiệp kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao.

Ông Hoàng Minh Đức, Phó trưởng Khoa Kế hoạch - tổng hợp, chỉ đạo tuyến nhớ lại, ngày đó người ta gọi những người làm việc ở bệnh viện này là “những người cùng khổ”, bởi nhà làm việc bằng tre nứa xiêu vẹo phải lấy cây chống đổ, điện đóm phập phù, thường phải trực đêm bằng đèn dầu, xung quanh cây dại um tùm, rác thải nhựa chất đống, gây ô nhiễm môi trường. Vệ sinh toàn bệnh viện là việc đầu tiên ông Bính làm ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ tại đây. Bệnh nhân nhìn vào, người ta thấy điều tươi mới, khác biệt, đó là tín hiệu mừng, tạo động lực cho sức lan tỏa tình đoàn kết, xây đắp bệnh viện như hôm nay - Ông Đức tâm sự.

Ký ức về những ngày “khốn khổ” lắng đọng mãi trong ông và đồng nghiệp, điều ấy càng khiến ông hành động “tự làm hấp dẫn mình”, xây dựng bệnh viện khang trang hơn. Nhưng hơn hết, theo ông Bính là bệnh viện có được cái nhìn thiện cảm đối với cộng đồng. Ông nở nụ cười buồn khi nói về “góc khuất” nghề nghiệp, rằng, một lần ông tặng bộ ấm chén có khắc chữ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho người thân, họ dùng đúng một lần rồi cất kỹ. Khi gặp, ông Bính lân la hỏi chuyện về bộ ấm chén, thì nhận được một… chuyện buồn. “Tôi cất nó đi rồi, mang ra dùng, rót nước mời khách, họ cứ nhìn chăm chăm vào cái chữ lao, phổi, người ta chả uống nước nữa, đến là ngại”. Hóa ra là vậy, sự kỳ thị về một loại bệnh đằm sâu trong góc nhìn của người dân, khiến ông tê tái.

Ông Bính bảo, đấy chỉ là câu chuyện bên lề nhưng lại khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Cũng hẳn vì điều đó, đồng nghiệp của ông thường tự ti, khi điều đó bị ám ảnh, họ không thể cống hiến. Ông đã hòa vào công việc chung, sẻ chia và luôn cố gắng hiểu đồng nghiệp để có hướng tiếp cận và giải quyết công việc một cách thấu đáo nhất.

Cùng đi lên

Cùng đi lên, đấy là "khẩu hiệu” mà ông Bính thường nói với đồng nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện cho rằng, điều đó đã tạo động lực cho đồng nghiệp cống hiến. Ông Bính đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên ngành, cử cán bộ đi đào tạo, đào tạo tại chỗ, nhờ đó, đội ngũ y, bác sỹ được tiếp cận với các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó, giải quyết được nhiều bệnh về lao, phổi, tạo được niềm tin của người bệnh. Đây là mục tiêu cốt lõi được ông Bính và cả tập thể bệnh viện đồng lòng thực hiện trong suốt thời gian qua. Vậy nên bệnh viện đã thực hiện tự chủ được 46% chi thường xuyên nhờ có ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị. Từ 70 giường bệnh, đã tăng lên 100 giường.

Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, cơ sở vật chất của bệnh viện được xây dựng mới trên diện tích 5 ha, gồm khối nhà điều hành, khám và điều trị bệnh. Bệnh viện được xây mới đặt ra yêu cầu về việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh hiệu quả, tránh lãng phí. Ông Bính đã tập trung lãnh đạo, coi đây là khâu đột phá để nâng tầm bệnh viện. Hiện, bệnh viện đã có máy chụp cắt lớp vi tính, nuôi cấy tìm vi khuẩn lao, nội soi phế quản, sinh thiết xuyên thành trên cơ sở kết quả chụp CT-scaner, kỹ thuật xét nghiệm điện giải đồ, kỹ thuật hồi sức cơ bản, điều trị lao kháng thuốc, chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư, mở màng phổi tối thiểu dẫn lưu, dịch khí bằng Troca; xét nghiệm chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao và kháng thuốc bằng hệ thống Gene - Xpert… Đây toàn những kỹ thuật khó, mới, được ông Bính mời các bác sỹ tuyến trên về hỗ trợ y bác sỹ, kỹ thuật viên của bệnh viện sử dụng thành thạo, nhờ đó, nhiều loại bệnh phức tạp đã được giải quyết như xác định u phổi, tìm khuẩn lao nhanh… Ông Bính không thể nào quên những ngày đầu mới về “dựng nghiệp” tại bệnh viện, hình ảnh đồng nghiệp suýt bị cột máy chụp X.quang đổ vào đầu do thiết bị quá cũ kỹ, khiến ông càng cố gắng nhiều hơn triển khai các kỹ thuật mới nâng cao trình độ cán bộ đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự cống hiến của ông đã được ghi nhận, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, Bộ Y tế trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch... Nhưng theo ông quan trọng nhất là chỗ đứng, hình ảnh của bệnh viện, của các y, bác sỹ trong lòng người bệnh.

Phóng sự: Thành Công

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/tu-lam-hap-dan-minh-133080.html