Tự học theo gương Bác

Tự học và học suốt đời là tư tưởng rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, Bác dạy: 'Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời'. Theo đó, Bác nhắc nhở mọi người cần phải quan tâm đến phương pháp học tập, đặc biệt coi trọng phương pháp tự học 'Lấy tự học làm cốt'. Con đường tự học, tinh thần học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại bài học lịch sử mà còn là niềm cảm hứng cho bao thế hệ, ngay cả đến hôm nay.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tinh thần tự học, tinh thần học tập không chỉ là “cá nhân học tập”, “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “tổ chức học tập”, “xã hội học tập” mà còn là cả “quốc gia học tập”, đã và đang được lan tỏa trên đất nước ta để có thể không ngừng đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để đạt được mục tiêu này, ngoài những nỗ lực hành động trên mọi lĩnh vực phương diện thì tinh thần học tập, đổi mới sáng tạo của mọi cá nhân - tổ chức đóng vai trò then chốt.

Ngày 2/7/2020, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và Hội Cựu giáo chức tỉnh đã ký Chương trình phối hợp thực hiện Kết luận số 49/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KHKT, XDXHHT”. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay chương trình phối hợp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện toàn tỉnh có 13 Hội Khuyến học cấp huyện, 8 đơn vị trực thuộc Hội Khuyến học tỉnh; 225 Hội cấp xã, 5.706 chi hội/ban khuyến học với gần 170 nghìn hội viên. Tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 33% dân số toàn tỉnh. Phú Thọ là một trong những địa phương có tỷ lệ hội viên khuyến học cao nhất nước. Phong trào học tập theo Bác được lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì tinh thần đó lại càng được nâng lên rõ rệt.

Dù thời bình hay thời chiến, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, việc đề cao tự học đều có thể sản sinh ra nhiều nhân tài hay những tấm gương nghị lực vượt khó. Chúng ta có thể kể đến như em Nguyễn Thị Thu Nga, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, nhà nghèo, bố mất sớm nhưng vẫn đạt thành tích cao tại các kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh học cấp Quốc gia và quốc tế; Nguyễn Việt Hoàng - học sinh Trường THCS Liên Hoa, huyện Phù Ninh, mồ côi cả cha lẫn mẹ mà hiếu học và học giỏi; Cao Duy Đạt – chàng trai khiếm thị vẫn nỗ lực học đại học và ra nghề bấm huyệt… Và rất nhiều tấm gương nỗ lực tự học như thế…

Em Hà Đức Mạnh, Trường Tiểu học Mỹ Thuận 1, huyện Tân Sơn sinh

Được ví như Nguyễn Ngọc Ký thứ hai, câu chuyện về cậu bé Hà Đức Mạnh, Trường Tiểu học Mỹ Thuận 1, huyện Tân Sơn sinh ra không may bị bại não giành được giải Nhất cuộc thi Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp Quốc gia năm học 2021 - 2022 đã trở thành tấm gương nghị lực, nguồn cảm hứng vượt khó cho bao người. Không chỉ đôi chân bị liệt, đôi tay Mạnh cũng yếu ớt nên việc viết chữ cũng khó khăn hơn các bạn khác. Mỗi tháng được nhận hỗ trợ hơn một triệu đồng cho trẻ em khuyết tật, Mạnh lại nhờ mẹ giữ để gom góp mua một chiếc máy tính xách tay cũ. Em làm quen với máy tính từ cuối năm lớp hai nhưng phải đến hết lớp ba, đôi tay yếu ớt mới thành thạo các thao tác với máy tính. Mạnh rất ham học. Mỗi ngày, ngoài việc đi học trên trường, về nhà em còn đọc sách, tự cố gắng luyện chữ đến khuya. Mạnh cho biết, dù đã đạt giải Nhất cấp Quốc gia, nhưng em vẫn sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực học tập để vươn tới ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi chữa bệnh cho những người cùng hoàn cảnh.

Thương binh Nguyễn Văn Tiến, khu 10, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông

Hơn 30 năm qua, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Tiến ở khu 10, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông đã vượt lên những mất mát, đau thương của chiến tranh để trở về với cuộc sống đời thường với tỷ lệ thương tật 85%. Vừa học hỏi qua mạng, vừa lặn lội đến các huyện để tham khảo cách làm nông. Có sẵn quỹ đất, ông quyết định trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, tôm. Khi kinh tế được cải thiện, ông trồng thêm hoa lan để bán. Trời không phụ lòng người, đến nay, gia đình ông Tiến đã có một cơ ngơi rộng lớn nhất, nhì khu 10 với căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi cùng hàng nghìn mét vuông mặt nước nuôi trồng thủy sản và hàng trăm giỏ lan các loại.

Không chỉ là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, ông Tiến còn là một đảng viên gương mẫu, Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tận tâm, tận lực với công tác xã hội tại địa phương. Ông đã tự nguyện đóng góp số tiền phụ cấp chi ủy hằng năm của mình và trích kinh phí từ nguồn thu nhập của gia đình để ủng hộ các phong trào đồng thời vận động người dân hiến đất, ngày công làm đường, đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa, mua bảo hiểm y tế… Chỉ trong 3 tháng, đông đảo người dân khu 10 và con em xa quê đã tham gia đóng góp, ủng hộ phong trào với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công lao động, góp phần đảm bảo hoàn thành cứng hóa 100% các tuyến đường trục khu và liên khu; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% chất thải rắn, rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định… Đến cuối năm 2019, khu 10 được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là khu dân cư đầu tiên của huyện Tam Nông và của tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 71 tuổi đời, 49 tuổi Đảng và gần 30 năm là Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu, ông Tiến luôn phát huy vai trò người đứng đầu, làm nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương tích cực tham gia các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu”.

Kỹ sư Phạm Quang Linh - Công ty Điện lực Phú Thọ

Không chỉ riêng lớp người đi trước, mà phong trào học tập, tự học theo gương Bác còn lan tỏa đến các lớp thanh niên. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhiệt huyết, sáng tạo trong công việc, kỹ sư Phạm Quang Linh - Công ty Điện lực Phú Thọ đã có nhiều đề tài, sáng kiến, ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn tại đơn vị công tác, làm lợi cho ngành Điện hàng tỷ đồng.

Sinh năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, năm 2012, Phạm Quang Linh về công tác tại Công ty Điện lực Phú Thọ. Được giao nhiệm vụ vận hành hệ thống SCADA (hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) tại Trung tâm Điều khiển xa, hằng ngày, công việc chính của anh Linh là trực tiếp chỉ huy điều độ hệ thống điện phân phối thuộc quyền điều khiển, chỉ huy xử lý sự cố và hiện tượng bất thường, quản lý vận hành toàn bộ thiết bị thuộc hệ thống thông tin SCADA… nên khối lượng và áp lực công việc khá cao. Chính vì vậy, bản thân anh Linh luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Anh Linh chia sẻ: Xuất phát từ thực tế trên hệ thống lưới điện Công ty Điện lực Phú Thọ còn nhiều thiết bị cũ, vận hành lâu năm nên không giám sát, điều khiển được từ xa. Để thao tác, điều khiển thì nhân viên vận hành phải đến tận nơi nên mất nhiều thời gian, nhất là đối với các vị trí ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến thời gian cung cấp điện cho khách hàng. Trước thực trạng đó, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu, cải tạo và “số hóa” những thiết bị này, kết nối về Trung tâm Điều khiển xa. Sau 3 tháng nghiên cứu và thực hiện, dự án đã hoàn thành và được ứng dụng vào thực tế từ tháng 3/2021 đến nay.

Ngoài sáng kiến trên, trong năm 2021, Phạm Quang Linh cùng với đồng nghiệp tại Công ty Điện lực Phú Thọ có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Tích hợp bổ sung giao thức IEC 60870-5-104 trên thiết bị Recloser của hãng Cooper, Schneider và kết nối SCADA về Trung tâm Điều khiển xa. Thực hiện giám sát, thao tác điều khiển xa từ trung tâm điều khiển an toàn, tiết kiệm rất nhiều nhân công hơn so với nhân viên vận hành thao tác tại thiết bị. Sáng kiến sử dụng QR-Code để theo dõi hồ sơ lý lịch, tình trạng thiết bị điện đang vận hành trên đường dây và trạm biến áp thuộc Công ty Điện lực Phú Thọ…

Với những sáng kiến hữu ích, đem lại hiệu quả cao, Phạm Quang Linh đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIII năm 2022.

Năm 2022, Sở Giáo GD&ĐT tiếp tục tổ chức phát động cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 trong toàn ngành giáo dục. Trong bốn năm 2018-2021, Phú Thọ luôn nằm trong tốp ba tỉnh, thành có số lượng thí sinh tham gia dự thi cao nhất cả nước. Năm 2021, tỉnh Phú Thọ có trên 112.000 thí sinh tham gia cuộc thi, được Bộ GD&ĐT tuyên dương, nhiều tập thể, cá nhân là giáo viên, học sinh đạt giải cao ở các vòng thi…

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Trong thời kỳ xã hội phát triển tiến tới xã hội số, nền kinh tế kết nối thông qua các thiết bị hiện đại, nếu từng người trong mỗi chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của việc tự học thì chính bản thân sẽ bị tụt về phía sau trong khi tuổi đời còn khá trẻ, khi đó những kiến thức mình có thì xã hội không chấp nhận vì quá lạc hậu.

Chính vì nhìn nhận rõ vấn đề đó và muốn không bị tụt hậu trong kỷ nguyên số, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết và các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự học trong nhân dân, để đến năm 2025 Việt Nam trở thành đất nước có nền kinh tế số đứng top đầu trong khối ASEAN. Để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam phải trở thành xã hội học tập và không có con đường nào khác là mỗi người phải tự học và học suốt đời.

Có thể nói, tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, soi xét trong thực tiễn đã qua, hiện nay và cả mai sau, vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc; đó mãi là một tấm gương sáng ngời, một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục của Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên hoàn thiện bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//hoc-va-lam-theo-bac/tu-hoc-theo-guong-bac/187618.htm