Tự hào thể thao Sóc Trăng sau 30 năm tái lập tỉnh

Sau chặng đường dài 30 năm tái lập tỉnh, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, thể thao Sóc Trăng cũng rất tự hào khi đóng góp những thành tích đáng kể cho thể thao nước nhà tại các đấu trường trong khu vực và quốc tế.

Thể thao Sóc Trăng - 30 năm hình thành và phát triển

30 năm trước, khi vừa tái lập tỉnh, thể thao thành tích cao của Sóc Trăng đã bắt tay xây dựng trong điều kiện cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, chỉ có 1 nhà thi đấu, 2 sân quần vợt tại Công viên Bạch Đằng và 1 sân bóng đá tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh hiện nay. Lúc đó, phong trào thể thao thành tích cao chủ yếu duy trì và củng cố từ các đội phong trào có sẵn như: bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền. Thế nhưng, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV), đến nay, thể thao thành tích cao của Sóc Trăng không chỉ có tên tuổi trên bản đồ thể thao trong nước, mà còn có cả thể thao quốc tế.

Theo ông Lưu Công Danh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn từ 1995 - 2000, Sở Thể dục Thể thao (TDTT) được UBND tỉnh quyết định thành lập (tách từ Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao). Trường Nghiệp vụ TDTT là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở TDTT, với chức năng tuyển chọn và đào tạo VĐV năng khiếu của tỉnh. Bước đầu chỉ tuyển sinh và đào tạo các môn như: bóng rổ nam, bóng chuyền nữ, điền kinh và judo. Năm 1995, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ III được diễn ra ở Hà Nội, đoàn thể thao Sóc Trăng đã cử đội tuyển 7 môn tham dự. Kết quả, đoàn Sóc Trăng đã giành được 3 huy chương bạc (HCB) và 6 huy chương đồng (HCĐ) ở các môn điền kinh, quần vợt, bóng rổ, judo, xếp hạng 31/56 tỉnh, thành, ngành trong cả nước.

Tuyển judo Sóc Trăng đã đóng góp nhiều thành tích cho đoàn thể thao Việt Nam và tỉnh nhà. Ảnh: THẠCH PÍCH

Với những thành tích gặt hái bước đầu, công tác đào tạo VĐV được quan tâm đầu tư đúng mức, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Từ năm 2001, theo xu thế phát triển thể thao của cả nước, thể thao Sóc Trăng tập trung đầu tư đào tạo VĐV ở các môn như: cử tạ, cầu mây, bắn cung, bóng chuyền bãi biển, đua thuyền hiện đại (canoing, kayak). Đến tháng 4-2008, Sở TDTT hợp nhất với Sở Văn hóa - Thông tin thành Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng. Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, kế thừa và phát triển nhiệm vụ của đơn vị trong công tác đào tạo, huấn luyện 200 VĐV và 18 HLV ở 9 môn thể thao. Hàng năm, trung tâm có từ 30 - 40 lượt HLV và VĐV được Tổng cục TDTT triệu tập vào đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Khẳng định vị thế trên các đấu trường

Nếu như năm 1995, các đội tuyển thể thao Sóc Trăng chỉ chạm tay vào những tấm HCB trên đấu trường quốc gia, thì năm 2003, những chiếc huy chương ấy đã tăng lên và đáng tự hào. Đặc biệt, tại các kỳ SEA Games 22 năm 2003, do nước chủ nhà Việt Nam đăng cai tổ chức, tuyển thủ Sóc Trăng không chỉ vinh dự được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, mà còn đóng góp 1 huy chương vàng (HCV) môn judo và 1 HCĐ môn petanque. Sang SEA Games 23 năm 2005, tiếp tục đóng góp 8 huy chương (1 HCV, 1 HCB và 6 HCĐ) cho đoàn thể thao Việt Nam… Và đến SEA Games lần thứ 30 tại Philippines, Sóc Trăng đạt 4 huy chương: 1 HCV môn kurash, 1 HCB môn judo, 1 HCĐ môn petanque và 1 HCĐ môn bóng rổ nam.

Giải đua ghe ngo thu hút nhiều đội trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham gia thi đấu. Ảnh: THẠCH PÍCH

Bên cạnh những thành tựu của thể thao thành tích cao, thể thao phong trào quần chúng ngày càng phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Lâm Thanh Dũng là một trong những người gắn bó với thể thao từ khi tái lập tỉnh chia sẻ: “Trước đây, số người tham gia tập luyện thể dục còn khá khiêm tốn, nay phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển khá mạnh. Nếu như năm 2005, có trên 14% dân số tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, thì con số ấy đến nay đã tăng lên trên 35%; số hộ gia đình thể thao là 28.069 hộ, đạt gần 9%. Hiện toàn tỉnh có hàng trăm sân chơi, bãi tập phục vụ cho các hoạt động TDTT. Nhờ vậy, phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng tạo chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa, xã hội. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công 3 lần giải đua ghe ngo Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chỉ đạo tổ chức thành công 4 kỳ đại hội TDTT các cấp tỉnh Sóc Trăng từ lần thứ V, VI, VII đến thứ VIII và hướng tới lần thứ IX-2022. Theo đó, 2 kỳ đại hội liên tiếp, Sóc Trăng vinh dự là 1 trong 16 tỉnh, thành, ngành được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua xuất sắc trong tổ chức đại hội TDTT các cấp.

Năm 2000, ngành TDTT Sóc Trăng vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; VĐV Mã Thị Phượng (môn điền kinh) được bình chọn 10 gương mặt tiêu biểu xuất sắc Việt Nam năm 2001, nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú (môn judo) 4 kỳ liên tiếp đoạt ngôi vô địch tại SEA Games và giải quốc tế khác, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010…

Chặng đường phát triển thể thao của Sóc Trăng trong những năm tiếp theo vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với sức mạnh đoàn kết cùng với những hoạch định mang tính chiến lược của toàn ngành và sự đồng thuận của tập thể công chức, viên chức, HLV, VĐV; sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong tỉnh, niềm tin vững chắc thể thao Sóc Trăng sẽ vươn tầm xa hơn và cao hơn trong tương lai gần.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/tu-hao-the-thao-soc-trang-sau-30-nam-tai-lap-tinh-56511.html