Tự hào nòi giống tiên rồng

Dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, xây dựng nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Đó là những phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, lối sống cộng đồng và kho tàng văn học - nghệ thuật đồ sộ. Nổi bật là tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất. Tất cả điều đó giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Theo suốt chiều dài lịch sử, nguồn gốc con rồng - cháu tiên luôn là niềm tự hào của những người con đất Việt.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Hàng năm, cứ đến Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10/3 Âm lịch, người dân cả nước một lòng hướng về cội nguồn dân tộc.

Theo tục truyền, từ xa xưa, khi vua Đế Minh (cháu ba đời vua Thần Nông) trong hành trình tuần thú phương Nam đã gặp gỡ và nên duyên cùng một nàng tiên trên núi Ngũ Lĩnh. Họ sinh ra người con trai tên Lộc Tục, sau này lên ngôi vua, xưng là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ (năm 2879 trước Công Nguyên).

Vua Kinh Dương Vương lấy Long Nữ (con gái Động Đình Quân), sinh ra Sùng Lãm, người nối ngôi vua với danh xưng Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ (con gái vua Đế Lai) và sinh bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con.

Đền thờ vua Hùng (TP.Cần Thơ) có tổng diện tích khoảng 39.000m2, gồm 14 ngôi đền với số vốn xây dựng gần 130 tỉ đồng

Sau này, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là dòng dõi Long Quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem năm mươi đứa lên núi, còn năm mươi đứa ta đem xuống biển”. Thế là, người con cả nối ngôi cha, xưng là Hùng Vương, dựng xây nước Văn Lang và đóng đô ở Phong Châu.

Dưới sự lãnh đạo của Hùng Vương, bộ máy nhà nước được tổ chức chặt chẽ với các vị phụ tá là Lạc hầu, Lạc tướng, người dân được gọi là Lạc dân, con trai Hùng Vương là Quan Lang, con gái là Mỵ Nương.

Trải qua 18 đời Hùng Vương trị vì, Văn Lang gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam sau này.

Ghi nhớ công lao của các vua Hùng, vua Lê Thánh Tông (năm 1470) và vua Lê Kính Tông (năm 1601) đã chọn ngày 11 và 12/3 Âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Sau này, vua Khải Định thay đổi thành ngày 10/3 Âm lịch đến ngày nay tưởng nhớ các vua Hùng.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến việc thờ cúng các vua Hùng, kết hợp việc giảng dạy truyền thuyết Hùng Vương để giáo dục thế hệ trẻ.

Đặc biệt, ngày 06/12/2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tự hào truyền thống vẻ vang

Hàng năm ăn đâu nằm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ.

Hai câu thơ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục là lời khẳng định về cội nguồn của dân tộc và những giá trị to lớn của lịch sử. Nhớ lại cách đây 70 năm, vào ngày 19/9/1954, sau khi đến thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng (nay thuộc TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thắp hương tưởng niệm các vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc gặp với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong (Đại đoàn 308) tại sân Đền Giếng. Tại đây, Bác Hồ nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói nổi tiếng này đã trở thành khẩu hiệu, thể hiện ý thức trách nhiệm to lớn của mỗi thế hệ con cháu Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp nối truyền thống yêu nước, tuổi trẻ trong tỉnh luôn ghi nhớ lời dặn của Bác và biết ơn các vị vua Hùng đã có công lập nước. Đồng thời, tuổi trẻ không ngừng nỗ lực đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh Long An, thế hệ trẻ luôn tích cực rèn luyện, cống hiến, đóng góp tài năng, sức trẻ và nhiệt huyết của mình vào các phong trào, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

“Hành trình về địa chỉ đỏ” là hoạt động thường niên của Huyện Đoàn Cần Giuộc, mang ý nghĩa tri ân sâu sắc. Qua đó, tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên có cơ hội tìm hiểu thêm về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, mang đến những bài học lớn cho đoàn viên, thanh niên về tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó, giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương chia sẻ: “Trong Hành trình “Tiếp nối truyền thống Long An trung dũng kiên cường” năm 2023, chúng tôi có dịp đến tham quan và tìm hiểu địa danh Đền thờ vua Hùng tại TP.Cần Thơ. Tại đây, chúng tôi được ôn lại truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của các đời vua Hùng. Qua đó, chúng tôi càng thêm biết ơn các tiền nhân. Bản thân tôi luôn tự hào là người Việt Nam, là nòi giống tiên rồng”.

Đường Hùng Vương và Hùng Vương (nối dài) là tuyến đường chính của TP.Tân An

Để góp phần giáo dục thế hệ trẻ, hiện nay, có rất nhiều tuyến đường, trường học được đặt tên Hùng Vương. Tại TP.Tân An, đường Hùng Vương là tuyến đường chính, với chiều dài hơn 4,5km. Trên tuyến đường này, hiện có nhiều cửa hàng, hàng quán, công ty và các dịch vụ giải trí phục vụ nhu cầu sinh hoạt và giải trí của người dân địa phương và các du khách.

Bà Phạm Thị Kim Phượng - chủ Phòng khám Bạch Hổ Đường (phường 2, TP.Tân An), bộc bạch, bà và gia đình luôn cảm thấy rất tự hào là con cháu vua Hùng, những người đã có công dựng nước và giữ nước. Hiện nay, cứ đều đặn vào ngày 15 Âm lịch hàng tháng, bà Phượng và các chị em trong Chi hội Phụ nữ khu phố nấu khoảng 300 suất ăn sáng miễn phí tặng những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế,... Đó là cách bà trao đi những giá trị yêu thương trong cuộc sống.

“Tìm hiểu về truyền thuyết các vua Hùng” là cuộc thi thường niên, được Trường THPT Hùng Vương tổ chức, đây là dịp để học sinh ôn lại truyền thống của ngôi trường mang tên Quốc tổ Hùng Vương

Tại TP.Tân An còn có ngôi trường THPT mang tên Hùng Vương. Chúng tôi về thăm trường đúng dịp Đoàn trường đang tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về truyền thuyết các vua Hùng” cho học sinh. Trao đổi cùng Bí thư Đoàn trường THPT Hùng Vương - Phan Minh Tường, anh cho biết, thông qua cuộc thi sẽ giúp các em học sinh tìm hiểu về truyền thuyết các vua Hùng. Qua đó, góp phần khơi gợi niềm tự hào và tình yêu lịch sử, văn hóa dân tộc.

Bùi Anh Khoa (học sinh lớp 11A2, Trường THPT Hùng Vương) đam mê đọc sách. Trong đó có những quyển sách về lịch sử Việt Nam, về các vị vua Hùng

Em Lương Huỳnh Gia Bảo (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Hùng Vương) bày tỏ: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”. Truyền thuyết về Hùng Vương em đã được nghe kể từ nhỏ. Em rất tự hào là học sinh của ngôi trường mang tên Hùng Vương, vì vậy, em luôn ra sức học tập, rèn luyện để sau này tham gia xây dựng, góp phần đưa đất nước ngày càng giàu mạnh để luôn xứng đáng là con cháu của Hùng Vương”.

Để đất nước này là đất nước Nhân dân/ Đất nước của Nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại, hai câu thơ trong bài thơ Đất nước lại là lời khẳng định, Nhân dân là những người đã đổ xương máu, công sức của mình để làm nên hình hài đất nước. Trong đó, những vị vua Hùng là những người đầu tiên có công xây dựng, giữ gìn và bảo vệ đất nước, thành lập nhà nước đầu tiên cho dân tộc. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là ngày lễ trọng đại, là dịp để mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ đến công lao của các vua Hùng; đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-hao-noi-giong-tien-rong-a174645.html