Tự hào nghề giáo: Xây dựng hình tượng người thầy đạo đức, trí tuệ

Người thầy giáo có vị trí đặc biệt và giữ vai trò quan trọng đối với xã hội ở mọi thời đại.

Cô trò Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Website nhà trường

Trong xã hội và nền văn hóa truyền thống Việt Nam, người thầy giáo chỉ đứng sau vua theo nguyên tắc: “Quân - sư - phụ” và thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, nhân cách, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, người thầy giáo phải có trí tuệ sâu sắc, am hiểu nhiều lĩnh vực, có đạo đức sáng ngời, cái tâm trong sáng - bao dung... Các thế hệ thầy giáo, tiêu biểu như thầy: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Đặng Thai Mai, Hoàng Như Mai, Phạm Huy Thông, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Lân… đặc biệt là thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã tạo nền giáo dục Việt Nam và hình tượng người thầy cao quý trong nền văn hóa Việt.

Để kế tục và xây dựng hình tượng người thầy giáo trong xã hội hiện nay, quý thầy cô giáo không ngừng học tập, nghiên cứu và tu dưỡng theo tấm gương của các thế hệ thầy giáo đi trước, đặc biệt là tấm gương và hệ thống quan điểm của thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện

Nắm giữ vị trí đặc biệt trong xã hội, người thầy giáo phải luôn ý thức cao độ về nhiệm vụ của mình. Trước hết, phải không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực toàn diện của mình nhằm mục đích hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin thì: Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục bởi những người có trình độ cao hơn, những người đi trước có nhiều kinh nghiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình... Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Bên cạnh việc không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực toàn diện, đáp ứng nhu cầu công việc trong điều kiện chuyển đổi số và hội nhập trên phạm vi toàn thế giới; người thầy giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức mẫu mực để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

“Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Người thầy giáo có đạo đức tốt, tác phong mẫu mực là người thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của học sinh, nhà trường, đất nước lên trên lợi ích của cá nhân mình.

“Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

“Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, người giáo viên phải ra sức xây dựng tình đoàn kết. “Trước hết là phải đoàn kết. Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ảnh minh họa: Thế Đại

Tâm huyết với nghề

Không chỉ là một tấm gương vĩ đại về việc không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực toàn diện, người thầy còn là biểu tượng của sự tâm huyết với nghề. Làm nghề dạy học không giàu sang nhưng thanh cao, cao quý và được xã hội tôn kính.

Tâm huyết với nghề có vai trò tạo động lực, tạo sức mạnh cho người thầy vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong quá trình công tác và cả đời sống của mình. Trên cơ sở đó, tâm huyết với nghề trở thành yếu tố quan trọng nhất để níu giữ, gắn bó người thầy với giáo dục.

Người thầy có tâm huyết với nghề là người luôn không ngừng nỗ lực học tập, tự học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực toàn diện và rèn luyện đạo đức - tác phong của mình. Người tâm huyết với nghề phải có đầy đủ các phẩm chất sau: Nhạy cảm - có tâm hồn trong sáng; thẳng thắn - trung thực; ham học hỏi - có khả năng sáng tạo; không ham vật chất và danh lợi.

Tâm huyết với nghề được thể hiện bằng tình yêu công việc, với học trò và nhà trường. Đó là phẩm chất, là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Đây là cơ sở, là động lực thôi thúc người giáo viên thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ một cách tốt nhất, phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình.

Tâm huyết với nghề còn là cái tâm trong sáng, cao thượng, đạo đức, thánh thiện. Người làm công tác giáo dục phải biết đặt lợi ích của học trò, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân hay nói cách khác là phải luôn “lấy người học làm trung tâm”.

Trên quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Tình yêu của người thầy giáo đối với học trò được thể hiện ở chỗ: “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Yêu nghề, yêu trò còn được thể hiện ở chỗ: “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ảnh minh họa: Thế Đại

Vận dụng sáng tạo

Trên cơ sở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, năng lực toàn diện và tâm huyết với nghề, người thầy phải không ngừng chuyển hóa nó thành năng lực, đạo đức, tư tưởng cho người học bằng việc truyền bá tri thức, phương pháp, tay nghề cho họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy giáo là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà… Thầy giáo cũng như học trò, tất cả đều phải tham gia vào các công việc xã hội một cách thật tích cực. Nhà trường phải gắn liền với thực tiễn xã hội, gắn liền với đời sống của nhân dân.

Nói về nhiệm vụ của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra bản chất ưu việt của nền giáo dục trong xã hội mới là hoàn toàn khác với giáo dục trong xã hội cũ: Động cơ của người làm nghề thầy giáo không phải là mục đích kinh tế thuần túy mà phải gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người.

Trên cơ sở kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của người thầy giáo, cùng với những căn cứ từ điều kiện thực tế của xã hội hiện nay, Đảng, Nhà nước ta xác định một trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất là:

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý.

Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo.

Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm. Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.

Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đôí́ với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc trong môi trường số. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học. Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...

Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước. Triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu.

Trên cơ sở phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn - nghiệp vụ, lòng yêu nghề và sự kế thừa, phát huy quan điểm của các thế hệ nhà giáo đi trước, đặc biệt là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đội ngũ thầy cô giáo hiện nay đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của mình, góp phần tiếp tục xây dựng hình tượng người thầy đạo đức, trí tuệ, tâm huyết, quyết tâm và sáng tạo trong điều kiện xã hội hiện nay.

Trong suốt quá trình đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là kim chỉ nam, là cơ sở lý luận vững chắc, là động lực mạnh mẽ cho đội ngũ làm công tác giáo dục nước nhà. Trong điều kiện xã hội hiện nay, tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Với những phẩm chất cao đẹp vốn có của người giáo viên nhân dân cộng với tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp đội ngũ thầy cô giáo luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay và trong tương lai.

Nguyễn Thanh Tuấn (Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện miền Trung)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-hao-nghe-giao-xay-dung-hinh-tuong-nguoi-thay-dao-duc-tri-tue-post660816.html