Tự hào nghề giáo: Ngọn đèn chỉ đường ngời sáng

Khi học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi may mắn được làm học trò của cố Giáo sư Phan Trọng Luận, chuyên gia đầu ngành Phương pháp giảng dạy Văn học.

Cố Giáo sư Phan Trọng Luận.

Dáng cao, mắt sáng, giọng vang… thầy luôn là niềm tự hào, ngưỡng mộ của tất cả chúng tôi về sự uyên bác và mẫu mực.

Cách tạo “anh hùng”

Được dẫn dắt bởi người mở đường ngành khoa học dạy Văn, chúng tôi có dịp đọc những bài viết, cuốn sách tâm huyết của thầy: “Văn học nhà trường - Ẩn số và đáp số”; “Văn học nhà trường – còn một bài toán chưa giải”; “Văn học nhà trường không chỉ là chuyện văn chương”; “Đề thi – cái kích cho một cỗ máy nặng”; “Văn học giáo dục thế kỉ XXI”...

Năm 2005, những công trình khoa học đó được tập hợp trong “Phan Trọng Luận tuyển tập”. “Phan Trọng Luận tuyển tập” gồm những bài khoa học về văn hóa, văn học, giáo dục, đặc biệt là phương pháp dạy học văn được thầy nghiên cứu suốt mấy chục năm công tác và cống hiến. Sách dày 944 trang, in tại Nhà xuất bản Giáo dục.

Thầy làm việc rất khoa học. Thông thường, thầy giao cho chúng tôi đọc rồi tóm lược cốt lõi bài báo hoặc cuốn sách về chuyên ngành. Từ kiến thức lý luận, chúng tôi vận dụng để soạn giảng tác phẩm cụ thể, với đối tượng cụ thể. Đây là nhiệm vụ không đơn giản nhưng mỗi chúng tôi đều phải hoàn thành.

Ai từng là học trò của thầy đều biết thầy yêu cầu sản phẩm học tập rất chỉn chu, nghiêm túc. Thầy không chấp nhận sự qua loa, cẩu thả. Những bài làm sơ sài bị trả lại, làm và nộp lại đến khi đạt yêu cầu. Những bài làm chất lượng được tuyên dương. Học thầy, chúng tôi được phát huy tư duy tổng quát, tư duy cụ thể… nhưng cũng không thể nói là không căng não.

Thầy bảo, đó là cách tạo anh hùng trên mặt trận Giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dù không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”. Công việc của chúng tôi là “trồng người”. Rồi đây, chúng tôi sẽ tỏa đi muôn phương. Mỗi chúng tôi sẽ dạy bao thế hệ học trò trên quê hương, đất nước. Sẽ ra sao nếu chúng tôi “Dạy không nổi, trồng không nên”?

Giáo sư Phan Trọng Luận (thứ 3 từ phải sang) và học viên lớp Cao học Ngữ văn, Đại học Huế, năm 2003. Ảnh tư liệu

Hôm ấy, đang giờ học thì một bạn nam lớp tôi hỏi:

- Em thưa thầy, nghề giáo được tung hô là nghề cao quý nhất nhưng thực tế lại đầy áp lực và nghèo túng quá?

Ngay lập tức, thầy trả lời:

- Anh biết nghề giáo áp lực, nghề giáo nghèo túng... Sao anh lại chọn? Anh chọn rồi thì phải có trách nhiệm với nghề. Phải có lương tâm, đạo đức nhà giáo. Nếu không thì chọn lại nghề để đỡ khổ mình, khổ người...

Thầy là thế, thẳng thắn bảo vệ nghề bởi cháy bỏng tình yêu với sự nghiệp trồng người.

Trong mắt thầy, tôi thuộc tuýp “có lý tưởng nghề nghiệp, say mê học tập vươn lên” (lời thầy nhận xét). Vì vậy, tôi được thầy quan tâm, động viên, giúp đỡ rất nhiều. Thầy cho tôi mượn sách, khuyến khích tôi viết khoa học. Bận rộn bao việc nhưng thầy vẫn dành thời gian định hướng đề tài, sửa bài cho tôi. Nhờ sự tận tâm chỉ bảo, dìu dắt của thầy, tôi được đăng bài khoa học đầu tiên, rồi bài thứ hai, thứ ba, thứ nữa.

Những tạp chí lớn như: Giáo dục, Khoa học Giáo dục, Quản lý Giáo dục, Dạy và Học ngày nay… dần trở nên thân quen với tôi. Cùng với những tạp chí, tôi có bài đăng trong Tuyển tập công trình nghiên cứu Ngữ văn học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo khoa học Đổi mới Giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho mọi người của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Mỗi bài đăng đều khiến tôi rất đỗi vui mừng. Vui mừng ấy nhân lên theo cấp số nhân khi tôi có bài “A form of Asean creative education: Experiencing” đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế người giáo viên sáng tạo. Nếu không từng học thầy, nếu không từng được thầy chỉnh sửa cho từng dấu phẩy, tôi chắc chắn bản thân không thể có những bài báo khoa học đó. Tôi biết ơn thầy – biết ơn ngọn đèn chỉ đường luôn ngời sáng trong tôi.

Không chỉ dìu dắt tri thức, khoa học, thầy còn là người truyền lửa sâu sắc, tinh tế. Tôi vốn không phải người Hà Nội. Cuộc sống và việc học xa nhà với một người trẻ ở Thủ đô thật chẳng dễ dàng gì. Lịch trình của tôi kín mít từ sáng đến khuya, từ tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác. Học trên giảng đường, gia sư, thư viện, viết báo, tạp chí…

Ngày lại ngày, tôi mải miết việc mình ngay cả khi nhóm bạn cùng phòng kí túc xá đã ngủ say. Có lúc tôi như chiếc điện thoại chỉ tích tắc thôi là sẽ sập nguồn. Thầy đoán biết và động viên tôi rất kịp thời: Trẻ không nỗ lực, già lắm gian nan. Con người phải có mục tiêu, có ước mơ. Ước mơ phải thông qua nỗ lực mới thành hiện thực. Nỗ lực tất nhiên là áp lực, là vất vả. Nhưng sẽ tiến bộ. Không trải qua đông lạnh, sao thấy được hoa đào. Màu nền đậm nhất của thanh xuân là phấn đấu. Tinh thần đáng quý nhất là nỗ lực. Từng lời thầy nói giúp tôi tái tạo năng lượng, khởi động lại tinh thần để tiếp tục cố gắng, không ngừng cố gắng…

Với cô Hằng, dù GS Phan Trọng Luận về trời tròn 10 năm nhưng tinh thần và cốt cách của thầy còn sáng mãi trong lòng mỗi học trò. Ảnh: NVCC

Người cha thứ hai

Thầy vừa là thầy lại vừa như người cha đối với tôi. Thầy quan tâm, lo lắng cho tôi cả những điều rất nhỏ. Lần nào cũng vậy, sửa bài cho tôi xong thầy đều tiễn ra thang máy, bấm nút để thang xuống tầng một của khu chung cư tại làng quốc tế quận Cầu Giấy. Thầy chưa lần nào quên dặn tôi đi đường cẩn thận để an toàn.

Một nhân tài có tiếng vang toàn ngành Giáo dục, biên soạn nhiều giáo trình khoa học cho các trường chuyên nghiệp, Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông, nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ, nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân… lại đức độ, bình dị đến cảm động, nghẹn ngào.

Tốt nghiệp, tôi về tỉnh dạy học, cách nhà thầy gần 60km. Thỉnh thoảng, tôi gọi điện hoặc đến thăm thầy. Lần nào thầy cũng dặn tôi phải nỗ lực đổi mới, phải cập nhật tình hình để không lạc hậu.

Cuối Hè năm 2013, thầy tám mươi bảy tuổi. Tôi tức tốc đến thăm khi nghe giọng thầy phía bên kia điện thoại không được như trước. Thầy soạn sẵn tặng tôi mấy quyển sách mới. Lại phần sẵn cho con tôi mấy túi kẹo ngon. Trong câu chuyện của thầy trò, chẳng có mấy từ liên quan bệnh tình – dù tôi biết thầy đang yếu lắm.

Thầy nhắc lại xu thế tất yếu của dạy học nói chung, dạy văn nói riêng là chuyển trung tâm sang học sinh; người giáo viên phải tìm nhiều cách để phát huy năng lực toàn diện cho học sinh – những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước. Không có học sinh dốt. Không có học trò lười.

Theo cách nói của nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein thì mỗi học sinh đều là một thiên tài. Nhiệm vụ của giáo viên là phát hiện, phát triển khả năng thiên tài trong từng học sinh. Ở đâu than vãn tình trạng học sinh lười, học sinh dốt, ở đó có giáo viên chưa đủ tâm huyết, chưa đủ nhiệt tình, chưa đủ sát sao, chưa dốc sức dốc lòng với nghề, với trò...

Đến giờ tạm biệt, thầy vẫn giữ thói quen bấm thang máy và dặn tôi đi đường cẩn thận. Tôi về đến sân, chưa kịp vào nhà thì chuông điện thoại reo. Là cuộc gọi của thầy:

- Em về đến nhà an toàn chưa?

- Dạ, thưa thầy, em về đến nhà an toàn rồi ạ. Thầy giữ gìn sức khỏe. Tháng sau em lại ra thăm thầy cô.

- Thôi, đường xa... đi lại vất vả, em chuyên tâm dạy học tốt, nuôi con tốt là thầy mừng lòng.

- Dạ, thầy....

- Phải mạnh mẽ vượt mọi khó khăn để làm tấm gương cho con cái, học trò...

- Dạ, thầy....

- Em nghỉ ngơi đi cho đỡ mệt.

- Dạ, thầy....

Thầy ốm, tôi khỏe. Mà thầy lo lắng cho tôi như thế. Cúp máy xong tôi mới dám để nước mắt đầm đìa. Độ này, thầy gầy quá.

Giáo sư Phan Trọng Luận (người cầm hoa) và học trò. Ảnh tư liệu

Một ngày nắng hanh hao. Thầy nhập viện 108 ở phòng cấp cứu đặc biệt. Tôi ào đến nhưng phải đợi rất lâu vì bác sĩ đang làm thủ thuật cho thầy. Kim đồng hồ như mũi tên găm vào tim tôi từng vết nhói. Năm phút... mười phút.... hai mươi phút... bốn mươi phút.... năm mươi phút... một giờ đồng hồ trôi qua. Và cứ thế. Tôi kiên nhẫn đợi đến khi cô ra đưa tôi vào gặp thầy.

Thầy nằm đó, bên cạnh là máy đo nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, những dây truyền dịch… Đôi mắt thẳm sâu nhìn tôi, thầy muốn nói nhưng không - thể - nói. Tôi cố ghìm lòng, nắm lấy tay thầy và kể toàn chuyện vui. Ánh mắt thầy lấp lánh theo từng lời tôi nói.

Bác sĩ chỉ định tôi được thăm thầy mười lăm phút. Bịn rịn cúi chào thầy, chào cô. Tôi ra cuối hành lang tầng dưới, khóc òa như một đứa trẻ. Trời không mưa mà mặt tôi ướt dọc đường về. Tôi đến sân nhà rồi, mong được nghe thầy gọi điện như thường lệ. Nhưng chiếc điện thoại buồn thiu chẳng thèm nhúc nhích. Tôi gọi cho cô báo đã về tới nơi. Cô bảo tôi nói trực tiếp với thầy để thầy yên tâm, cô sẽ cầm máy, bật loa ngoài để thầy nghe.

- Thưa thầy, em về đến nhà an toàn rồi ạ.

Im lặng.

- Thầy cố gắng giữ gìn sức khỏe, lạc quan tinh thần, mọi việc đã có cô, các anh chị và các bác sĩ rồi.

Im lặng.

- Tuần sau, em lại đến thăm thầy.

Im lặng.

- Em chào thầy ạ. Thầy yên tâm về em nhé.

Im lặng.

Tôi cúp máy mà trong lòng hỗn độn bao cảm xúc: Thương, lo, sợ... một điều chẳng lành sẽ ập đến.

Thế rồi, hai hôm sau, tôi nhận tin: Thầy đã về trời...

Tâm trí tôi trống rỗng, chìm nghỉm trong thăm thẳm tiếc thương…

Tôi về Nhà tang lễ quốc gia viếng thầy. Thầy nằm yên đó nghe tiếng lòng của những người đến tiễn đưa. Những đồng chí, đồng nghiệp, đồng hương, học trò… trầm mặc nối dòng đi quanh linh cữu thầy. Đặt tay lên trái tim mình, tôi đã hứa cả đời này sẽ luôn là cô giáo toàn tâm vì học sinh, đặt học sinh làm trung tâm trong hoạt động dạy học, sẽ nỗ lực vượt khó để thầy trên trời cao có thể mỉm cười về tôi.

Thấm thoắt đã mười năm thầy rời xa cõi tạm. Không được gặp nhưng tôi vẫn đều đặn đọc những cuốn sách thầy viết. Cần mẫn thực hiện những điều thầy dạy. Ghi nhớ những chia sẻ của thầy về nghề giáo: Hạnh phúc lớn nhất của nghề thầy giáo mà ít ngành nào có được là hàng ngày tiếp xúc với tuổi trẻ - tương lai của đất nước.

Hàng ngày lên lớp truyền cho học sinh những điều tốt đẹp nhất về kiến thức khoa học, về lẽ sống làm người. Và bản thân người thầy giáo bao giờ cũng phải giữ mình để thị phạm cho lớp học trò mình dạy dỗ. Tôi nghĩ nghề dạy học không phải là nghề dễ kiếm tiền.

Đời sống của thầy giáo khi nào cũng thanh bạch. Nhưng cái hấp dẫn nhất của nghề dạy học chính là ở những điều tôi đã nói trên. Có thể nói đó là triết lý nghề nghiệp của thầy giáo. Không phải ngẫu nhiên mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý…”.

Thầy thực sự là tấm gương nhà giáo mẫu mực, uyên bác, sáng tạo, tận tâm, tận sức với nghề. Và vì thế, dù đã về trời tròn một thập kỷ nhưng tinh thần của thầy, cốt cách của thầy còn sống mãi, sáng mãi trong lòng bao thế hệ học trò, trong đó có tôi.

Nguyễn Thị Hằng (Giáo viên Trung tâm GDNN – GDTX huyện Lương Tài, Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-hao-nghe-giao-ngon-den-chi-duong-ngoi-sang-post660818.html