Tự hào hành trình bảo tồn và phát triển Hát Xoan

PTĐT - 11 năm từ khi Hát Xoan được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp (2011), 4 năm gìn giữ và phát triển sau khi đưa Hát Xoan...

PTĐT - 11 năm từ khi Hát Xoan được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp (2011), 4 năm gìn giữ và phát triển sau khi đưa Hát Xoan thoát khỏi danh sách này (2017). Hơn một thập kỷ với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh đã góp phần phát huy, truyền dạy, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu được thế hệ cha ông trao truyền từ ngàn xưa.

Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng đất Tổ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, hay còn được gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình”, là hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.

Hình thức và nội dung Hát Xoan gắn với thiên nhiên, con người, đời sống nhân dân địa phương và phong tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt. Qua lời hát và điệu bộ, người dân bày tỏ lòng biết ơn đến Tổ tiên, các vị vua Hùng và cầu mong hạnh phúc, thịnh vượng, thời tiết thuận lợi, vạn vật tốt tươi và mùa màng bội thu.

Hát Xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng và được lan tỏa mạnh mẽ, bảo lưu được nhiều yếu tố thuộc tầng sâu văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước. Trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ được 31 bản Hát Xoan tại 4 phường Xoan gốc.

Tại Phú Thọ, Hát Xoan từ một hoạt động văn hóa nghệ thuật đã trở thành nét đặc sắc văn hóa truyền thống được các nghệ nhân ở các phường Xoan cổ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong thời kỳ phong kiến, Hát Xoan là loại hình dân ca gắn với lễ hội làng và được thực hành đầy đủ. Sau Cách mạng tháng Tám, bom đạn chiến tranh đã phá hủy rất nhiều di tích, trong đó có các đền, miếu vùng Xoan. Nhiều di tích ở các làng Xoan gốc đã bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn nền móng như đình Hội, đình Trung, miếu Lãi Lèn, đình Thét…. chỉ còn lại đình An Thái giữ được không gian và quy mô kiến trúc.

Sau khi thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ đổi mới, một số di tích dần được khôi phục, tuy nhiên không gian diễn xướng cho Hát Xoan vẫn chưa được đáp ứng. Từ đó hội Xoan không còn tổ chức đều đặn. Tuy nhiên các nghệ nhân vẫn âm thầm lưu giữ và truyền dạy các bài Hát Xoan.

Sau khi đất nước thống nhất, các phường Xoan có điều kiện củng cố lại, nhưng do một số di tích bị mất nên không có điều kiện thực hành thường xuyên trong lễ hội. Cũng trong thời gian này các nhà nghiên cứu, các nhạc sỹ bắt đầu quan tâm tìm hiểu nghiên cứu, thu thập các làn điệu, giới thiệu Hát Xoan với nhân dân.

Theo cụ Nguyễn Xuân Hội – Trùm phường Xoan cổ Phù Đức (xã Kim Đức): Trước khi được UNESCO ghi danh vào danh mục các Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, các làng Xoan đã tích cực cùng địa phương bảo vệ di sản cả về hình thức diễn xướng, các bài bản Hát Xoan, không gian văn hóa và các yếu tố khác.

Các quy định trong Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng dân cư. Hệ thống chính trị và nhân dân đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các công tác bảo tồn Hát Xoan.

Với nhiều giải pháp quyết liệt để đưa Hát Xoan ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đã ghi dấu ấn đậm nét trong cả quá trình gìn giữ và bảo tồn Hát Xoan của tỉnh.

Ngày 13/2/2012, tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động để bảo vệ Hát Xoan, tiếp đó xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013-2020)được Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở đề án này, các kế hoạch từng năm để bảo vệ di sản đã được xây dựng và triển khai một cách nghiêm túc trên địa bàn tỉnh, hướng tới bảo tồn và phát huy di sản Hát Xoan cả ngắn hạn và dài hạn.

Bắt đầu với công tác truyền dạy và phát triển nghệ nhân,từ năm 2013 - 2014, tỉnh đã hỗ trợ mở 4 lớp truyền dạy Hát Xoan tại các xã Kim Đức và Phượng Lâu. Các lớp học được chia thành 2 hình thức đào tạo: đào tạo nghệ nhân kế cận và đào tạo nghệ nhân cộng đồng, do các nghệ nhân cao tuổi, có kinh nghiệm lâu năm trong việc thực hành và truyền dạy Hát Xoan trực tiếp đào tạo.

Số nghệ nhân có khả năng truyền dạy (trước và sau khi UNESCO ghi danh Hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2011)

Tỉnh đã xây dựng chính sách tôn vinh, đãi ngộ và hỗ trợ nghệ nhân của các phường Xoan. Năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quy chế công nhận Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọđối với những người có công truyền dạy, bảo tồn Hát Xoan và đã công nhận 34 nghệ nhân. Năm 2015 công nhận 18 nghệ nhân hát Xoan và 19 nghệ nhân Hát Xoan được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Các chính sách trên là nguồn cổ vũ, động viên các nghệ nhân theo đuổi Hát Xoan và tiếp tục đào tạo, truyền dạy cho các thế hệ kế cận. Hiện nay, tỉnh đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân cho gần 70 nghệ nhân.

Công tác thực hành biểu diễn hát Xoan được thực hiện thường xuyên, thu hút sự tham gia đông đảo công chúng. Đặc biệt trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, chương trình “Hát Xoan làng cổ” đã được tổ chức để các nghệ nhân có sân chơi, giao lưu và cũng tạo ra một không gian cho khán giả biết nhiều hơn đến Hát Xoan.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch – Trùm phường Xoan cổ An Thái (xã Phượng Lâu): Việc tạo ra nhiều cơ hội thực hành đã khiến Hát Xoan gần gũi hơn với người dân và giúp cho người dân, đặc biệt thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa và nét đẹp của loại hình văn hóa này.

Cùng với đó, Hát Xoan cũng được tích cực truyền dạy, đưa Hát Xoan vào nhà trường và các cơ quan, đơn vị, để Hát Xoan trở nên gần gũi với đời sống nhân dân.

Các không gian văn hóa liên quan đến Hát Xoan đượcchú trọng bảo tồn, tu bổ, khôi phục các di tích của các làng Xoan cổ để tạo không gian diễn xướng, cũng là nơi để các nghệ nhân trình diễn, chỉ dạy cho các thế hệ đào, kép lứa kế cận.

Hát Xoan đã và đang là niềm tự hào của người dân đất Tổ. Người dân được truyền dạy và hiểu về Hát Xoan, ngay cả những em nhỏ cũng có thể trình diễn Hát Xoan. Đây là thành công trong quá trình gìn giữ và bảo vệ loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc này. “Mùa xuân” của Xoan đã trở lại nhờ sự chung tay cố gắng của cả cộng đồng.

Để tiếp tục bảo tồn và phát triển Hát Xoan, thời gian tới, công tác bảo tồn không gian diễn xướng của hát Xoan tiếp tục được chú trọng. Bởi đặc điểm của Hát Xoan là luôn gắn với cửa đình, do vậy việc bảo tồn phục dựng lại các di tích gốc liên quan đến Hát Xoan là một yêu cầu đặt ra đối với các địa phương. Đặc biệt cần chú trọng phục hồi, bảo quản các di tích thuộc các phường Xoan gốc.

Bên cạnh các di tích, các lễ hội Hát Xoan và các lễ hội dân gian khác trong vùng Xoan lan tỏa cần được phục hồi và duy trì hằng năm, đặc biệt là dịp đầu xuân. Điều này sẽ góp phần đưa Hát Xoan trở lại môi trường và không gian văn hóa vốn có để Hát Xoan được bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

Tiếp tục xây dựng những cơ chế, chính sách đối với nghệ nhân và các phường Hát Xoan, tạo ra động lực duy trì công tác bảo tồn và truyền dạy Hát Xoan cho các thế hệ tương lai. Yếu tố con người chính là yếu tố quan trọng nhất để giữ gìn và phát triển Hát Xoan.

Tạo điều kiện cho nghệ nhân được tham gia các hoạt động khoa học nhằm bảo tồn phát huy và tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ như: hội thảo, xuất bản, triển lãm, biểu diễn, giao lưu, truyền dạy…

Hỗ trợ cộng đồng, các phường Xoan, các trường học tổ chức truyền dạy và đào tạo thế hệ những người trẻ tuổi để tiếp nối, duy trì và sáng tạo di sản Hát Xoan; đồng thời hỗ trợ cho những người có năng khiếu tham gia học Hát Xoan.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã hình thành 3 thế hệ Hát Xoan: thế hệ nghệ nhân cao niên giàu kinh nghiệm, thế hệ nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ triển vọng. Sự hình thành và chuyển giao các thế hệ Hát Xoan đã thể hiện ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong gìn giữ và bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quan trọng nhất, cần tạo mọi điều kiện cho các nghệ nhân có môi trường để tạo ra thu nhập và sinh kế bằng chính các kỹ năng thực hành di sản của họ. Cụ thể là tiếp tục giới thiệu Hát Xoan trong các chương trình tour du lịch tâm lịch – lữ hành cho du khách thập phương. Trong thời gian tới, tỉnh chú trọng tới việc quảng bá giới thiệu giá trị của hát Xoan với cộng đồng trong tỉnh, trong cả nước và với bạn bè quốc tế.

Với sức sống bền bỉ, sức lan tỏa mãnh liệt và kế hoạch bảo tồn cụ thể, Hát Xoan và những giá trị ý nghĩa của loại hình này sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát triển, trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, lòng quyết tâm và tình yêu nước nồng nàn của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202104/tu-hao-hanh-trinh-bao-ton-va-phat-trien-hat-xoan-176533