Từ Đề cương văn hóa 1943 đến xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay

Những nội dung cơ bản của Đề cương văn hóa 1943 vẫn giữ nguyên giá trị, là 'kim chỉ nam' trong chỉ đạo và hoạt động văn hóa.

Tính dân tộc là giá trị nổi bật của văn hóa Việt Nam. Trong ảnh: Trò chơi dân gian đi cầu kiều được lưu giữ tại nhiều lễ hội ở Hải Dương. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Suốt 80 năm qua, Đề cương văn hóa năm 1943 đã soi đường, chỉ dẫn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Những nội dung cơ bản của Đề cương văn hóa 1943 vẫn giữ nguyên giá trị, là "kim chỉ nam" trong chỉ đạo và hoạt động văn hóa.

Đề cương Văn hóa 1943 luôn được Đảng ta kế thừa và phát triển, thể hiện trong Nghị quyết số 03-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) xác định: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Quá trình thực hiện, Đảng ta đã ra Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Như vậy, Nghị quyết này đã kế thừa và cụ thể hóa Đề cương Văn hóa 1943 và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Nghị quyết chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam với các đặc trưng: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.

Tuy nhiên, hiện nay những giá trị văn hóa Việt Nam đang bị tác động trước sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như những tác động khó lường của bối cảnh quốc tế. Chính vì vậy, tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, một lần nữa vai trò của văn hóa được đề cao. Đồng thời đưa ra phương hướng xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời đại mới với hệ giá trị văn hóa làm nền tảng cho xây dựng hệ giá trị Việt Nam.

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam xây dựng phải coi 3 nguyên tắc của Đề cương văn hóa 1943 là nền tảng mà kế thừa và phát triển cho phù hợp gồm các giá trị dân tộc, dân chủ và nhân văn.

Giá trị dân tộc thể hiện một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, toát lên truyền thống văn hiến Việt Nam. Đó là nền văn hóa độc lập, tự chủ, có nội lực, không bị lấn át trước văn hóa ngoại lai. Nền văn hóa đó cũng có khả năng tiếp thu chọn lọc, “dân tộc hóa” những giá trị tốt đẹp của văn hóa thế giới, làm giàu và nâng tầm cho văn hóa dân tộc. Tính dân tộc là giá trị nổi bật của văn hóa Việt Nam, đã tạo nên bản sắc, cốt cách, tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Đây là giá trị luôn được đề cao và nhất quán trong đường lối lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng ta. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc giữ gìn bản sắc dân tộc càng cần thiết hơn bao giờ hết để chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”. Việc đề cao giá trị dân tộc chính là đối trọng để giữ thế cân bằng, tạo sức đề kháng trước nguy cơ “xâm lăng văn hóa” cũng như vươn lên khẳng định văn hóa Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.

Giá trị dân chủ là biểu hiện của một nền văn hóa của dân, do dân và vì dân. Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo vừa là người hưởng thụ văn hóa. Một nền văn hóa dân chủ góp phần đề cao quyền tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa. Mọi công dân đều được bình đẳng và tôn trọng trong phát triển văn hóa, làm đối trọng chống lại tình trạng độc tôn quyền lực, lạm dụng quyền lực, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ cũng là giá trị tiến bộ của thời đại mà phần lớn các quốc gia văn minh đều hướng tới. Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn mà Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu để “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Giá trị nhân văn thể hiện ở nền văn hóa yêu thương con người, nhân ái, bao dung, lấy con người làm gốc. Nhân văn có nội hàm rộng hơn bác ái của phương Tây, còn có ý nghĩa tôn trọng nhân phẩm, đề cao nhân quyền, tôn trọng quyền con người. Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay là nền văn hóa trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình yêu thương đồng loại.

Giá trị khoa học thể hiện một nền văn hóa ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên, tốt hơn trước, phù hợp với xu thế thời đại và nhân loại. Nó đối lập với thụt lùi, trì trệ, bảo thủ, chậm tiến. Giá trị này sẽ khắc phục những biểu hiện cổ hủ, lạc hậu, phản khoa học trong văn hóa.

Đề cương Văn hóa năm 1943 ra đời đã khơi dậy, thổi bùng lên sức mạnh văn hóa dân tộc được hun đúc hàng nghìn năm, đã tạo nên những chiến thắng kỳ tích trong lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Hiện nay, Việt Nam có nhiều đóng góp trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Nền văn hóa của dân tộc ta có lịch sử hàng nghìn năm đã luôn và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam. Chúng ta tự hào về những thành tựu và di sản văn hóa cha ông ta để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu và phát triển, lan tỏa các giá trị văn hóa đó phù hợp xu thế thời đại.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song-van-hoa/tu-de-cuong-van-hoa-1943-den-xay-dung-he-gia-tri-van-hoa-hien-nay-228430