Từ chuyến tàu Busan nghĩ về “Chuyến tàu băng giá”

Những ngày vừa qua có một cơn sốt nhỏ tại phòng vé mang tên “Train to Busan” – một tác phẩm sáng giá đến từ nền điện ảnh Hàn Quốc. Bình cũ mà rượu mới, Train to Busan là một câu chuyện được xây dựng bằng chất liệu đề tài zombie “quen mặt”của Hollywood nhưng khai thác dưới góc nhìn mới, ẩn giấu những ý nghĩa nhân văn. Và chúng ta giật mình về độ “bật” của nền điện ảnh Hàn Quốc, đã bỏ xa nền điện ảnh khu vực. Tuy nhiên, không phải tới bây giờ Hàn Quốc mới “bật” bởi trước đó đã có rất nhiều sản phẩm chất lượng mang tầm quốc tế, một trong số đó là “Chuyến tàu băng giá” (Snowpiercer)của đạo diễn Bong Joon-ho.

Bộ phim lấy bối cảnh thế giới năm 2031, Trái Đất đứng trước nguy cơ hủy diệt khi trở về thời kỳ Băng Hà, khiến con người hoàn toàn đóng băng và không thể sinh sống. Chỉ còn một ít người may mắn sống sót nhờ trú ngụ trong con tàu có động cơ vĩnh cửu và đi vòng quanh Trái Đất. Trên con tàu là sự phân chia giai cấp rõ rệt: kẻ nghèo khổ ở cuối khoang cuối tàu, luôn bị áp bức bóc lột nặng nề để phục vụ cho giới thượng lưu xa hoa, trác táng, để rồi dẫn tới cuộc đấu tranh đòi sự công bằng do Curtis (Chris Evans) lãnh đạo.

“Chuyến tàu băng giá’’ chính là sự trộn đều hòa quyện giữa đề tài mang hơi hướng Hollywood và kiểu tư duy làm phim phương Đông của đạo diễn Bong Joon-ho. Không đơn thuần là một cuộc tranh đấu giữa hai giai cấp đối lập để rồi đi đến một cái kết vinh quang cho kẻ nghèo bị áp bức – một mô típ thường thấy, dễ đoán. Người xem phải nghiền ngẫm, phải bóc tách mới có thể nhìn sâu được những nội hàm ẩn chứa trong đó. Tựa như cách người xem phải đồng hành cùng các nhân vật, cụ thể là Curtis khám phá từng khoang tàu, đi sâu vào từng ngóc ngách để truy tìm ra cội nguồn của bất công.

Nếu coi Bong Jooh-ho là nhà họa sĩ thì ông đã rất tinh tế trong việc dùng những gam màu đối lập để tô vẽ lên bức tranh “Con tàu băng giá”. Mảng sáng hòa trộn nhưng không lẫn với mảng tối, đều nằm trong dụng ý của tác giả.

Khởi nguồn cách mạng

Trong những thước phim mở đầu, vị đạo diễn người Hàn rất “cao tay” khi phủ một lớp sơn tối màu vẽ lên cuộc sống ngột ngạt khổ sở của những người nghèo sống phía cuối con tàu. Những lớp áo rách rưới xỉn màu, những miếng protein đen kịt, những gương mặt lấm lem khổ sở,… nhìn vào bức tranh ấy, tất cả chỉ là sự tù túng, đày đọa và chịu đựng.

Tưởng chừng như cả gam màu bức bối ấy sẽ được bao phủ toàn bộ phim, cho tới khi từng cánh cửa của mỗi khoang tàu được mở ra. Đó là màu xanh lá của khu vườn thực vật cung cấp trái ngọt, màu xanh dương của hệ thống sinh thái đại dương, màu vàng của những chốn ăn chơi tiệc tùng, màu hồng của những lớp học thiếu nhi,…Tất cả những điều đó đều nhằm phục vụ một điều kiện sống đủ đầy cho giới cầm quyền, và đương nhiên, những kẻ nghèo khổ đang giương mắt sững sờ kia chưa bao giờ có cơ hội được nhìn thấy. Sự đối nghịch liên tục được đạo diễn xây dựng nhằm thể hiện ý đồ thâm thúy và sâu cay của mình.

Bộ phim đã thành công khi gói ghém cả một xã hội bên ngoài để nhét cho vừa vào con tàu vĩnh cửu.Ở đó chẳng thiếu một thứ gì, từ những miếng sushi hảo hạng cá hồi, những phòng spa cho các quý bà, cho tới những lớp học đảm bảo nền giáo dục tiên tiến cho mấy “cậu ấm cô chiêu”. Có chăng ở đó chỉ thiếu một xã hội lương tri!

Thứ ánh màu sáng phù phiếm kia phần nhiều khiến ta lạnh gáy. Bởi những kẻ sống ở bức tranh tươi sáng ấy ai cũng đeo một thứ gương mặt rập khuôn, tựa như thể tất cả không còn được “sống” và nuôi dưỡng bởi bầu máu nóng của tình người nữa, họ “tồn tại” bằng những miếng sushi hảo hạng và được nhồi nhét mớ tư tưởng về ngài Wilford huyền thoại. Kìa hãy nhìn những đứa trẻ, thứ chúng được học là truyền thuyết vĩ đại về con tàu Snowpiercer, thứ chúng đang hát là bài ngợi ca ngài Wilford huyền thoại. Kìa những quý bà đang ngồi làm đẹp, ai cũng một màu tóc, một kiểu dáng, giống nhau khó phân biệt. Tất cả đều là những con rối vô thức và mớ bòng bong tư tưởng vĩ đại kia đang ngày một thấm sâu đậm trong mỗi bộ não.

Tiếp tục là một phép đối nghịch! Những người nghèo khổ, chính họ đã tự tay vẽ lên những gam màu ấm áp rực rỡ trên nền màu tăm tối, ngột ngạt như chính cuộc sống của họ. Không gian chật chội ấy là địa điểm lý tưởng cho trò chơi trốn tìm của nhóc Jimmy, những gương mặt lấm lem là nguồn cảm hứng sáng tạo cho một vị họa sĩ, miếng protein thực chất làm từ sâu, bọ cũng trở thành thức ăn ngon lành cho họ sẻ chia. Lặng nhìn những khoảng khắc ấy, không gian chật hẹp của khoang tàu cuối dành chỗ cho những tâm hồn thênh thang rộng mở cho những người khốn khổ khát khao tự do.

Khái niệm “duy trì cân bằng”

Một chi tiết gây ám ảnh với người xem: câu chuyện ăn thịt người của Curtis. Từng bị đẩy tới bước đường cùng, không có thực phẩm để tồn tại, Curtis chính là kẻ cầm dao giết chết một bà mẹ để cướp lấy đứa con. Những người trong toa tàu đã lần lượt chặt đứt tay, chân của họ và bảo rằng “Ăn đi, hãy để lại đứa bé”. Đây chính là một phép thử nhân phẩm con người, một chi tiết trần trụi đến ám ảnh được phơi bày trên thước phim, trần trụi như chính chữ “con” luôn ẩn nấp đâu đó và tìm cách trỗi dậy, át lấy phần “người”. Curtis đã bị đặt trong phép thử nhân phẩm. Người đàn ông ấy có thể khóc vì một giây phút nào đó, anh đã để cho phần con lấn át, để rồi có những suy nghĩ tanh bẩn về sự tồn tại. Tuy nhiên, Curtis đã chiến thắng với cửa ải đó!

Ngài Wilford vĩ đại thì khác. Con tàu là một hệ sinh thái, muốn nó cân bằng, ngài buộc phải giảm các cá thể một cách mạnh mẽ, như cách ngài nói. Thay vì chọn lọc tự nhiên, phương pháp Wilford chọn chính là nổ súng và giết chết những người nghèo khổ vô tội. Giữa Curtis và Wilford có sự đối nghịch, một cá thể tìm kiếm thoát ra khỏi phần “con” và rất hiểu cách thống trị loài người bằng cách hạ họ xuống làm loài vật. Với Wilford, tồn tại là một điều dễ dàng, chỉ cần sự điên loạn, giết chóc để duy trì hệ sinh thái này. Và nhìn ngoài cánh cửa kia, cả một đám thượng lưu với những súng, những búa rìu, cũng đang điên loạn để đòi sự tồn tại vị kỷ. Đúng thế, tất cả đều đang điên loạn để tồn tại.

Sao đám người nghèo khổ “ngu dốt” ấy không triệt tiêu lẫn nhau, giành giật nhau cơ hội sống? Có chăng họ không biết về “quy luật cân bằng tự nhiên” mà Wilford tôn thờ? Dễ hiểu thôi. Vì họ cũng như Curtis, với họ giây phút đó không phải là thời cơ cướp giật sự sống lẫn nhau, mà là một phép thử nhân phẩm. Họ đều chiến thắng. Phần “người” trong họ cũng đã chiến thắng.

Hủy diệt để gieo mầm sự sống

Một hình ảnh đối nghịch tiếp tục được khéo léo sử dụng để khép lại toàn bộ cuộc hành trình của Snowpiercer. Bằng một cú nổ bom, tất cả nhấn chìm sự sống của con tàu và toàn bộ con người, duy chỉ có hai đứa trẻ may mắn sống sót là Yona (Ah-Sung Ko) – con gái của chuyên gia bẻ khóa người Hàn và cậu bé 5 tuổi Timmy. Hai đứa trẻ khó nhọc bước đi trên nền tuyết dày và tròn mắt nhìn về phía xa, nơi thấp thoáng một chú gấu.

Có người cho rằng cái kết bỏ lửng, tuy nhiên đó lại là một cái kết tròn trĩnh. Mới ngay đó, máu vừa đổ, sự hủy diệt vừa diễn ra, đã thấp thoáng nhường chỗ cho sự sống nảy nở. Đấy là một quy luật tất yếu của cuộc sống, cái cũ bị xóa bỏ để bước nhường cho cái mới, hay chăng sự sống sẽ được nảy mầm, gieo cấy từ chính sự hủy diệt.

Câu chuyện về đề tài tận thế, về cuộc nổi dậy của tầng lớp nghèo khổ… là điều dễ tìm thấy. Tuy nhiên, Snowpiercer là một điểm sáng mới mẻ so với một loạt những tác phẩm cùng chất liệu trước đó. Sự kết hợp pha trộn giữa đề tài Hollywood và những trải nghiệm lịch sử về một thời kỳ độc tài Hàn Quốc đã tạo nên tổng thể một tác phẩm ấn tượng. Và hơn hết, Snowpiercer đã giúp nền điện ảnh Hàn Quốc tiến thêm một bước lớn, rút ngắn hành trình ôm mộng lớn ghi tên điểm mặt trên bản đồ thế giới.

Hà Ngân

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/tu-chuyen-tau-busan-nghi-ve-%e2%80%9cchuyen-tau-bang-gia%e2%80%9d