'Từ chức vì khí hậu'

Người lao động trên toàn cầu đang dậy trào lưu 'từ chức vì khí hậu' (climate quitters).

Gen Z đi đầu trong trào lưu 'từ chức vì khí hậu'. Ảnh: Businessinsider.com

Nhiều công ty từ chối tuân theo cam kết giảm thiểu khí thải. Đáp lại, nhiều công nhân viên, trong đó đa phần là Gen Z (1996 – 2012) lập tức bỏ việc với lý do, động thái này trái ngược với quan điểm bảo vệ môi trường và khí hậu tương lai của họ.

Rời đi vì trái quan điểm

Steffen Krutzinna (38 tuổi), nhà kinh doanh năng lượng cho Công ty Next Kraftwerke ở Cologne, Đức đang có một sự nghiệp đầy hứa hẹn. “Tôi yêu thích vị trí của mình và vô cùng hạnh phúc vì bên cạnh là các đồng nghiệp dễ mến, nhóm làm việc thấu hiểu lẫn nhau”, anh kể lại.

Tuy nhiên, tháng 6/2023, công ty mẹ của Next Kraftwerke là Tập đoàn Shell (Tổng Công ty Dầu khí đa quốc gia của Anh, tập đoàn năng lượng tư nhân lớn thứ nhì toàn cầu) công bố chiến lược từ bỏ cam kết cắt giảm sản lượng dầu khí vì khí hậu.

“Tôi đã ngay lập tức nộp đơn từ chức”, anh Steffen quyết đoán. “Với tôi, chiến lược mới của họ chính là điểm mấu chốt thể hiện giá trị quan của doanh nghiệp, cho thấy họ chỉ vì lợi ích trước mắt mà vô trách nhiệm với xã hội và môi trường. Tôi không muốn là một phần của họ, nên tôi rời đi luôn”, anh giải thích.

Người lao động trên toàn cầu đang dậy trào lưu “từ chức vì khí hậu” (climate quitters), tức là bỏ việc khi chính sách của công ty trái ngược với quan điểm bảo vệ khí hậu của họ.

Theo kết quả khảo sát từ Supercript (Anh), thực hiện trên 2 nghìn nhân viên văn phòng, 35% sẵn sàng nghỉ việc nếu công ty làm trái cam kết cắt giảm CO2. Đặc biệt, ở nhân viên Gen Z, con số này là 53%.

“Tương lai của khí hậu cũng chính là tương lai của nhân loại”, nhà vận động khí hậu Paul Polman (Anh) nhấn mạnh. “Ngày nay, người lao động nhận thức rõ về khí hậu. Họ biết, chỉ vài sáng kiến kinh doanh thân thiện với môi trường và một chút ý thức trách nhiệm xã hội từ các công ty thôi là chưa đủ.

Thế giới cần các tập đoàn nỗ lực khắc phục các vấn đề về khí hậu, chứ không phải là tạo ra thêm”, ông nói tiếp. Năm nay, Polman cũng thực hiện cuộc khảo sát trên 4 nghìn công nhân viên khắp Anh và Mỹ. Ông cho biết, 2/3 lo lắng về sức khỏe của môi trường, muốn công ty thể hiện lập trường rõ ràng hơn và 1/2 sẵn sàng nghỉ việc nếu công ty từ chối làm theo cam kết bảo vệ khí hậu.

“Người lao động, đặc biệt là thế hệ Millennials (1980 – 1995) và Gen Z chỉ muốn cống hiến sức lực và thời gian cho công ty có chung giá trị quan về môi trường”, ông Paul khẳng định.

Dứt khoát và công khai

Ngoài anh Steffen, Tập đoàn Shell còn bị nhân viên thâm niên 11 năm, Caroline Dennett (52 tuổi) từ bỏ. “Quyết định của họ quá coi thường sự rủi ro từ biến đổi khí hậu”, bà khiển trách. Khi từ chức, bà Caroline còn quay video và đăng tải lên LinkedIn. Đến nay, video của bà đã có hơn 17 nghìn lượt bình luận và 1,8 nghìn lượt chia sẻ.

“Đây là cách vận động vì môi trường thiết thực nhất”, Giám đốc điều hành và người đồng sáng lập của nền tảng tính toán CO2 toàn cầu – Greenly, ông Alexis Normand đánh giá cao. Theo ông, chỉ khi người lao động dứt khoát và công khai như thế này, họ mới gây tác động lên công ty, thúc ép chủ lao động phải thay đổi.

Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán KPMG (Anh), trào lưu “từ chức vì khí hậu” đang gây sức ép lớn lên nhiều công ty. Trong số 6 nghìn công nhân viên Anh được khảo sát, 20% cho biết từng từ chối lời mời làm việc vì công ty mời họ không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Ở công nhân viên tuổi từ 18 - 24, con số này là 33%.

'Từ chức vì khí hậu' được cổ vũ thực hiện một cách dứt khoát và công khai. Ảnh: Chef.se

Không hẳn tốt

Mặc dù đã hình thành trào lưu, song việc “từ chức vì khí hậu” hiện vẫn rất yếu ớt. Trong khi bà Caroline và anh Steffen bỏ Shell ngay lập tức, khoảng 68 nghìn nhân viên khác của họ trên khắp thế giới vẫn tiếp tục công việc như bình thường. “Tôi có thể dứt khoát chỉ vì tôi đủ điều kiện để làm được như thế”, bà Caroline thừa nhận.

Tương tự như bà Caroline, Sharon Keilthy (44 tuổi, Ireland) cũng bỏ việc tại McKinsey & Co vào năm 2018 vì có lựa chọn khác là tự khởi nghiệp. Chị đã thành lập công ty đồ chơi thân thiện với môi trường và vừa chăm chỉ làm việc, vừa sống tiết kiệm để góp phần vào bảo vệ khí hậu tương lai.

“Điều quan trọng nhất là mọi người phải dám vì khí hậu mà hành động”, chị Sharon kết luận. Một khi đã đặt khí hậu lên vị trí ưu tiên số 1, chúng ta luôn có những con đường khác nhau thích hợp với từng người để đi theo.

Sharon Keilthy (44 tuổi) không ngừng trăn trở vì đã vì khí hậu bằng cách quá cực đoan. Ảnh: Bbc.com

“Từ chức vì khí hậu” là giải pháp quá cực đoan, khó thực hiện với phần đông công nhân viên. Thay vì bỏ việc, vận động đồng nghiệp gây áp lực lên công ty, buộc chủ lao động phải thay đổi chính sách, lập trường có lẽ “vẹn cả đôi đường” hơn.

“Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi liệu hành động bỏ việc của mình có là lựa chọn đúng đắn nhất không?”, chị Sharon trăn trở. “Mối quan hệ giữa công nhân viên và công ty cũng như mối quan hệ giữa ta và một người khác. Khi nó rơi vào bế tắc thì trước tiên, chúng ta nên cho đối phương cơ hội để sửa chữa lỗi lầm chứ không phải dứt áo ra đi ngay lập tức”, chị nói thêm.

Vũ Thị Huế (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-chuc-vi-khi-hau-post659696.html