Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới

LTS: Ở Việt Nam, vấn đề tự chủ đại học đã được đặt ra từ sau khi có công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, hệ thống các trường đại học hiện nay vẫn còn mang dấu ấn của cung cách quản lý mang tính phụ thuộc, đó là hiện có 3 loại hình: Trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường đại học trực thuộc các Bộ, Ban, ngành khác; Trường đại học ngoài công lập.

Thực trạng trên ít nhiều ảnh hưởng đến việc quản trị nhà trường, ảnh hưởng đến động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở đào tạo đại học.

Trước thềm năm học mới, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Giao gửi Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng bài viết thể hiện góc nhìn của người từng nhiều năm công tác trong ngành về vấn đề này...

Những kết quả bước đầu trong quá trình tự chủ đại học

Nhận thức được những hạn chế trong việc quản lý ở lĩnh vực đào tạo đại học, Nhà nước đã có những bước đi tạo điều kiện để một số cơ sở đào tạo được quyền tự chủ như việc thành lập 2 Đại học Quốc gia: Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 1993) và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (năm 1995). Ngoài ra, các đại học vùng là: Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng... sau đó đã có một số quyền tự chủ.

Để tự chủ đại học đạt yêu cầu, cần nâng cao năng lực quản trị nhà trường.

Để tự chủ đại học đạt yêu cầu, cần nâng cao năng lực quản trị nhà trường.

Năm 2021, Luật Giáo dục Đại học đã khẳng định rõ quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.

Sau khi có Nghị quyết TW 8 Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, tự chủ đại học được coi là chủ trương nhất quán trong đổi mới giáo dục đào tạo. Đó là:

Tự chủ về bộ máy và nhân sự, hội đồng trường và hiệu trưởng dường như đã được cởi trói; nhất là các trường trực thuộc Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ chuyên ngành).

Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã bổ sung Điều 16a nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục, đồng thời tách việc đầu tư với công tác quản trị đại học.

Cơ chế tự chủ đại học cho phép lãnh đạo các trường (hội đồng trường, hiệu trưởng) chủ động và tự quyết trong tuyển dụng và bổ nhiệm theo hướng nâng cao chất lượng. Tự chủ về tài chính và tài sản ở đây cần phân biệt rõ cơ chế tự chủ về tài chính và tài sản ở trường công lập và trường ngoài công lập. Các trường công lập được tự chủ về tài chính tài sản nhưng vẫn phải thực hiện theo quy định của Nhà nước (Theo Nghị định 81/2021). Các trường tư thục, dân lập có quyền tự quyết định việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản theo Luật Doanh nghiệp, định kỳ kê khai thuế và quyết toán thuế với cơ quan thuế ở địa phương.

Tự chủ về hoạt động chuyên môn. Hoạt động chuyên môn ở trường đại học liên quan đến các hoạt động tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ. Gần đây, theo chỉ đạo trong tuyển sinh, nhiều trường đại học đã có phương thức tuyển sinh linh hoạt hơn trước, có trường thực hiện cả 3 phương thức (xét tuyển qua học bạ, tổ chức thi trắc nghiệm đánh giá năng lực, tuyển sinh qua kết quả thi tốt nghiêp THPT).

Việc mở mã ngành đào tạo. Vừa theo nhu cầu của xã hội, vừa dựa trên năng lực đào tạo của nhà trường đã được chủ động hơn trước. Nhiều trường có năng lực đã chủ động liên kết với cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để sinh viên ra trường dễ kiếm việc làm. Một số trường đại học đã quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, số lượng các bài nghiên cứu khoa học được đăng ở các tạp chí khoa học quốc tế ngày càng tăng...

Những hạn chế, bất cập trong quá trình tự chủ đại học

Tự chủ về bộ máy và nhân sự chưa được thực hiện một cách bài bản, thiếu sự quy hoạch, còn ít nhiều bị tác động nhất là các trường trực thuộc Bộ, ngành. Sự thống nhất giữa hội đồng trường và hiệu trưởng ở một số trường chưa cao, dẫn đến việc quy hoạch cán bộ chưa mang tầm nhìn chiến lược.

Việc áp dụng nhiều luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Lao động, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và một số luật chuyên ngành khác) cũng ảnh hưởng đến quá trình tự chủ đại học, đó là khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện tự chủ trong lĩnh vực nhân sự cũng như tự chủ trong quản trị và tổ chức bộ máy.

Việc tự chủ về tài chính và tài sản. Hiện nay, trong quá trình tự chủ về tài chính và tài sản có những vấn đề nảy sinh do tâm lý chờ đợi được cấp do cơ chế bao cấp dẫn đến việc thực hiện tự chủ tài chính, tài sản chậm. Mới có 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), 12,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (Nhóm 2). Hiện còn 1/3 số các trường đại học công lập đảm bảo được một phần chi thường xuyên. Trong số 36 trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có 11 trường đảm bảo được chi thường xuyên và đầu tư (Nhóm 1), có 7 trường đảm bảo chi thường xuyên (Nhóm 2) còn lại là số trường đảm bảo một phần chi thường xuyên (Nhóm 3).

Do nguồn kinh phí hạn hẹp, chủ yếu chi cho con người (73%), chi cho tăng cường cơ sở vật chất (7%), chi cho hoạt động đào tạo (18%) nên việc chi cho thu nhập làm thêm giờ, tiền thưởng thấp (2%).

Thực tế hiện nay nguồn ngân sách cấp cho giáo dục đại học còn hạn chế, chỉ từ 4,33-4,74% trong tổng chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Việc đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế bởi tài chính chủ yếu chi cho con người (trên 70% kinh phí) cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học còn thấp, nhiều phòng thí nghiệm còn thiếu và lạc hậu so với yêu cầu. Chỉ một số rất ít trường quan tâm đến lĩnh vực này (hai Đại học Quốc gia và Đại học Bách Khoa Hà Nội) Việc liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học. Liên kết đào tạo với nước ngoài còn hạn chế; nhiều cơ sở liên kết nằm ngoài 1.000 trường đại học được xếp hạng; mặt khác, tuyển sinh đầu vào chất lượng chưa đạt với yêu cầu tuyển sinh (do mức học phí cao chưa thu hút được người học). Chương trình liên kết đào tạo chưa lan tỏa được chất lượng đào tạo với chương trình trong nước.

Hoạt động khoa học - công nghệ để phục vụ cộng đồng còn hạn chế, việc giải ngân cho các chương trình nghiên cứu còn nhiều thủ tục rườm rà, tốn thời gian, tạo tâm lý ngại đi sâu nghiên cứu, ngại chấp nhận rủi ro.

Việc đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng chưa thực sự tạo động lực để các trường phấn đấu vươn lên (mới có 266 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành đánh giá chu kỳ I, chỉ có 22 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành chu kỳ II). Việc đánh giá ngoài mới thực hiện được ở 172 cơ sở giáo dục đại học...

Tự chủ đại học theo yêu cầu đổi mới

Sau hội nghị về tự chủ đại học năm 2022, thực hiện các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước trong giai đoạn tới cần tiếp tục tăng cường nhận thức và hành động quyết liệt để tự chủ đại học góp phần đổi mới giáo dục đại học.

Tự chủ đại học phải gắn với quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đại học. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và xây dựng môi trường giáo dục, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Để tự chủ đại học đạt yêu cầu, cần nâng cao năng lực quản trị nhà trường. Trước tiên, cần có hệ thống văn bản pháp quy về công tác quản trị: Làm rõ hơn nữa vai trò của hội đồng trường, chủ tịch hội đồng. Có quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng hệ thống quản trị, quản lý nhà trường công khai, minh bạch, xây dựng môi trường đại học dân chủ, năng động, sáng tạo.

Tăng cường quản lý chất lượng. Triển khai khung trình độ quốc gia ban hành các chương trình đào tạo chuẩn phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, đổi mới hình thức và tăng cường hiệu quả thực hiện công tác công khai, minh bạch, kiểm tra, thanh tra và giám sát từ nội bộ đến hoạt động của Nhà nước đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Tăng cường đầu tư, phát triển các nguồn lực. Hoàn thiện các quy định trong cơ chế chính sách đầu tư và thu chi. Tăng cường khai thác các nguồn lực tài chính từ xã hội cho giáo dục đại học. Huy động các nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên.

Hội nghị về tự chủ đại học năm 2022 đưa ra một số đề xuất, kiến nghị:

Với quốc hội: sửa đổi luật ngân sách theo hướng: cho phép các đơn vị giáo dục đào tạo được chuyển số dư kinh phí sang năm sau để tiếp tục thực hiện đúng mục tiêu hỗ trợ cho người học. sửa đổi một số luật liên quan đến quy định về tỷ lệ việc sử dụng tài sản công để phục vụ cho yêu cầu quản trị nhà trường được tốt hơn. xem xét sửa đổi một số điều ở luật đất đai để tạo điều kiện cho cơ quan chủ quản phê duyệt các đề án liên quan đến quyền sử dụng đất phục vụ cho sự phát triển của cơ sở giáo dục và đào tạo. sửa đổi luật giáo dục đại học để làm rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường.

Có nghị quyết của đảng và chính sách của nhà nước để nâng dần tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. có chính sách đầu tư trọng điểm nhằm xây dựng một số cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế, có vai trò, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển về khoa học - công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.

Khuyến khích các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản quan tâm đầu tư cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, chú ý đến các cơ sở đào tạo sư phạm.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo coi tự chủ đại học là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong quản trị nhà trường.

Trần Bá Giao

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/tu-chu-dai-hoc-trong-qua-trinh-doi-moi-i705119/