Từ chối đồng USD, Moscow quyết định quá mạo hiểm

Moscow không nên đối phó với các biện pháp trừng phạt của Washington mà chỉ nên ứng phó, đặc biệt là cần tránh việc kinh tế hóa chính trị như Mỹ...

Reuters ngày 7/8 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov vừa cho biết chính phủ Nga sẽ tăng tốc độ làm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán của Mỹ và đồng USD trong việc giải quyết nhu cầu trong các hoạt động tài chính – thương mại.

"Chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động nhằm thay thế hàng nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán của Mỹ và đồng USD.

Nếu không thay đổi, chúng tôi sẽ luôn ngồi đòn bập bênh của Mỹ, phục vụ cho lợi ích của họ", ông Ryabkov lý giải.

Chính phủ Nga đã đưa ra một hệ thống thanh toán quốc gia mới - gọi là Mir - để giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của phương Tây như Visa và MasterCard, sau khi các nhà khai thác ngừng cung cấp dịch vụ này cho khách hàng Nga, nhằm tuân thủ các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov

Thẻ Mir được phát hành ở Nga, không có các yếu tố bên ngoài và theo số liệu của Hệ thống Thanh toán Quốc gia Nga (NSPK), đến nay đã có hơn 13,9 triệu thẻ Mir được phát hành ở Nga, hay khoảng 10% dân số cả nước.

"Hơn 380 ngân hàng tại Nga chấp nhận thẻ Mir. Tất cả các điểm thương mại và dịch vụ, bao gồm quán cà phê, cửa hàng, nhà hàng và trạm xăng đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ Mir. Thẻ Mir cũng được chào đón tại Crimea, nơi ngân hàng phương Tây bị cấm hoạt động", theo Reuters.

Đây được xem là phản ứng mới nhất của Moscow đối với luật trừng phạt Nga của Washington mà Tổng thống Donald Trump vào tuần trước đã phải miễn cưỡng ký ban hành. Luật trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng của Nga, với những giới hạn mới về đầu tư của Mỹ vào các công ty của Nga.

Theo giới phân tích, hành động mới nhất này chỉ là một quyết định bất đắc dĩ của Moscow, nó như một giải pháp tạm thời nhằm tạo ra một hàng rào bảo vệ nền kinh tế Nga trước nguy cơ Mỹ có thể sử dụng các công cụ tài chính nguy hại, mà có thể đưa kinh tế Nga rơi vào cảnh “1 bước lùi dài hơn 3 bước tiến”.

Tuy nhiên, đây được xem là biện pháp “kinh tế hóa chính trị” - Moscow chọn mặt đối mặt với Washington, trong bối cảnh tiểm lực kinh tế Nga còn rất nhỏ so với kinh tế Mỹ và lợi ích kinh tế trong quan hệ Nga - Mỹ cũng rất nhỏ - khiến cho hành động của Moscow trở nên quá mạo hiểm.

Thứ nhất, các thực thể kinh tế của Nga, nền kinh tế của nước Nga bị mất đi nhiều cơ hội, lợi ích sau quyết định của chính phủ Nga

Phải thấy rằng, việc đồng USD là một phương tiện thanh toán phổ biến trong hệ thống thanh toán quốc tế do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ đơn thuần là sức mạnh kinh tế Mỹ cũng như tác hiệu từ các công cụ tài chính của chính phủ Mỹ.

Sau hơn 70 Bretton Woods - một hệ thống tài chính bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng USD - ra đời (năm 1944) cho đến nay, việc sử dụng đồng USD cho thanh toán đã trở thành tập quán trong hoạt động thương mại và tài chính quốc tế.

Cho dù Kế hoạch Marshall tái thiết Châu Âu đã tạo điều kiện cho nhiều ngoại tệ mạnh khẳng định vị thế trong hệ thống dự trữ và thanh toán quốc tế như bảng Anh (GBP), mác Đức (DM), franc Pháp (FRF), rồi đồng euro (EUR) ra đời cũng không làm thay đổi tập quán “thích” USD.

Cũng như vậy, khi kinh tế Nhật, rồi sau này là kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng và cạnh tranh mạnh mẽ với kinh tế Mỹ, song đồng yên Nhật (JPY) hay đồng nhân dân tệ (CNY) cũng không khiến cho đồng USD bị cạnh tranh bao nhiêu trong hệ thống dự trữ và thanh toán quốc tế.

Trước nghị quyết của Hội đồng Tổng Giám đốc IMF ngày 30/11/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, tỷ trọng của 4 đồng ngoại tệ mạnh trong giỏ tiền tệ quốc tế - hệ thống dự trữ quốc tế - là đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật lần lượt là 41,9%, 37,4%, 11,3% và 9,4%.

Sử dụng đồng USD đã trở thành tập quán trong thương mại quốc tế

Còn sau ngày 1/10/2016 tỷ trọng của 5 đồng ngoại tệ mạnh trong hệ thống dự trữ quốc tế thay đổi như sau: đô la Mỹ là 41,73%, euro là 30,98%, nhân dân tệ là 10,92%, yên Nhật là 8,33% và bảng Anh là 8,09%.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, thanh toán bằng đồng USD vẫn chiếm tới 44,8% giao dịch trong hoạt động thương mại quốc tế, đó là chưa tính đến những giao dịch tiểu ngạch không thể kiểm soát. Do đó, nếu tính tất cả thì tỷ lệ sử dụng đồng USD có thể chiếm tới 60% trong hoạt động thanh toán thương mại toàn cầu.

Điều đó cho thấy, việc sử dụng đồng USD cho thanh toán của một thực thế kinh tế không còn phụ thuộc vào việc thực thể kinh tế đó kết nối với hế thống tài chính Mỹ, hay quan hệ với kinh tế Mỹ.

Do vậy, việc Nga giảm sử dụng đồng USD cho hoạt động thanh toán là một lựa chọn bị chi phối bởi yếu tố chính trị, qua đó tự bó mình lại và đồng thời làm mất đi cơ hội cho kinh tế Nga, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại.

Giới phân tích cho rằng, chính phủ Nga có thể làm giảm sự phụ thuộc của kinh tế Nga vào “yếu tố Mỹ” qua việc gia tăng các phương tiện thanh toán thay cho tiền mặt và việc xây dựng hệ thống thanh toán quốc gia mang tính độc lập.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tu-choi-dong-usd-moscow-quyet-dinh-qua-mao-hiem-3340731/