Từ Barca đến HAGL: Thắng bại tại ai?

Thật khập khiễng để so sánh Barca và HAGL về tầm vóc và trình độ, nhưng về người hâm mộ, sân Thống Nhất hơn đứt Camp Nou giữa tuần qua…

Nỗi ê chề của Barca

“Những bậc thềm Camp Nou vẫn âm vang tiếng rên siết của người Catalonia thống khổ dưới ách cai trị của độc tài Franco”, Eduardo Galeano, ký giả lừng danh người Uruguay từng viết. Đó là cách miêu tả thật đặc sắc về phần hồn của sân vận động vĩ đại này. Người dân xứ sở này đến sân không chỉ cổ vũ cho đứa con tinh thần trên sân cỏ mà còn thể hiện khát vọng độc lập. Khắp tinh cầu, không nhiều sân bóng được thổi hồn để trở thành huyền thoại và đáng gọi là thánh địa của túc cầu như vậy.

Giữa tuần qua, sự thiêng liêng của thánh địa Camp Nou vơi đi ít nhiều, khi Barca đại bại 0-3 trước Franfurt và bị loại tại tứ kết Europa League. Nỗi ê chề ghê gớm nhất đối với gã khổng lồ xứ xứ Catalonia là “sự xâm lăng” của người Đức trên “những bậc thềm rên siết”. Bằng một cách nào đó, sân nhà của Barca lại bị phủ trắng bởi 30.000 CĐV Franfurt, trong khi chỉ có 5.000 vé được bán ra cho CĐV đội khách.

“Bầu không khí chẳng giúp chúng tôi khá hơn. Nó ảnh hưởng đến cả đội và Barca đã chơi không tốt. Nhưng đó không phải là cái cớ để bao biện, chúng tôi cũng phải chúc mừng Frankfurt. Họ đã chơi tốt hơn. Đây giống như một trận chung kết vậy, khi SVĐ chia làm hai phe. Thật đáng thất vọng. Các cầu thủ nói về chuyện này, họ muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi sẽ phải tìm kiếm lời giải thích cho việc này”, HLV Xavi Hernandez, người đang đưa Barca hồi sinh mạnh mẽ cay đắng thừa nhận.

Trong khi đó, chủ tịch Joan Laporta phải thốt lên: "Những gì đã xảy ra trên khán đài là một nỗi ô nhục không thể lặp lại. Xavi nói đúng, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi phải xem lại thông tin và có biện pháp xử lý. Thật đáng tiếc. Tôi xin lỗi, chúng tôi đang xử lý và sẽ sớm đưa ra lời giải thích".

HAGL ra sân với sự cổ vũ của hơn 1 vạn khán giả trên sân Thống Nhất

Tình yêu người hâm mộ, nỗ lực HAGL

Hôm qua, HAGL bắt đầu chuyến phiêu lưu tại AFC Champions League, đấu trường danh giá nhất của bóng đá châu Á ở cấp CLB. Chênh lệch trình độ giữa đội bóng phố núi so với đương kim á quân J-League Yokohama F. Marinos, á quân A-League Sydney FC hay ĐKVĐ K-League Jeonbuk Hyundai là điều thấy rõ. Một bất lợi khác nữa cho thầy trò Kiatisuk là không được thi đấu trên sân nhà Hàm Rồng. HAGL phải hành quân xuống sân Thống Nhất thi đấu.

Dù vậy, người hâm mộ đã không bỏ rơi đứa con Phố núi. Cháy vé. Hơn 1 vạn khán gián nêm kín cầu trường sân Thống Nhất. Hình ảnh hàng dài xếp hàng chờ bước vào sân gợi nhớ nhiều về hiện tượng U19 HAGL JMG thuở nào. Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của những cổ động viên xa xứ nhưng không hề xa lạ ấy, HAGL đã chơi một trận đấu quả cảm trước Yokohama F. Marinos. Thất bại 1-2 vừa phản ánh chênh lệch trình độ giữa hai đội vừa cho thấy nỗ lực của các cầu thủ đội bóng phố Núi.

“Thật không may mắn khi HAGL thua sớm 2 bàn. Tuy nhiên, các cầu thủ của chúng tôi cũng đã cố gắng thay đổi và có bàn thắng rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2. Sau đó, chúng tôi thiếu may mắn khi có cơ hội nhưng không ghi được bàn thắng. Chúng tôi thua trận đầu tiên nhưng đây là trận đấu hay. Tôi vui và tự hào về màn trình diễn của các học trò”, phát biểu sau trận đấu, HLV Kiatisuk vừa tiếc nuối vừa tự hào về các học trò.

Cũng vừa hay, mạng xã hội đang xuất hiện trào lưu nhắc nhớ kỷ niệm thời ứng dụng Yahoo! còn thịnh hành. Những hình ảnh của “chúng ta” 10 năm trước bỗng quay về hiển hiện với ít nhiều xao xuyến. “10 năm như một bức họa chỉ mong rằng trời đỡ xám hơn”, một tay rapper cự phách đã viết. Còn nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn thì bồng bềnh:

10 năm chân bước trên đường dài

Gặp nhau không nói không nụ cười

Chút tình hiu hắt bay…

Tuấn Anh và đồng đội đã thi đấu hết sức nỗ lực

Cũng may là trời đỡ xám hơn

10 năm trước, bóng đá Việt Nam chạm đáy bởi thất bại ê chề. AFF Cup 2012 bị xem là ký ức đen tối nhất của đội tuyển quốc gia. ĐT Việt Nam bị loại ngay tại vòng bảng với vỏn vẹn 1 điểm, thành tích tệ nhất lịch sử tham dự các kỳ AFF Cup. Chúng ta không chỉ thua Thái Lan mà còn thua cả Philippines. Các tuyển thủ ra sân với những đôi chân đeo chì, vì tâm lý, vì bệnh ngôi sao và vì xung đột bè phái hậu trường. Gần như mọi ung nhọt đều phát lộ trên bộ mặt của nền bóng đá nước nhà.

Hệ quả là sự quay lưng, thờ ơ và lãnh đạm của người hâm mộ, bi kịch lớn nhất đối với mọi đội bóng trên thế giới này. Và rồi trong bầu không khí ngột ngạt ấy, U19 HAGL JMG xuất hiện như một cơn gió mát lành. Lối đá tấn công tận hiến, sự trong trẻo trong cách chơi bóng và những chiến thắng đẹp đẽ là hồi chuông ngân vang đánh thức tình yêu bóng đá nước nhà của hàng triệu người hâm mộ. Cháy vé. Những sân bóng nêm kín khán giả. Và hàng dài người hâm mộ xếp hàng. Những mầm mơn mởn đã nở trên cành cây khô héo của bóng đá Việt Nam.

10 năm, thế hệ vàng của U19 HAGL năm nào đã trở thành trụ cột của HAGL nhưng cũng trải qua bao va vấp cuộc đời. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Thanh không còn là những chàng trai trẻ được người hâm mộ cả nước nâng niu. Họ đã là những cầu thủ trưởng thành trong sương gió, cô độc mỗi khi ra nước ngoài thi đấu, đau đớn mỗi lần dính chấn thương nặng, và cay đặng mỗi khi bị chỉ trích, thậm chí mạt sát vì mắc sai lầm hoặc sa sút phong độ.

Thật may, những chàng trai vàng thuở nào vẫn vững bước trên con đường đã chọn. Bên cạnh đó, cho dù “chút tình hiu hắt bay”, rất đông người hâm mộ vẫn yêu mến và ở bên cạnh những cầu thủ HAGL. Sức hút của đội bóng này vẫn là điều không một CLB nào khác có được. Đó là phần thưởng xứng đáng cho bước đi khai phá đầu tư vào đào tạo cầu thủ trẻ một cách bài bản và có triết lý.

HAGL có thể ngẩng cao đầu rời sân Thống Nhất

Vĩ thanh

10 năm, có lẽ nhiều CĐV đã hình dung rõ hơn về bóng đá như một bức họa. Nền tảng là bóng đá trẻ và đội tuyển quốc gia là cái chóp cao nhất. Đào tạo trẻ tốt mới tạo nên ĐTQG thành công. Đội tuyển Việt Nam là minh chứng. Thành quả chói lọi của Những chiến binh sao vàng trong vài năm qua là kết tinh từ thành công của một hoạt hệ thống đào tạo trẻ, nổi bật nhất là HAGL với lứa U19 JMG và các lò đào tạo vệ tinh của CLB Hà Nội v.v..

Một khía cạnh khác, nguồn lực để một nền bóng đá phát triển hay một ĐTQG hoặc một CLB thành công luôn là người hâm mộ. Sự cổ vũ to lớn của CĐV không đơn thuần là tiếp thêm tinh thần cho các cầu thủ mà còn tạo động lực cho họ thi đấu. So sánh Barca và HAGL là quá khập khiễng, nhưng về người hâm mộ, giữa tuần qua CĐV trên sân Thống Nhất hơn đứt CĐV trên thánh địa Camp Nou. Đó là chiến thắng lớn nhất của HAGL tại AFC Champions League.

Nguyễn Ngọc Trung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-barca-den-hagl-thang-bai-tai-ai-a550083.html