Từ bài văn tả mẹ hóa bố: Cha mẹ đừng biến con cái thành công cụ trả thù

Bài văn tả mẹ nhưng lại ra bố của một cậu bé được đang tải trên mạng đang tạo thành 'cơn bão' thương cảm. Nhưng đằng sau nó lại ẩn giấu 'cuộc chiến'tinh vi giữa một cặp vợ chồng đã ly hôn mà đứa con bị đem ra làm 'vũ khí' để làm tổn thương đối phương.

Cuộc sống cũng nhiều câu chuyện cha mẹ lấy con làm công cụ trút hận vợ (chồng cũ), thậm chí là bạn đời "đương chức".

Tôi đã từng nhận được sự cầu cứu của một người mẹ mà hằng ngày chị chỉ có thể cầm tay con qua “lỗ chó”. Chị cho biết, hai anh chị là đều là công chức nhà nước, kết hôn được 10 năm và sinh được 2 đứa con 1 gái, 1 trai. Trong đánh giá của họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, anh ta là người lịch thiệp, nhẹ nhàng, tốt bụng. Chính chị cũng bị lừa về điều đó nên nhận lời yêu đương và tin tưởng gửi gắm tương lai vào tay anh ta.

Nhưng chỉ sau đám cưới, chị gần như bị bóp nghẹt trong cái gọi là tình yêu của chồng. Anh ta kiểm soát chị từng chiều dài của mái tóc, độ bó của áo hay cúc cổ cao - thấp. Chồng chị cũng yêu cầu vợ đưa lương rồi quản lý từng đồng, từng hào. Từ khi yêu, chị đã cắt đứt toàn bộ các liên hệ với bạn nam, đồng nghiệp nam vì người yêu luôn hờn giận, đau khổ bảo: “em đẹp thế, anh sợ người khác sẽ quyến rũ em đi mất”. Sau khi đám cưới, chị cũng cắt đứt với nhiều bạn gái thân thiết vì chồng cho rằng chị “đàn đúm, bà tám chỉ gây chuyện xích mích, nói xấu chồng con, gây mâu thuẫn”.

Quá ngột ngạt, nhiều lần chị định ly hôn nhưng anh ta lại van xin chị tha thứ, biện minh rằng anh ta yêu chị, không muốn mất chị. Anh ta cũng đối xử với bố mẹ họ hàng gia đình chị rất chu đáo, giúp bố chị mổ tim thành công, em chị xin được việc tốt nên chị càng khó bỏ chồng. Tiếp đó, chị lại có mang, sinh con. Anh ta vừa khuyên, vừa ép chị bỏ việc, ở nhà trông con, làm osin.

Trong cuộc chiến của cha mẹ, người vô tội đau khổ nhất chính là đứa trẻ vì chúng không thể lựa chọn ghét bỏ ai (Ảnh minh họa IT)

Chị sẽ tiếp tục nhận sự kiểm soát của chồng nếu như không có lần chị vô tình tiếp chuyện một nam hàng xóm ở cửa nhà. Câu chuyện khá hóm hỉnh, nên chị không ngừng cười vui vẻ. Khi chồng chị đi làm về, anh ta cười rất tươi với chị và tiếp chuyện hàng xóm vài câu. Nhưng ngay khi cánh cửa buồng ngủ đóng lại, anh ta bắt đầu tra tấn cấu véo chị. Anh ta cấu vào đùi non, cắn vào ngực chị đến mức chảy máu, cả người chị trừ những chỗ hở bên ngoài quần áo, còn lại luôn loang lổ những vết răng, vết cấu bầm tím.

Chị sợ hãi đến chết lặng mỗi khi nhìn thấy chồng nhìn mình mỉm cười. Vì thế, chị nhất quyết ly hôn, dù phải ra đi với hai bàn tay trắng. Vì chị không có việc làm, không có nhà (nhà chị ở đứng tên bố mẹ chồng) nên chồng chị ra tòa đòi quyền nuôi hai con, một đứa 8 tuổi, một đứa 5 tuổi. Anh ta cũng ngăn cấm chị gặp các con và thách thức: “Nếu cô bỏ tôi thì tôi sẽ cho cô mất tất cả”. Lòng chị như sát muối khi chỉ hai tuần chị lén đến trường gặp con, đứa con trai 8 tuổi của chị đã mắng chị: “Bà bỏ nhà đi theo trai thì đi luôn đi. Bà không phải mẹ tôi”. Chị biết sự căm thù đó do ai tiêm nhiễm.

Còn đứa con gái mới 5 tuổi ngây thơ vẫn thèm có mẹ. Nhưng chị chỉ có thể lén lúc anh ta đi làm, nhốt con trong nhà mà đến gặp con. Hai mẹ con cách nhau một cánh cửa kín mít, chỉ còn 1 lỗ chó cho chó chui. Chị và con nằm rạp xuống đất, nắm tay nhau qua lỗ chó. “Con gái tôi khóc và nói “Con muốn mẹ ôm con” - chị kể mà giàn dụa nước mắt.

Nhờ sự can thiệp của các đoàn thể, rồi chị ấy thi thoảng cũng được gặp con. Nhưng đứa con gái vốn khao khát một cái ôm của mẹ nay chỉ đứng cách mẹ vài mét, ánh mắt xa cách. Còn đứa con trai luôn miệng ghét bỏ mẹ. Nhưng chị cũng không muốn kiện cáo, đôi co ầm ĩ thêm nữa vì mỗi lần như vậy, con chị sẽ lại bị mang ra “thẩm vấn”, các con sẽ càng bị tổn thương.

Hiện giờ chị đang đi thuê nhà, bán trà đá nhưng chị vẫn hy vọng có ngày giành lại được con. Hy vọng đến một ngày con chị sẽ hiểu nỗi đau lòng, bất lực của mẹ.

Khi biến con mình thành vũ khí để tấn công chính người mà các con yêu thương, khiến chúng quay sang thù địch mẹ (bố), những người đàn ông (đàn bà) tự đánh mất chính tình yêu và sự kính trọng của các con. Vì khi đứa trẻ hiểu ra thì lúc đó, bầu trời sẽ sụp đổ lên đầu người “ném đá giấu tay”. Còn nếu như đứa trẻ mãi mãi sống trong thù hận người đã sinh ra mình, chúng cũng không thể cảm nhận được hạnh phúc.

Nếu vì con, cha mẹ dù ghét bỏ, giận dữ nhau thế nào cũng không nên “cắn xé” tình yêu của chính mình.

“Thật đau lòng khi trẻ con bị đem ra làm công cụ để trả thù. Tôi biết không ít những vụ vợ chồng ly hôn rồi trả thù nhau như vậy. Họ nhồi vào đầu đứa trẻ những điều tổi tệ tường tượng về mẹ/cha nó. Họ nuôi dưỡng sự hờn giận, căm ghét mẹ/cha của nó. Ghê tởm hơn là họ còn dạy đứa trẻ làm những việc vô luân, khiến nó nói những lời lẽ cay độc, mạt sát mẹ/cha mình, xa lánh, hắt hủi họ. Nhưng mình cũng khuyên các mà mẹ/ông bố bị rơi vào hoàn cảnh này là đừng tuyệ̣t vọng. Khi con lớn nó sẽ hiểu.

Còn bây giờ, bạn hãy sống kiên cường và đừng bỏ qua cơ hội tạo dựng hạnh phúc cho mình. Đừng quá bi lụy và chỉ tìm mọi cách để lấy lại tình cảm của con. Làm như vậy bạn đã trúng kế của người kia. Họ chỉ muốn trả thù bạn thôi mà. Nếu bạn tỏ ra bình tĩnh, chừng mực, họ sẽ cụt hứng. Và đến một lúc nào đó họ sẽ dừng trò trả thù hèn hạ, có thể là vì mệt mỏi, có thể là họ đã tỉnh ngộ và nhận ra việc làm đó của họ không phải thể hiện tình thương của với con mà là tước đi của nó tình thương và sự chăm sóc của mẹ/cha nó. Họ sợ sau này đứa trẻ sẽ oán trách họ” – TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội ISDS.

Diệu Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/gia-dinh/tu-bai-van-ta-me-hoa-bo-cha-me-dung-bien-con-cai-thanh-cong-cu-tra-thu-748401.html