TTCK: Tăng cường giám sát, xử lý

Từ 1-4, Thông tư 226 của Bộ Tài chính quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các công ty chứng khoán (CTCK) đã chính thức được áp dụng. Trao đổi với ĐTTC, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh (thuộc UBCKNN), cho biết cùng với đề án tái cấu trúc CTCK, 2012 được xem là năm trọng tâm, ưu tiên hàng đầu cho công tác tăng cường quản lý các hoạt động của tổ chức trung gian trên TTCK.

Tiến tới hoạt động theo thông lệ quốc tế

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, UBCKNN đã có những bước triển khai ra sao khi đề án tái cấu trúc CTCK được thông qua?

Ông PHẠM HỒNG SƠN: - Để chuẩn bị cho việc tái cấu trúc CTCK, về mặt cơ chế chính sách chúng tôi đang hoàn thiện văn bản pháp lý với 3 trụ cột.

Thứ nhất, UBCKNN đang gấp rút xây dựng thông tư sửa đổi Quyết định 27 về quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK. Thông tư này bắt đầu xây dựng từ năm 2011 nhưng nay chúng tôi tiếp tục bổ sung vì có một số điểm mới liên quan đến quản trị rủi ro, vấn đề hạn chế đầu tư, vay, tái cơ cấu CTCK, quản lý tiền…

Những nội dung sửa đổi cơ bản này đang được lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi đưa ra cho các thành viên thị trường góp ý.

Thứ hai, UBCKNN đang gấp rút xây dựng quy chế về quản lý rủi ro đối với CTCK theo thông lệ quốc tế. Tất nhiên, trước đây các CTCK đã tự xây dựng quy định của mình về quản lý rủi ro, nhưng nay chúng tôi vẫn đưa ra một quy định mang tính chuẩn mực chung để các CTCK tùy theo mức độ hoạt động của mình xây dựng lại. Dự kiến trong quý III hoặc IV-2012 quy chế này sẽ ban hành.

Thứ ba, UBCKNN sẽ xây dựng và ban hành một quy chế về cảnh báo từ xa để phân loại, đánh giá CTCK. Thông tư 226 chỉ phân loại, đánh giá CTCK trên cơ sở vốn khả dụng, liên quan đến thanh khoản, nhưng CTCK còn nhiều khoản mục khác về vấn đề tài chính.

Một bộ chỉ tiêu về cảnh báo từ xa để tăng cường kiểm tra, giám sát sẽ giúp chúng tôi đánh giá tình hình CTCK hoạt động ra sao, những hệ lụy khi phá sản. Chẳng hạn, với một CTCK có 100.000 tài khoản hay 5.000 tài khoản nếu phá sản sẽ gây hệ lụy ra sao. Các bộ chỉ tiêu này sẽ được xây dựng dựa trên chuẩn mực quốc tế có áp dụng đặc thù của Việt Nam.

- Kể từ ngày 1-4-2011, Thông tư 226 đã được đưa ra để các CTCK tự tính toán, đánh giá nhưng thời gian chính thức được áp dụng với các chế tài mạnh bắt đầu từ ngày 1-4-2012. Vậy so với những tính toán trước đây của CTCK, đến thời điểm này có gì thay đổi trong cách tự đánh giá của CTCK?

- Về vốn khả dụng, theo tính toán, báo cáo của CTCK tương đối ổn, tuy nhiên, vẫn có một số CTCK do cách hiểu khác nhau nên tính toán sai. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã làm việc với 40 CTCK để họ giải trình, chứng minh lại cách tính toán của mình khi chúng tôi nghi ngờ.

Trong một tháng qua, chúng tôi liên tục mời các CTCK với các đại diện là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, kế toán trưởng để làm việc. Về cơ bản theo tính toán của các CTCK, chỉ xê dịch các tỷ lệ % về an toàn tài chính chứ không sai sót nhiều và phần lớn sau khi kiểm tra lại đều hạ xuống như trước đây.

Chẳng hạn báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro là 230%, nhưng khi rà soát lại chỉ 180% hay 160%. Thậm chí khi chúng tôi yêu cầu kiểm toán các số liệu, nhiều CTCK chấp nhận ngay kiểm toán lại chỉ tiêu an toàn tài chính tại thời điểm 31-3 hay 31-12 vì bản thân họ cũng muốn minh bạch hóa hoạt động của mình.

Mặt khác, ngay trong những vấn đề chưa thống nhất nhau về số liệu giữa UBCKNN và CTCK, bản thân CTCK cũng muốn thuê kiểm toán để kiểm toán lại các tỷ lệ đó và xác định muốn hoạt động lâu dài phải minh bạch. Sau khi làm việc với 40 CTCK có nghi ngờ về cách tính toán, hơn 60 CTCK còn lại chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc.

Minh bạch hóa thị trường

- Theo cách tính toán và báo cáo của các CTCK, UBCKNN đã phân loại được các CTCK theo các nhóm và dự định bao giờ công bố?

- Hiện chúng tôi đang xem xét, có thể đầu tuần này sẽ công bố đợt đầu những CTCK thuộc diện kiểm soát đặc biệt để đảm bảo quyền lợi khách hàng.

Sở dĩ việc này phải tiến hành thận trọng vì trên cơ sở báo cáo của CTCK, ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu báo cáo chúng tôi còn phải rà soát lại, thống nhất số liệu, tỷ lệ trên cơ sở họ báo cáo, để đảm bảo sự chính xác. Bên cạnh đó chúng tôi còn phải mời công ty kiểm toán vào cuộc để giúp đảm bảo các số liệu.

- Thưa ông, với những trường hợp CTCK báo cáo đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính nhưng lỗ 50% vốn chủ sở hữu có bị kiểm soát?

- Thông tư 226 được tính toán dựa trên cơ sở vốn khả dụng, nhưng nếu rơi vào tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và cộng thêm hết thời hạn 6 tháng kể từ khi ban hành quyết định mà vẫn có lỗ gộp trên 50% sẽ bị đình chỉ hoạt động.

- Giới đầu tư rất quan tâm đến tính minh bạch của khối CTCK, bởi từ trước đến nay chỉ có những CTCK đã niêm yết mới tuân thủ các quy định chặt chẽ về công bố thông tin còn phần lớn CTCK thì ngược lại. Giải pháp nào cho vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, thưa ông?

- Trong Thông tư 52 về công bố thông tin vừa được ban hành, chúng tôi đã đưa tính minh bạch của CTCK lên mức cao nhất so với Thông tư 09 về vấn đề này. Theo Thông tư 09, CTCK không phải là công ty niêm yết chỉ công bố báo cáo kiểm toán năm.

Với Thông tư 52, mặc dù CTCK không phải là công ty đại chúng, công ty niêm yết nhưng vì quản lý tiền của nhà đầu tư và hoạt động mang tính đại chúng, nên dù lớn hay bé, niêm yết hay không niêm yết cũng phải công bố thông tin với mức độ cao nhất như một công ty niêm yết.

Cụ thể, CTCK phải công bố báo cáo tài chính quý, báo cáo kiểm toán năm và soát xét. Không những vậy, sắp tới CTCK phải công bố tiếp vốn khả dụng theo Thông tư 226 và phải có kiểm toán nữa. Quan điểm của chúng tôi là minh bạch hóa hoàn toàn hoạt động của CTCK và các CTCK cũng đồng thuận chuyện đó. Như vậy thị trường cũng sẽ nhìn vào đó để biết CTCK thuộc nhóm nào.

Khó hợp nhất, sáp nhập

- Theo các báo cáo của CTCK, ông đánh giá ra sao về hoạt động của khối này?

- Bức tranh về CTCK trong quý I có khả quan hơn. Nhưng tính cạnh tranh khốc liệt vẫn còn đó. Bởi 20 CTCK chiếm 80% thị phần môi giới nên từng CTCK phải có hướng riêng của họ. Về phía cơ quan quản lý, ngoài việc chuẩn bị về mặt chính sách, sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, qua đó vừa giúp đỡ vừa xử lý các sai phạm.

Vừa rồi, khi gặp đại diện của 40 CTCK chúng tôi cũng đã bàn với họ cách thức để tái cấu trúc lại theo hướng ra sao. Trong quý I có 4 CTCK xin rút nghiệp vụ môi giới, chúng tôi đã ngồi làm việc với họ để thấy nếu tiếp tục làm sẽ khó vì tỷ lệ an toàn tài chính xuống thấp, ảnh hưởng đến khách hàng, thị trường.

Sắp tới sẽ còn một vài CTCK nữa xin rút nghiệp vụ môi giới. Đó là động thái mà các CTCK này tự nhận thấy không đủ sức trong cuộc chơi này nên tìm hướng đi khác. Việc rút nghiệp vụ môi giới cũng đồng nghĩa họ xóa sổ hoạt động. Đây là hệ quả của một loạt khó khăn các CTCK phải đối mặt trong năm 2011.

- Theo ông, liệu có diễn ra hoạt động mua bán, sáp nhập CTCK thời gian tới?

- Tôi nghĩ trong lĩnh vực này, việc sáp nhập, hợp nhất khó hơn. Về mặt quản lý UBCKNN khuyến khích các CTCK nhỏ sáp nhập để mạnh hơn. Tuy nhiên, việc này khác với ngân hàng. Ngân hàng còn có chi nhánh, hệ thống khách hàng nhưng CTCK khi “cụt” vốn, không có khách hàng, hệ thống công nghệ kém khó cho hoạt động sáp nhập, hợp nhất.

- Xin cảm ơn ông.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/ttck-tang-cuong-giam-sat-xu-ly/ct-512471