TS Việt kém vì đào tạo ít tiền: Việt Nam lạc đường

'Ngân sách tài chính không phải là thước đo chính xác cho chất lượng luận án tiến sỹ. Tài chính chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ'.

Quan trọng là chất lượng người hướng dẫn và NCS

PV:-Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, chi phí đào tạo cho 1 tiến sĩ của Việt Nam hiện nay quá thấp so với 1 số nước trong khu vực. Cụ thể, hiện đào tạo tiến sĩ trong nước là 15 triệu đồng/năm so với nước ngoài trung bình là 15.000 USD/năm. Theo những ý kiến này, chất lượng đào tạo TS còn kém, công bố quốc tế thấp đều do nguyên nhân trên. Quan điểm của ông ra sao trước vấn đề này?

GS Nguyễn Đăng Hưng:- Số công bố khoa học trực tiếp liên quan mật thiết đến chất lượng đào tạo tiến sỹ.

Khi một luận văn tiến sỹ không có gì mới, hay đề tài luận văn không phù hợp với trình độ quốc tế, hay người hướng vẫn luận văn chưa đạt chuẩn quốc tế thì đừng mong có công bố quốc tế trên những tạp chí có uy tín.

Cũng xin nói thêm là phần lớn các công bố quốc tế của người Việt (ít ra trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên) trong 10 năm gần đây là xuất phát từ các nghiên cứu sinh du học từ các nước tiên tiến trở về Việt Nam giảng dạy nghiên cứu.

Ngoài ra, rất nhiều những công trình công bố là những công trình đồng tác giả với các đồng nghiệp quốc tế, đặc biệt các giáo sư hướng dẫn nước ngoài.

Thử hỏi cái “Học Viện Khoa học Xã Hội” tại Hà Nội đã đào tạo hằng năm trên 350 tiến sỹ có mỗi năm bao nhiêu công bố khoa học quốc tế?

Tiền không quyết định chất lượng đào tạo tiến sĩ

Chỉ cần lướt qua các đề tài luận văn đã bảo vệ là ta biết ngay là con số sẽ không xa số không bao nhiêu. Đây chỉ là điểm đỉnh quái gở của các viện giáo dục cao học tại Việt Nam.

Những chỗ khác không đến nỗi như thế, nhưng vẫn còn kém quá xa so với các viện nghiên cứu tại Singapore, Malaya hay Thái Lan. Càng kém hơn nếu ta so sánh với các viện nghiên cứu ở các nước tiên tiến Âu-Mỹ.

Ngân sách tài chính không phải là thước đo chính xác cho chất lượng luận án tiến sỹ. Tài chính chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.

Quan trọng là năng khiếu của người thực hiện luận văn, nhất là chất lượng của người hướng dẫn và của cơ sở đào tạo. GS Ngô Bảo Châu sẽ khó được giải Field nếu không có người hướng dẫn là GS Gérard Laumon thuộc trường phái của Robert Langlands ở Paris bên Pháp.

Tuy tài chính có ảnh hưởng nhất định nhưng tôi dị ứng với việc gắn liền một cách máy móc tiền bạc với luận văn tiến sỹ. Bởi vì ngoài chuyện nhân sự đã nói, nó còn tùy ở ngành nghề, lĩnh vực. Nhà toán học lắm khi chỉ cần sách vở tham khảo, trang giấy trắng và cây bút chì trong khi nhà vật lý hạch nhân cần có những thiết bị khủng như máy gia tốc hạt tại trung tâm nghiên cứu hạch nhân Châu Âu (CERN).

Dĩ nhiên là số tiền 15 triệu VNĐ/năm cho một luận văn tiến sỹ là quá ít ỏi, nhưng tăng cường tài chính mà không để ý đến chất lượng bản thân đối tượng nhất là người thầy, người hướng dẫn thì cũng sẽ hoài công. Mà chất lượng thí sinh đòi hỏi một thời gian giáo dục bài bản nghiêm túc trải dài từ trung học lên đến đại học và đặc biệt chất lượng đào tạo của cấp thạc sỹ…

Bằng tiến sỹ ở VN để làm gì?

PV:-Thế nhưng, trước đây, các NCS đã từng chia sẻ thật về câu chuyện đào tạo tiến sĩ tại các trường, trong khi mức học phí đóng hàng năm chỉ dao động 15.000.000đ/năm, nhưng để có được tấm bằng tiến sĩ thì phải mất gần 1 tỷ đồng. Phải hiểu sự mâu thuẫn nói trên như thế nào, thưa ông? Thực tế, số tiền chi để đào tạo Tiến sĩ có ít ỏi như các trường đã nêu ra?

GS Nguyễn Đăng Hưng:- Thú thật tôi không muốn đi vào chi tiết về cách sử dụng tiền để có bằng tiến sỹ tại Việt Nam. Lý do là vì tôi quá biết và đã có chứng kiến chế độ phong bì trong học vấn, nguyên nhân của tất cả lệ lụy bi đát của tình hình hiện nay.

Khi tôi nói đến chất lượng của người hướng dẫn và cơ sở đào tạo tôi đã mặc nhiên loại trừ những yếu tố nhân sự và cơ sở liên quan đến tham nhũng.

Thật vậy, cấp bằng tiến sỹ cho người không xứng đáng là phá hoại, theo tôi, phải coi như hành động tham nhũng có tổ chức…

PV:- So sánh với nước ngoài, họ đang đào tạo Tiến sĩ theo tiêu chuẩn và quy trình như thế nào? Ở họ, có chuyện đào tạo tiến sĩ đại trà hay không, xin ông phân tích cụ thể?

GS Nguyễn Đăng Hưng: - Làm gì có chuyện đào tại tiến sỹ đại trà tại các nước phát triển. Đây chỉ là một phát minh mới của các vị lãnh đạo giáo dục Việt Nam. Chỉ mới đây thôi, Bộ GD&ĐT còn hăng hái lăng xê kế hoạch đào tạo 20 ngàn tiến sỹ cho đến năm 2020.

Đây là một những triệu chứng đáng buồn của tư duy đào tạo nhân tài cho đất nước. Vấn đề là đào tạo tiến sỹ để làm gì?.

Ở các nước phát triển bằng tiến sỹ chỉ cần cho việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Còn các chức vị chính quyền, các vị trí lãnh đạo trong xí nghiệp nhà máy thì không cần cái bằng ấy mà chỉ cần người biết việc, biết làm, có kinh nghiệm và đầu óc tổ chức.

Mà vì chỉ cần để đi dạy đại học thì không cần phải tổ chức phân phát bằng đại trà. Một lý do đương nhiên là làm sao có đông đảo giáo sư hướng dẫn có chất lượng như tôi đã nói ở trên cho đông đảo các ứng viên tiến sỹ?

Việt Nam đã đi lạc đường khi coi tiến sỹ là một cấp bậc cần thiết cho uy tín cá nhân, không gắn liền với chức năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Ngày nào tư duy sai lạc này còn trường tồn thì ngày ấy bằng tiến sỹ ở Việt Nam có khả năng liên quan đến yếu tố tham nhũng.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/ts-viet-kem-vi-dao-tao-it-tien-viet-nam-lac-duong-3323137/