Truyền thông sát cánh cùng du lịch phát triển bền vững

Ngày 7/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức tọa đàm 'Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch'.

Quang cảnh tọa đàm.

Năm 2023 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam với lượng khách nội địa và khách cả thị trường khách quốc tế. Đóng góp vào sự phục hồi đó, công tác tuyên truyền đã khẳng định được vai trò trong việc xúc tiến, quảng bá, chất lượng du lịch.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ sau 3 quý đầu năm, ngành du lịch đã vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế của cả năm 2023. Từ kết quả tích cực đó, theo nhận định của các chuyên gia về du lịch, Việt Nam năm 2023 có thể đạt chỉ tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế là khả thi và là tiền đề, động lực phát triển cho các năm sau.

Đạt được kết quả trên, có vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền. Truyền thông có vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển du lịch nói chung và phát triển bền vững du lịch di sản nói riêng.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của tuyên truyền đối với sự phát triển của du lịch. Du lịch đang có nhiều thay đổi, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Chúng ta thay đổi từ những chính sách của Chính phủ, những việc làm cụ thể của các doanh nghiệp… Cuối cùng chúng ta mang lại cho xã hội những nhận thức mới gì về du lịch? Đó là công tác truyền thông của chúng ta cần đảm nhiệm.

“Có những thay đổi, không chỉ tác động đến ngành du lịch mà tác động đến cả hoạt động của xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ của những người làm công tác truyền thông trong du lịch là vô cùng quan trọng. Từ trước đến nay, do chúng ta làm riêng lẻ, không có nhạc trưởng để có thể điều hành toàn bộ công tác truyền thông trong du lịch, vì thế mỗi người nói theo một suy nghĩ của mình, làm giảm tác động của những chính sách chung. Mỗi chính sách ra đời không thể tác động được ngay lập tức mà phải có quá trình chuẩn bị, truyền thông lan tỏa những ý nghĩa tích cực của nó đến với các cộng đồng dân cư. Có nhiều việc phải thông qua truyền thông để có thể liên kết các lực lượng xã hội, liên kết các tổ chức kinh tế lại với nhau thì khi đó mới có thể đẩy mạnh được du lịch phát triển. Đối với những người làm công tác truyền thông, cần khách quan hơn đối, đánh giá mọi việc làm rõ ràng” - ông Bình nói.

Ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, việc đầu tiên chúng ta cần truyền thông về điểm đến. Trong điểm đến sẽ bao gồm tất cả yếu tố liên quan đến môi trường, cảnh quan, các dịch vụ đi kèm… một số các quốc gia sẽ áp dụng mô hình truyền thông điểm đến.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Công Hoan - CEO Flamingo Redtours cho rằng, chúng ta tuyên truyền những dịch vụ tốt, những trải nghiệm hay và ngược lại chúng ta phát hiện những điều xấu xí, những hành vi chưa chuẩn mực… để phê phán, góp phần giảm đi những hành động xấu xí đó. Qua truyền thông quảng bá, ngành du lịch, những người cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thấy được những hạn chế để điều chỉnh để tốt hơn. Trong năm 2024, ngành du lịch cần thực hiện chiến dịch truyền thông lớn hơn. Để có nguồn khách lớn thì rõ ràng chi phí truyền thông rất là quan trọng. Chúng ta đưa ra những mục tiêu đón khách, đầu tư nhiều chương trình xúc tiến quảng bá nhưng chúng ta chưa bao giờ đưa ra mục tiêu đầu tư xúc tiến mất bao nhiêu tiền. Nếu chúng ta không có kinh phí xúc tiến, không có kinh phí truyền thông thì không thể thực hiện được…

P.Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/truyen-thong-sat-canh-cung-du-lich-phat-trien-ben-vung-5743425.html