'Truyền thống 53 giây' khiến ngoại trưởng Nhật bỏ cuộc họp G20

Ngoại trưởng Hayashi đã bỏ qua hội nghị G20 để có mặt trong kỳ họp Quốc hội, điều này gợi nhắc tới một vấn đề đáng quan ngại hơn trong văn hóa lao động Nhật Bản.

Nhật Bản vẫn luôn nổi tiếng là quốc gia gìn giữ kỷ luật với nhiều truyền thống đẹp, từ thói quen tự dọn dẹp lớp học sau khi hết giờ của học sinh đến những bài hát nồng nhiệt chào đón khách hàng.

Tuy nhiên, theo cây bút Gearoid Reidy của tờ Bloomberg, Tokyo cũng có những truyền thống dường như đã không còn thức thời.

Vào ngày 1/3, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi đã bỏ qua một cuộc họp quan trọng của nhóm G20 tại Ấn Độ. Thay vào đó, ông xuất hiện tại cuộc họp của Ủy ban ngân sách Quốc hội, phù hợp với thông lệ lâu đời buộc toàn bộ nội các phải có mặt tại các sự kiện tương tự, ngay cả khi họ không được kỳ vọng sẽ trả lời câu hỏi.

Trong cuộc họp kéo dài 7 giờ, ông Hayashi chỉ mất 53 giây trả lời một câu hỏi duy nhất về nỗi cô đơn của người Nhật ở nước ngoài. Theo ông Reidy, có lẽ đây là một vấn đề cấp bách nhưng không thể tương xứng với những biến động chính trị trên thế giới, chẳng hạn xung đột Ukraine hay bất đồng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc về khinh khí cầu do thám.

Thế khó của ông Hayashi

Ông Hayashi vắng mặt tại Hội nghị ngoại trưởng G20 vào thời điểm sự hiện diện của Tokyo có ý nghĩa rất lớn.

Nhật Bản là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 tại Hiroshima, và tầm quan trọng địa chính trị của nước này đang tăng lên khi Tokyo có dự định tăng chi tiêu quốc phòng, phù hợp với kế hoạch của Mỹ và các đồng minh.

Năm 2022, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng thực hiện hai chuyến công du đến Nhật Bản. Trong cả hai dịp, ông đã hội đàm với Thủ tướng Fumio Kishida như một phần động thái có chủ ý tăng cường quan hệ với Tokyo.

Nhật Bản không tham dự Hội nghị ngoại trưởng G20 hôm 1/3. Ảnh: Reuters.

Với việc hội nghị được tổ chức tại Ấn Độ và có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc và Nga, các quan chức hẳn sẽ có nhiều vấn đề cần thảo luận từ xung đột Ukraine cho đến vụ khinh khí cầu do thám.

“Và chắc chắn sẽ có những câu hỏi về cam kết của Nhật Bản”, ông Reidy viết trên Bloomberg.

Song tác giả này cho rằng vấn đề rõ ràng không nằm ở ông Hayashi. Từ lâu, yêu cầu tất cả bộ trưởng tham dự cuộc họp của ủy ban ngân sách và các cuộc họp khác đã trở thành thông lệ.

Hiến pháp Nhật buộc các bộ trưởng phải xuất hiện trước quốc hội “khi sự hiện diện của họ là cần thiết để đưa ra câu trả lời hoặc giải thích”. Tuy nhiên, quy định đó được thực hiện thế nào phần lớn do truyền thống, hơn là các quy tắc thành văn. Trong quá khứ, các quan chức chỉ không xuất hiện khi nhập viện.

Tại cuộc họp hôm 1/3, 4 thành viên nội các không nhận được hỏi một câu hỏi nào suốt 7 tiếng.

Do đó, “đây là một truyền thống mà Nhật Bản nên loại bỏ”, ông Reidy viết.

Coi trọng sự hiện diện

Song vấn đề không chỉ nằm ở quan hệ đối ngoại, sự xuất hiện của Ngoại trưởng Hayashi trong cuộc họp hôm 1/3 lần nữa gợi nhắc đến một vấn đề lớn hơn trong văn hóa lao động.

Ông Reidy cho rằng trong bối cảnh truyền thống làm việc quá sức (presenteeism) được coi là nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động thấp của Nhật Bản, chính phủ cần nhấn mạnh tính hiệu quả và tập trung vào các ưu tiên nhất định.

Trong những năm tăng trưởng cao giai đoạn 1960-1980, văn hóa làm việc nhiều giờ đã góp phần mang lại nhiều thành tựu kinh tế cho Nhật Bản. Tuy nhiên, những năm gần đây, truyền thống này đã trở thành “cái gai” đối với họ, tác giả Kiyoshi Matsumoto viết trên Medium.

Số liệu thống kê về năng suất của quốc gia này đã tụt xuống cuối nhóm G7 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nhật Bản có truyền thống coi trọng văn hóa làm việc nhiều giờ tại văn phòng. Ảnh: Hiroo yamagata/Flickr.

Dữ liệu của OECD cho thấy trong năm 2017, người Nhật tạo ra 46,2 USD GDP mỗi giờ làm việc, thấp hơn mức trung bình của G7 là 61,7 USD. Năng suất thấp hơn đáng kể so với Đức (72,2 USD), Mỹ (72 USD) và gần bằng một nửa so với Ireland (99,5 USD).

“Trong văn hóa làm việc truyền thống của Nhật Bản, việc rời đi trước đồng nghiệp hoặc sếp của bạn là điều không thể chấp nhận. Điều này có thể gây ra một cuộc cạnh tranh thầm lặng và không lành mạnh xem ai sẽ là người cuối cùng rời văn phòng”, ông Davide Ravasi, giáo sư Chiến lược & Khởi nghiệp, Trường Quản lý UCL, thuộc Đại học College London, nói với Telegraph.

Ông Parissa Haghirian, giáo sư quản lý quốc tế tại Đại học Sophia (Tokyo), cũng chia sẻ với BBC rằng nhiều nhân viên tại Nhật Bản sợ không có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp nếu họ không làm việc chăm chỉ nhiều giờ tại văn phòng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực tư nhân đã có sự thay đổi. “Trái ngược với khuôn mẫu cũ, ngày càng ít người lao động nán lại văn phòng dù không có việc gì làm chỉ để đợi sếp về nhà trước khi họ có thể rời đi”, ông Reidy nhận định.

“Nhân viên thuộc thế hệ Gen Z ngày càng cau mày với những truyền thống như ‘làm việc ngoài giờ’. Theo một nghiên cứu, số giờ làm việc ngoài giờ đã giảm 50% tại các công ty trong thập kỷ qua”, ông dẫn chứng.

Song đối với các quan chức tại quận Kasumigaseki - nơi tập trung các cơ quan quyền lực của Nhật Bản - việc ngồi lại văn phòng qua 3h sáng, chuẩn bị câu trả lời cho các bộ trưởng xuất hiện trước quốc hội vẫn là điều thường thấy.

Ông Taro Kono, cựu Bộ trưởng Cải cách hành chính và Cải cách thể chế Nhật Bản, từng phàn nàn về thói quen làm việc này, theo Japan Times.

Ông cho rằng sự thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể là nguyên nhân khiến các nam quan chức trẻ tuổi thiếu động lực, khi cứ 7 người thì có một người có ý định bỏ việc trong vài năm.

“Chúng ta cần phân tích tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy và cần thay đổi điều gì. Tôi nghĩ điều quan trọng là làm cho phong cách làm việc ở Kasumigaseki trở nên rõ ràng hơn”, ông Kono cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2020.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truyen-thong-53-giay-khien-ngoai-truong-nhat-bo-cuoc-hop-g20-post1408542.html