Truyện ngắn Xác lá

Duẩn cố mở căng mắt cưỡng lại giấc ngủ đang chực ùa tới. Màn đêm lạnh buốt và hoang hoải.

Chiếc xe khách xẻ cánh đồng mịt mùng đi trong sự níu kéo vô vọng của Duẩn. Nó thấy mình bất lực. Nó cố dán chặt người vào ghế mà không sao kìm được chiếc xe đang lao đi. Đến Hà Nội thì trời tang tảng.

Duẩn cầu mong người đàn bà ấy không đón nó ở cổng viện nhưng... Cha Duẩn đã giao nó cho cô Soi rồi vội vã đi làm thủ tục nhập viện. Ngồi trên xe lăn, đôi mắt Duẩn nhắm hờ. Nó im lặng trong sự bủa vây của những nỗi đau dội về từ quá khứ và cả sự mường tượng tới tương lai.

*****

“Anh Bình! Anh trói con Hương lại…”, Soi thét lên đứt đoạn. Bình bỏ vội bát cháo đang xúc cho Duẩn sấn tới. Bàn tay săn chắc của anh lóng ngóng, xoay xở… Soi khóc sụt sùi.

Ông Hưng khoác chiếc áo blouse, cầm khay kim kiên nhẫn đứng chờ. Chừng như hiểu ý, Bình kiên quyết xiết mạnh mối khăn cột chặt hai cổ tay bé Hương vào thành giường lạnh toát. Rồi hai chân con bé cũng được cột chắc vào thanh sắt ngang sau khi đã cẩn thận luồn qua hai cái lỗ hình chữ nhật để đảm bảo rằng dẫu có quẫy đạp thế nào cũng không thoát ra được.

Ông Hưng vẫn điềm nhiên. Ông cẩn thận lau bông thấm cồn ở cằm, vành tai, đỉnh đầu, gáy, khuỷu tay, mu bàn chân… của Hương. Sau mỗi cái miết đầu kéo là những mũi kim sắc và dài lại được luồn vào sâu trong các huyệt: Bách Hội, Phong Trì, Nhĩ Môn… Mỗi chiếc kim bị đâm vào người, bé Hương lại giật mình ré lên rồi gào thét trong đau đớn và sợ hãi. Khi những chiếc kim được kẹp giắc cắm điện thì tất thảy đồng loạt rung bần bật. Cái lưỡi của nó bật bắn lên, tê tái.

Soi run rẩy cầm chiếc khăn mùi xoa trong tay. Chốc chốc, cô lại lau nước mắt, nước mũi cho con. Tiếng khóc khô khốc của con bé đã trở nên khàn đặc và nhề nhề đờm dãi. Ánh mắt của nó rằn lên những vằn đỏ nhìn cô... Soi tự đấm ngực rồi lao về phía hành lang. Bình vội sải những bước dài:

- Em đừng làm điều dại dội! Cố gắng lên em! Khó khăn rồi sẽ qua thôi. - Bình vỗ nhẹ lên bờ vai run rẩy của Soi.

- Em khổ lắm anh ơi… - Tiếng khóc nấc nghẹn. Soi sà vào vòng tay Bình. Tuyệt vọng. Đứa con gái khiếm thính là hy vọng, là sợi dây ràng buộc cô vào thế giới, là vốn liếng, là tình yêu… của cô. Giờ đôi mắt con nhìn cô đầy ẩn ức, khiến cô đau. Cô muốn thoát… Nhưng bàn tay ấy đã nắm lấy vai cô, vòm ngực rộng ấy đang phả hơi ấm sang cô.

*****

Chiều tháng Chạp rét ngọt. Không khí ảm đạm bao trùm Bệnh viện châm cứu X. Soi dắt con bước nhanh qua mảnh sân lát gạch đỏ, tránh luồng gió từ đầu hồi thổi về. Nét buồn bã, lo lắng và mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt thanh tú của người mẹ trẻ.

Cô nhận phòng. Căn phòng chừng bốn mươi mét vuông được kê bốn chiếc giường. Cạnh giường của cô là giường của cha con Bình. Anh Bình đi chăm con. Cậu con trai trạc mười ba, mười bốn bị liệt do tai nạn giao thông trên đường đi học về. Cậu bé chuyển từ Bệnh viện Việt - Đức sang.

Cất đồ đạc vào trong chiếc tủ tôn ở cuối giường, Soi nghe thấy tiếng Bình nựng con: “Duẩn của cha ngoan. Con ráng ăn thật nhiều, ráng chịu đau để bác sĩ chữa cho. Cái chân, cái tay nhanh khỏi, cha sẽ cho con về với mẹ à!”. Cô nghe thấy tiếng hôn chùn chụt của anh trên má con. Thằng bé sung sướng cười hềnh hệch.

Cạnh đó, hai người đàn bà nữa đi chăm con. Một người rủ rỉ kể chuyện cho con nghe. Người còn lại đố con các câu đố dân gian.

Chiều dần buông trong cái lạnh tê tái và sự lạc lõng. Bé Hương sợ sệt nép bên vạt áo mẹ. Soi choàng tay ôm lấy con vỗ về. Cô cũng muốn rủ rỉ, cũng muốn cưng nựng con lắm. Song… Đứa con khiếm thính tội nghiệp!

Bé Hương bị câm điếc bẩm sinh. Đứa con trời đánh - theo cách gọi của bố nó khi đã ngà ngà say: “Nó làm hao tiền, tốn của... Nó làm nhụt chí nam nhi của tao… Nó bôi nhọ thanh danh dòng họ... Chết tiệt! Tất cả là tội của con mẹ nó...”. Soi ráng chịu. Từ lâu, cô giả câm giả điếc trước những lời mắng nhiếc của chồng và cả những lời xì xầm của người thích đơm chuyện.

Nghe người ta mách ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay Soi đều ráng cho con chạy chữa. Khi con lên ba, cô gửi bà nội rồi đi làm công nhân vừa có tiền trang trải cuộc sống vừa dành dụm được chút đỉnh mong chữa bệnh cho con. Gần đây, nghe giới thiệu ở Hà Nội có vị bác sĩ châm cứu giỏi, cô xin nghỉ việc, một mình từ Bắc Giang đưa con đi chữa bệnh.

Cả ngày đi đường dài đến nơi đất khách, thêm lo lắng khiến Soi mệt ngủ thiếp đi. Bỗng bé Hương lay tay. Giật mình, cô ngước lên chạm ánh mắt Bình đang đứng cạnh giường như chờ đợi:

- Hai mẹ con mới đến nên chắc chưa biết nhà ăn. - Bình cất giọng ồm ồm. - Em lấy cái cặp lồng bệnh viện phát rồi dắt con đi theo anh để nhận cơm của hội cứu trợ trẻ em khuyết tật.

-Vâng ạ. - Soi dắt con theo chân người đàn ông lạ.

Người đàn ông sải những bước dài vội vã. Hai mẹ con Soi cung cúc theo sau. Đôi lúc, bóng anh ta khuất trong tàn cây làm Soi phải cố tìm, kéo tay con rượt đi trong tiếng gió chiều hun hút vít những cành cây khẳng khiu.

- Hai mẹ con cứ ngồi ở đây ăn cơm. Nếu thiếu thức ăn, có thể mua thêm. Anh đưa đồ ăn về cho cu Duẩn rồi ăn cùng cháu luôn.

Nói rồi, người đàn ông ấy lại vội vã. Cái bóng đậm của anh ta kéo một vệt dài, đổ rợp trên lối về. Trong bóng tối nhập nhoạng và tiếng nồi niêu lanh canh, Soi nhận ra những khuôn mặt rầu rĩ, nét khắc khoải hằn sâu trong từng nếp nhăn của những người xa nhà đã lâu.

Có những người nhận cơm xong vội vã trở về như Bình. Một vài phụ nữ nấn ná bên gian bán đồ ăn. Chắc họ cũng như cô đang cân nhắc xem mua thêm món nào cho con khi số tiền trong túi không còn nhiều. Tiền. Tiền. Ôi chao! Nó biến người ta thành con nợ hồi nào không hay.

Nhất là với cô - một lao động chính trong nhà bỗng chốc bỏ hết thảy ngồi ôm con rút mòn những đồng bạc còm dành dụm để lo... Vậy rồi cũng không xong bởi có kẻ ở nhà ngứa miệng sẽ lại mượn rượu rủa như mọi lần: “Đồ đàn bà hoang. Ôm đi cả đống tiền. Mỗi cái việc ôm con vành lỗ miệng thôi mà cũng sạch banh”.

Sống mũi Soi chợt cay khi nghĩ lại. Cô vội gắp thức ăn bỏ vào bát cho con rồi quay đi. Lồng ngực cô thổn thức, bỗng nhói đau khi bé Hương xúc một miếng đậu nhồi thịt bỏ vào bát cô rồi lay tay ý chừng muốn nói: “Ngon lắm! Mẹ ăn đi!”.

*****

Duẩn nằm tựa lưng vào tường. Gần tháng nay, tiếng gào khóc của những đứa trẻ câm điếc khi bị châm cứu cứ dội đến bên giường từng chập, từng chập. Duẩn nghe xót lắm. Có những lúc tiếng khóc lạc đi yếu ớt như tiếng tru của con thú non bất lực cố gượng gạo dành lại sự sống.

Phải. Duẩn cũng đang giành lại sự sống song theo một cách riêng. Mỗi lần châm cứu, nó vẫn không thấy đau. Dòng điện vẫn chạy đều đều trong nó mà sao không run bắn lên như bé Hương? Nó đã trân trân nhìn bé Hương mỗi khi bé châm cứu. Đến lượt Duẩn châm cứu, Hương đều chạy tới nắm chặt tay nó lắc lắc...

Giữa tháng Chạp, sức khỏe của Duẩn hồi phục dần. Tay trái đã bớt co quắp còn chân phải cũng cảm nhận được khi châm cứu hay khi cấu vào. Niềm hy vọng của cha con Duẩn được nhen nhóm.

Gặp ai, Bình cũng hồ hởi khoe: “Thằng con trai tôi nó đỡ rồi”, “Thằng con trai tôi nó sắp đi được rồi”. Rồi anh gọi điện về quê: “Mình ở nhà chuẩn bị Tết nhé. Tết năm nay phải ăn mừng to. Con nó sắp khỏi rồi. Tôi xin bác sĩ cho nó ở lại ít hôm nữa. Áp Tết, hai cha con tôi về”.

Duẩn cũng vui lắm. Nó sung sướng khi sắp được về quê gặp mẹ, được áp mặt vào ngực mẹ mà hít hà cái mùi mồ hôi trộn mùi đất vỡ. Nó cũng khao khát được trở lại trường, được học bài, chơi cầu lông, đánh khăng, đánh đáo cùng các bạn.

Vì vậy, nó cố gắng hết sức. Khi những chiếc kim sắc dài luồn trong từng thớ thịt nơi bắp chân, bắp đùi, nó thấy đau nhói song chỉ ngoảnh mặt, cắn răng, giấu vội giọt nước mắt vào trong gối.

Hai đứa trẻ cùng phòng Duẩn đã ra viện. Cả phòng chỉ còn lại hai người lớn và hai trẻ con nên dọn cơm chung. Một chiếc đệm được lột ga trắng, lật một phần ba miếng mút bọc cao su non màu củ đậu lên.

Cha Duẩn và cô Soi đặt lên đó những món ăn của hội cứu trợ cho và mua thêm. Chốc chốc, cha lại xúc cơm bón cho Duẩn đang nằm ở giường bên cạnh. Cô Soi gắp thức ăn cho cha Duẩn và bé Hương. Tiếng cười nói vui vẻ trong bữa cơm khiến Duẩn cảm nhận không khí ấm áp như một gia đình.

Những lúc như vậy, Duẩn chạnh lòng vì nhớ và thương mẹ. Mấy hôm trước, cha đã gọi điện về bảo mẹ bán mấy tạ thóc gửi tiền ra. Mẹ còn tiền không và còn mấy tháng giáp hạt nữa mẹ xoay xở thế nào? Đã có lúc Duẩn đánh tiếng với cha là: “Con nhớ mẹ. Con muốn cha cho con về với mẹ”, song cha đã gạt đi và động viên Duẩn ráng thêm ít ngày nữa cho cái chân thêm khỏe để về mẹ vui.

*****

Mặt trời lên sưởi ấm và xua đi cái cảm giác nhớp nháp của những ngày nồm Nam. Những cây bàng đã bật búp non tơ quanh mảnh sân vuông lát gạch màu đỏ. Trước sảnh bệnh viện, đài phun nước róc rách. Tiếng nước chảy ngược theo dòng suy nghĩ của Duẩn.

Mấy ngày trước khi trở lại viện, cha Duẩn đã điện thoại hẹn cô Soi. Ngày giáp hạt, mẹ bán nốt mấy bao thóc và đôi lợn xoay xoay để cha con nó lấy tiền đi viện. Nó chới với muốn níu tay xin mẹ song nhìn ánh mắt đầy hy vọng của mẹ đặt vào việc chữa trị bệnh cho nó, nó không nỡ… Cha mẹ sắp đặt cho nó đi chuyến xe đêm.

Cha đẩy xe lăn đưa nó đi nhận phòng. May lần này nó không ở cùng mẹ con cô Soi. Bé Hương thỉnh thoảng vẫn chạy sang chơi với nó. Những buổi chiều ấm áp, chúng nó lại xuống chơi quanh đài phun nước. Trẻ con ở khoa nhi xuống sân chơi đông lắm.

Nếu chỉ nghe thấy thanh âm được truyền đi thì người ta ngỡ đây là giờ ra chơi của một trường học... Duẩn đang mơ màng thì bé Hương đến kéo tay ra hiệu muốn Duẩn chơi cầu trượt. Thằng bé bối rối vì không rời được khỏi chiếc xe lăn.

Bà cụ già đi chăm cháu ngồi trên ghế đá cạnh đó buông một tiếng: “Nó què làm sao mà chơi...”. Duẩn cúi mặt. Một lát sau, Hương trở về cùng với hai thằng bé khiếm thính có thân hình chắc khỏe.

Chúng xốc nách Duẩn dìu bước cẩn thận trên từng bậc thang, qua mái nhà nhỏ. Bé Hương canh ở đầu cầu trượt. Hai thằng bé xếp đôi chân tong teo của Duẩn hướng xuống rồi đẩy nhẹ. Duẩn giang tay y như bay có kiểu lắm. Tiếng cười giòn tan lay lay bóng trúc xanh: “Cha ơi! Con chơi cầu trượt được rồi này”...

*****

Soi dùng dằng mãi mới bứt ra khỏi căn nhà như có ma ám ấy. Cô lao về phía bệnh viện trong chiều hấp hối. Lòng cô rối bời bởi không thấy bé Hương trong phòng.

Hỏi chị cùng phòng mà cô gửi Hương, chị ấy bảo cô đi lâu quá, Hương không nghe. Chị ấy không giữ hộ được nữa. Hỏi mấy đứa trẻ, chúng nó nói gặp Hương ở nhà ăn. Cô lao đi trong sự bải hoải, mệt rã rời sau cả buổi chiều gắng sức làm việc.

Mảnh trăng non như dấu hỏi nghiêng trên đỉnh đầu. Giờ này con ở đâu? Soi lao đi trong ánh sáng bàng bạc, lục tìm mọi ngóc ngách con có thể lui tới trong bệnh viện. Mệt mỏi và bất lực. Cô tựa lưng vào một gốc cây hướng mắt ra hồ sen.

Phía đối diện hồ, cô nhìn thấy một cái bóng to thù lù. Cô hồi hộp, mon men tiến lại gần thì bắt gặp Duẩn đang ôm bé Hương từ phía sau. Chúng nó chăm chú vào thứ gì đó ở giữa hai chân của bé Hương.

Bản năng muốn bảo vệ con của một người mẹ khiến cô sấn tới giằng bé Hương ra rồi tát thẳng vào mặt Duẩn. Vừa lúc đó, Bình xuất hiện. Mặt Soi vẫn đỏ phừng phừng. Bé Hương vụt chạy làm cô phải đuổi theo. Cả vườn cây xao xác.

- Cha ơi! Con đau... Con nhớ mẹ. Cha cho con về với mẹ đi cha! - Duẩn mếu máo.

Bình xót xa, ôm con vào lòng cưng nựng như mọi lần.

“Mạ… Mạ…”. Nghe thấy tiếng gọi không tròn vành, Bình dõi mắt ra xa. Bé Hương đuổi theo mảnh giấy có nét chữ tròn trịa: “Con nhớ mẹ. Mẹ về với con đi” rồi đưa cho Soi. Khuôn mặt Soi rạng rỡ trong ánh sáng ngà. Cô khóc như trẻ thơ trong niềm hạnh phúc vô bờ.

Từ đằng xa, Bình thâu hình ảnh hai mẹ con Soi vào trong ánh mắt mờ sương. Đã gần tháng nay, cô đi làm giúp việc theo giờ tại nhà cho một ông sếp người Hàn. Cô gửi con chị bạn cùng phòng. Mỗi buổi chiều Soi đi làm, anh lại để mắt trông chừng bé Hương. Con bé quý thằng Duẩn lắm. Thấy mấy đứa trẻ khiếm thính dùng ngón tay chấm nước viết lên bàn rồi nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ cử chỉ, bé Hương vòi Duẩn dạy viết chữ.

Ở bệnh viện châm cứu này thường có rất nhiều các đoàn từ thiện đến thăm, hỏi han các gia đình rồi tặng quà, cho sữa, cho tiền. “Sao lại không cho chữ các con?” Bình tự hỏi.

Phải rồi. Ngày mai, anh sẽ trở thành thầy giáo dạy chữ cho các con. Anh sẽ nhờ Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật mời tình nguyện viên đến dạy ngôn ngữ cử chỉ cho các bé khiếm thính nữa. Chỉ nghĩ đến đấy, lòng anh đã thấy hứng khởi lạ lùng. Chợt anh giật mình khi nghe thấy giọng của Soi:

- Duẩn ơi! Cô không ngờ em Hương lại biết chữ. Cô cảm ơn cháu. Cô xin lỗi vì khi nãy lỡ hiểu lầm…

Rồi vẫn giọng nói ấy hướng tới Bình:

- Em mang ơn anh nhiều ạ. Nếu như không có anh ngăn cản kịp thời, an ủi và thuyết phục thì không biết giờ này con em sẽ sống thế nào khi không còn mẹ.

Duẩn nghe rõ từng câu. Nó đã cởi được nút thắt trong lòng.

Tiếng cười giòn tan của Duẩn và bé Hương vang lên. Trong chiếc nạng hình chữ U có hai bánh xe, Duẩn kiên nhẫn đi về phía Hương. Tiếng bánh xe cót két trên con đường gạch đỏ.

Mảnh trăng non đã vắt vẻo trên ngọn cây. Ánh sáng len lỏi trong tán lá xanh non, rớt xuống vườn từng vệt. Soi nhìn chăm chú thảm lá mục dưới gốc cây. “Xác lá vàng. Dầu là một chiếc lá cũng sẽ chọn lạc quan như lá xanh, hy sinh quên mình như lá vàng để chồi non được vươn lên”, cô nhủ thầm trong tiếng gió lao xao đan tiếng cười con trẻ...

Truyện ngắn của Thanh Ngà

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-xac-la-post642643.html