Truyện ngắn: Quê hương

Tin chiếc cầu nối hai bờ sông chuẩn bị khánh thành, thông hai bờ làm cả xã náo nức. Cả tuần nay, làng trên xóm dưới nhà nhà dọn dẹp nhà cửa, đường sá, cờ hoa giăng đỏ rực cả con đường. Ai cũng háo hức ngóng chờ giây phút được bước sang bờ bên kia mà không cần qua chiếc cầu tre thô sơ cứ rung lên bần bật khi có người sang sông.

MH: VÕ VĂN

Đây là con sông lớn, vào mùa mưa nước chảy cuồn cuộn rất nguy hiểm. Nhiều thảm cảnh đã từng xảy ra khi phương tiện vượt sông chủ yếu bằng đò. Đò được thay bằng cầu tre đỡ nguy hiểm hơn nhưng nước lớn cầu tre phải dỡ không thì nước sẽ cuốn trôi, trẻ con bên kia sông phải nghỉ học, nhìn bạn bè đến trường với con mắt thèm thuồng. Giờ có hẳn chiếc cầu xây to ơi là to, đẹp ơi là đẹp ai mà chẳng thích.

Mới hơn 7 giờ mà người dân hai bên bờ đã ùn ùn kéo đến, ai cũng muốn là một trong những người đầu tiên bước chân trên cây cầu bê tông này. Chủ tịch xã Chơn, áo đẫm mồ hôi kiểm dò lần cuối công việc, anh dặn cấp dưới mọi việc phải xong hết trước giờ khánh thành. Đang túi bụi thì Hà - cô cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa xinh đẹp bước đến nói nhỏ vào tai chủ tịch:
- Anh ơi! Anh Thuần giám đốc công ty xây dựng cầu đi đâu rồi? Em tìm hoài không ra. Mấy nhà báo tính phỏng vấn ảnh với tư cách là kỹ sư công trình anh ạ!
Mọi người tá hỏa đi tìm. Tùng tài xế riêng của Giám đốc Thuần mỉm cười hỏi nhỏ Hà:
- Ở gần đây có quán don nào không em?
- Có anh! Quán bà Hai bên kia sông.
Theo tay Hà chỉ, Tùng cười tủm tỉm nói với Hà.
- Anh biết sếp của anh ở đâu rồi, em cứ đi làm việc đi, để anh tìm cho.

Hà nghe vậy mừng và cảm ơn Tùng rối rít rồi đi tiếp khách. Tùng vội vàng băng qua cây cầu tìm đến quán don bà Hai theo lời Hà chỉ. Anh nhanh chóng nhận ra sếp mình đang ngồi ăn ngon lành tô don bốc khói. Thấy Tùng, Thuần hồ hởi:
- Làm tô đi. Don mùa này ngon lắm. Về tới quê mà chưa được ăn là tớ cứ cảm thấy ngứa ngáy trong bụng.
- Anh ăn nhanh đi rồi tiếp phóng viên.
Thuần vừa ậm ừ với Tùng vừa húp một hơi hết sạch tô don và thở phào một cái.
- Thật khó có mỹ vị nào sánh bằng.
Bà Hai tới bàn thu dọn hai tô don Thuần vừa ăn xong nghi ngại hỏi:
- Chú là giám đốc, là người xây chiếc cầu này à?
- Dạ! Thuần vừa uống một ngụm nước chè tươi vừa trả lời.
Bà cụ vẻ mặt nghi ngờ hỏi:
- Chú thích ăn don quê tôi à?
- Dạ! Cháu quê làng bên, con don, con hến thấm đẫm trong máu thịt cháu nên cháu thích ăn don lắm bà ạ!
- Chú con ai ở đây? Bà Hai tiếp tục hỏi.
- Dạ, con ông Thạc ạ!
Bà Hai “à” lên một tiếng. Thì ra là người xã mình. Gia đình ông Thạc nổi tiếng khắp xã, vì có tới bảy đứa con vào đại học ai mà không biết. Bà hỏi Thuần:
- Anh là con trai trưởng hả, chỉ có anh tôi mới không biết chứ mấy đứa em của anh tôi đều quen mặt.
- Dạ, cháu học xa, ở xa nên chắc bà không nhớ, chứ quán don bà là ngày nhỏ ba đưa anh em cháu ghé hoài, bà thích don ba cháu cào vừa sạch vừa tươi bà nhỉ.
- Ừ! Ba mẹ cháu giờ mạnh khỏe cả chứ.

Bà ngồi hẳn luôn trò chuyện với Thuần. Tùng vừa lúi húi ăn don vừa nghe hai bà cháu kể chuyện. Thì ra cả làng đều biết có một anh giám đốc quê mình về đấu thầu xây dựng chiếc cầu bê tông này với tiền lãi chỉ một trăm nghìn. Bà con tò mò lắm, không biết ai mà tốt đến thế! Nên hôm nay khánh thành cầu là một việc, còn việc nữa là xem mặt anh giám đốc đó. Nghe có giám đốc Thuần trong quán don, người dân túa vào xem ngồi chật cả quán không còn một chỗ. Người bắt tay, người rờ mặt, tiếng cảm ơn rối rít. Ai cũng khen giám đốc Thuần giản dị, nghĩa tình với quê hương nguồn cội.
Nghe mọi người khen giám đốc mình mà Tùng nở từng khúc ruột, anh cảm thấy mình thật vinh hạnh được làm cấp dưới của Thuần.
Lễ khánh thành cầu nhanh chóng kết thúc, Thuần tạm biệt quê hương trở lại Sài Gòn không quên gửi gắm: “Bà con vào Sài Gòn có việc gì cần cứ alo, giúp được, con sẽ giúp hết mình”.
Lên xe, dường như đã quá mệt, anh bật nhẹ chiếc ghế xe, nằm ngả người xuống nhắm nhẹ đôi mắt.

Thấy giám đốc muốn nghỉ ngơi, Tùng lái xe chậm lại, mở nhạc nhẹ để anh được thư giãn. Mấy năm nay, giám đốc anh bận túi bụi với những dự án xa nhà. Hết khui móng công trình này lại khánh thành công trình kia, hiếm thấy anh được nghỉ ngơi đủ giấc. Ngắm nhìn qua gương chiếu hậu, thấy mái tóc Thuần đã hoa râm, Tùng thấy biết ơn và thương người giám đốc này nhiều. Nếu không có Thuần, chắc giờ anh cũng không biết mình làm gì và sống thế nào nữa.
Anh gặp giám đốc Thuần trong một dịp hết sức tình cờ. Lúc đó, anh còn đang làm tài xế taxi, dậy sớm thức khuya kiếm ăn theo bữa. Bạn bè chạy taxi của anh nhiều người xem anh là gàn dở khi không biết ăn chặn khách, chạy vòng vèo kiếm thêm tiền mà còn hay mời khách đi nhậu, bị bạn bè rủ rê cá độ bóng đá, nợ nần ngập đầu. Lần ấy, bị bọn xã hội đen đe dọa, anh bất ngờ gặp Thuần từ miền Trung vào miền Nam lập nghiệp, biết tình cảnh anh, Thuần đã cưu mang giúp đỡ và rồi từ chỗ biết ơn thành thân thiết tự bao giờ.

Điều anh thích nhất ở giám đốc chính là lòng hiếu thảo. Khi gia đình anh chưa chuyển hẳn vào Nam, dù bận trăm công nghìn việc, anh luôn thu xếp về quê thăm cha mẹ, ăn những bữa cơm mẹ nấu, cùng người nhà đi đặt trúm bắt con bống, con don về ăn cho “đã cái miệng” như lời anh nói, mặc dù ở nơi Sài Gòn, chỉ cần có tiền là có tất cả, nhưng với anh chất “quê” đã ngấm vào máu thịt, anh bảo:
- Don, cá bống kho tiêu là phải ăn ở chính quê mình mới cảm nhận được nó là con don, con bống cát. Ăn ở Sài Gòn là chỉ ăn cho đỡ nhớ quê mà thôi.

Ban đầu, Tùng không thích ăn don chút nào. Anh không thể nào cảm nhận được vì sao giám đốc mình lại thích ăn cái con nhỏ xíu đó. Tuy nhiên, sau nhiều lần về quê Thuần, được anh dẫn đi thăm thú cảnh đẹp. Cảm nhận được sự chân tình của người nông dân, vẻ đẹp thanh tú của làng quê sếp mình, anh mới biết tình yêu quê hương là như thế nào. Quê giám đốc anh là một xã nghèo ven biển, người dân chân chất, hiền hòa. Dù giờ đã là thành phố nhưng sự êm đềm, thanh bình của làng ven phố vẫn thu hút mọi cảm xúc của con người. Cũng là những con đường bê tông chan hòa ánh nắng như mọi miền quê khác và những mái ngói đỏ au êm đềm nép mình trong những khu vườn mát mẻ. Dòng sông vẫn nhẹ nhàng trôi vào những buổi chiều hè cùng tiếng hò reo của bọn trẻ con đang giỡn nước. Các bà mẹ vẫn giữ thói quen vừa giặt quần áo bên sông vừa chuyện trò vui vẻ mà mắt vẫn không rời những đứa con yêu.

Nhưng có lẽ cái lần được cùng Thuần đi cào don, đặt trúm để cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của sản vật nhỏ bé giàu dinh dưỡng này, anh mới thấy ngon, rồi không biết tự bao giờ anh đã ghiền nó đến mức không thể bỏ được. Để rồi mỗi khi về quê với giám đốc, chỉ vừa đặt chân tới quê nhà, nghe mùi don thơm lừng bay ra từ một quán ăn ven đường nào đó, hai anh em lại dừng xe vào quán xì xụp đến no bụng mới thôi. Giờ chỉ cần hình dung ra tô don với mấy quả ớt xiêm thơm thơm là nước miếng đã ứa ra trên miệng anh.

Giám đốc Thuần hay kể với anh rằng lúc còn nhỏ nhà anh nghèo lắm. Ba mẹ anh nhờ nghề cào don, đặt trúm mà nuôi lớn anh em anh ăn học và giờ thành tài. Anh nhận thi công cây cầu này cũng là để bày tỏ sự tri ân với quê hương, nơi nuôi anh khôn lớn. Tri ân mẹ cha anh đã vất vả nuôi dưỡng anh trưởng thành.

Hình ảnh Thuần giản dị, giọng nói đầy truyền cảm trên bục khánh thành in đậm trong trái tim Tùng. Lời phát biểu của anh về quê hương như một thông điệp, như truyền cảm hứng tình yêu quê hương cho Tùng - người xem quê hương chẳng phải nơi để trở về. “Quê hương là nơi tôi trở về, là nơi tôi khao khát được cống hiến. Là một doanh nhân lợi ích đặt lên hàng đầu nhưng với quê hương tôi lấy nghĩa tình đặt lên làm trọng. Chỉ cần quê hương cần tôi sẵn sàng đáp ứng”. Và đến lúc này anh mới hiểu hết ý nghĩa lời bài hát "Quê hương" của Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”.

DƯƠNG THANH HƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202312/truyen-ngan-que-huong-d900b96/