Trường Yên: Giữ gìn nét đẹp giếng làng

Giếng làng là một phần không thể thiếu tạo nên bức tranh của làng quê Việt Nam nói chung và xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) nói riêng. Hiện cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Trường Yên đã và đang nỗ lực giữ gìn nét đẹp kiến trúc, hồn quê của những giếng làng để lưu lại những ký ức, kỷ niệm đẹp cho người dân trong xã hôm nay và mai sau.

Giếng làng ở thôn Đông. Ảnh: Hồng Vân

Từ xa xưa có câu "có giếng là có làng". Đối với nhiều người, giếng làng là mạch nguồn sâu thẳm của kỷ niệm một thời chưa xa, nơi lắng đọng hồn quê, một kỷ niệm của giai đoạn chưa xa.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, 85 tuổi, ở làng Thong Bái, thôn Trường Sơn, xã Trường Yên chia sẻ: Gắn bó với làng Thong Bái từ khi sinh ra đến nay, kỷ niệm về giếng làng luôn là kỷ niệm đẹp một thời với người cao niên như chúng tôi.

Từ khi sinh ra tôi đã thấy có giếng làng. Giếng làng Thong Bái trước đây là mạch nguồn chính phục vụ đời sống dân sinh của nhân dân trong làng, cung cấp nguồn nước mát lành để dùng trong sinh hoạt gia đình từ nấu ăn đến giặt giũ, tắm rửa… Cả làng ai cũng có chai lọ, thùng mang ra đựng, gánh về. Ai đi làm đồng hay chăn trâu, cắt cỏ về mệt lấy nước uống, rửa mặt. Nơi đây suốt ngày tấp nập người qua lại, là nơi dừng chân, truyện trò rôm rả sau buổi làm đồng...

Hiện nay, khi cuộc sống hiện đại đã sử dụng nước máy trong sinh hoạt, dù không dùng nước từ giếng làng nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn ra khu vực giếng làng thư giãn, ôn lại kỷ niệm đẹp, kể cho con cháu về minh chứng lịch sử của cuộc sống nghèo khó một thời, là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của tình làng nghĩa xóm.

Giếng làng Thong Bái, thôn Trường Sơn. Ảnh: Hồng Vân

Giếng làng Thong Bái được xem như bảo vật quý giá của xã Trường Yên. Tương truyền giếng làng Thong Bái với tuổi đời được xây dựng, khởi tạo khoảng 400 năm. Do đó, người dân thôn Trường Sơn luôn giữ gìn như di sản của làng.

Ông Nguyễn Minh Đề, Trưởng thôn Trường Sơn, xã Trường Yên cho biết: Từ nét đẹp văn hóa của giếng làng, trong cuộc sống đương đại, thôn Trường Sơn tuyên truyền cho con cháu giữ gìn, bảo vệ, thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan xung quanh khu vực giếng đảm bảo xanh, sạch, đẹp.

Điều khá đặc biệt với giếng làng Thong Bái và có ý nghĩa hơn khi nơi đây được nhân dân coi như "long mạch" quý bởi những người con thôn Trường Sơn ăn từ nguồn nước giếng này đều trưởng thành, học hành giỏi giang, công tác thành đạt, có người là Trung tướng Công an nhân dân, 1 người là nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, 1 người Tổng Giám đốc tàu biển Việt Nam, 1 người là giáo sư, trên 50 người tiến sĩ, thạc sĩ... Hiện nay, thôn Trường Sơn là thôn tiêu biểu trong các phong trào thi đua của địa phương.

Từ bao đời nay, cây đa, giếng nước, sân đình đã tạo nên bức họa của làng quê Việt Nam nói chung. Những hình ảnh ấy đã đi vào tiềm thức của người dân, trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần của nhiều làng, xã.

Vì vậy trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều giếng làng được người dân xã Trường Yên chú trọng khôi phục, sửa chữa và lưu giữ.

Giếng làng thôn Yên Trạch mới được tu bổ, tôn tạo từ năm 2020. Ảnh: Minh Quang

Bà Lê Thị Vân, Bí thư chi bộ thôn Yên Trạch, xã Trường Yên cho biết: Thôn Yên Trạch có cảnh quan tự nhiên đẹp do ông cha để lại. Thôn có 1 bến làng và giếng cổ được xây dựng gần 100 năm nay. Đến năm 2020, cùng với phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí nhằm kiến thiết, tôn tạo lại giếng đảm bảo mỹ quan đẹp trong không gian văn hóa của thôn, giữ lại nét đẹp văn hóa cha ông để lại cho muôn đời sau. Với tình cảm yêu mến giếng quê, cả thôn nhiệt tình hưởng ứng, góp công lao động, người thì ủng hộ tiền mặt đóng góp trùng tu lại giếng làng.

Giếng quê như chất keo vô hình gắn kết những người dân sống chan hòa, gần gũi bên nhau. Việc gìn giữ biểu tượng của làng quê trong thời hiện đại là việc cần thiết, như gương soi của ngàn xưa để lại, như máu thịt trong người, như hồn cốt của người Việt Nam cần được lưu giữ cho muôn đời sau.

Đồng chí Bùi Thị Thanh Nhàn, Công chức văn hóa- xã hội xã Trường Yên cho biết: Xã Trường Yên luôn coi giếng làng như một báu vật của làng quê, cùng với cây đa, giếng nước, sân đình đã gắn với thăng trầm của lịch sử. Do đó, xã Trường Yên rất quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn giếng cổ.

Công chức văn hóa - xã hội xã đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng đề án, đưa vào nghị quyết hàng năm để có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giếng làng.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, tỉnh có cơ chế quan tâm đặc biệt tới du lịch, chúng tôi tích cực tham mưu với lãnh đạo xã Trường Yên xây dựng kế hoạch và tuyên truyền, vận động các thôn, xóm, các tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân cùng vào cuộc để khôi phục, bảo tồn giếng làng gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Hiện nay, xã Trường Yên có trên 20 giếng làng. Ngoài những giếng làng vẫn thường xuyên tu bổ, sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, xã Trường Yên đang tuyên truyền nhân dân khôi phục những giếng làng bỏ hoang lâu năm để phục vụ sinh hoạt văn hóa của nhân dân, là chốn đi về của người con xa quê, gắn kết đời sống nhân dân, con em quê hương hướng về nguồn cội.

Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/truong-yen-giu-gin-net-dep-gieng-lang/d20230816112448363.htm