Trường nghề đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực

Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp (DN).

Ông Lê Đình Thâm, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (thứ 2 từ phải sang) và ông Ishii Hiroyuki - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (thứ 3 từ phải sang) trao biên bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 1-5. Ảnh: C.T.V

Ông Lê Đình Thâm, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (thứ 2 từ phải sang) và ông Ishii Hiroyuki - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (thứ 3 từ phải sang) trao biên bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 1-5. Ảnh: C.T.V

Nhờ đó, sinh viên được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề hiện đại, chuẩn quốc tế; tăng cường thực tập tại DN để không tốn thời gian đào tạo lại sau khi ra trường.

* Tăng cường hợp tác với DN

Ngày 1-5, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (DCoHT) và Khu công nghiệp (KCN) Long Đức (có hơn 60 DN, hầu hết là các DN có vốn đầu tư Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao. Việc ký kết biên bản ghi nhớ được thực hiện dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo đó, DCoHT và KCN Long Đức sẽ hợp tác cải thiện chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu của các nhà máy Nhật Bản tại Việt Nam; DCoHT sẽ gửi giảng viên đến các DN để đào tạo, phát triển năng lực; sắp xếp chương trình thực tập cho học sinh - sinh viên của DCoHT nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận thực tế tại các DN; tiếp nhận học sinh - sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại các nhà máy sản xuất trong KCN Long Đức.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản có các hoạt động chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, được gọi là Sáng kiến chung Việt - Nhật. Trong đó, Nhóm công tác số 11 do Bộ LĐ-TBXH và Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) thành lập với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao. Việc ký kết biên bản ghi nhớ nêu trên là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của chương trình.

Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua, DCoHT đã đón đoàn DN đến thăm, khảo sát và làm việc tại trường. Các DN đều cho biết sẽ tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham quan, thực tập, hỗ trợ các phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, DN cũng mong muốn nhà trường đưa thêm các kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo đến học sinh, sinh viên nhằm trang bị cho người học tinh thần trách nhiệm, khả năng lãnh đạo, kiến thức về 5S - an toàn.

Ông Lê Đình Thâm, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: “Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai đang đẩy mạnh hoạt động gắn kết với DN trong đào tạo và giải quyết việc làm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích cho cả 3 bên: DN, người học, nhà trường. Đối với biên bản ghi nhớ với KCN Long Đức, nhà trường sẽ có kế hoạch triển khai, từng bước hiện thực hóa các nội dung đã ký kết”.

* Hợp tác quốc tế, đa dạng các khóa đào tạo

Cùng với việc tăng cường hợp tác với các DN trong nước, các trường nghề trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong đó, nhiều chương trình được phân bổ từ các chương trình hợp tác cấp nhà nước, cấp bộ. Trong đó, đa phần các tổ chức quốc tế hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, đào tạo giảng viên, cung cấp trang thiết bị, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên…

Hiện nay, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) đang có nhiều chương trình hợp tác quốc tế như: hợp tác với Tổ chức GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức), trong đó GIZ hỗ trợ đầu tư xây dựng trường trở thành trung tâm đào tạo nghề xanh chất lượng cao; hợp tác với Tổ chức JICA (Nhật Bản) thực hiện dự án Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, dự án Hỗ trợ cung cấp trang thiết bị đào tạo, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên cho các nghề điện và cơ khí đạt tiêu chuẩn Nhật Bản.

Trường cũng đang hợp tác với Australia trong chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills). Trong đó, phía Australia hỗ trợ nhà trường xây dựng 5 nghề đạt chuẩn APEC gồm: Hành chính logistics, Quản lý kho hàng, Quản lý giao nhận hàng hóa, Giám sát kho hàng, Xếp dỡ cơ giới tổng hợp.

Hợp tác quốc tế cũng là thế mạnh của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành). Hiện nay, nhà trường có nhiều chương trình hợp tác với GIZ (Đức), Pháp, Anh… Mới đây nhất, trường được chọn để đào tạo nghề theo chương trình Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển. Trong đó, học viên được miễn học phí, cấp thêm sinh hoạt phí, sau khi tốt nghiệp nếu đạt chất lượng theo yêu cầu của đối tác thì sẽ được đưa sang lao động tại Đức.

* Đa dạng các chương trình đào tạo

Cùng với việc nâng cao chất lượng, các trường nghề cũng đa dạng hóa các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của DN và người lao động.

Chẳng hạn, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 có hệ đào tạo kỹ sư thực hành đối với 3 ngành: hàn, điện tử công nghiệp, chế tạo thiết bị cơ khí. Những nghề này xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT, thời gian đào tạo 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, học viên được cấp bằng kỹ sư thực hành quốc tế đạt trình độ bậc 6 (theo khung 8 bậc - tiêu chuẩn UNESCO - ISCED 2011), 1 bằng kỹ sư thực hành theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trường còn có các chương trình đào tạo hệ cao đẳng theo tiêu chuẩn Đức, tiêu chuẩn Pháp… Đối với các khóa học này, học viên sau khi tốt nghiệp được cấp 1 bằng cao đẳng, 1 bằng quốc tế do Hội đồng Nghề Vương quốc Anh (City&Guilds) hoặc tổ chức quốc tế có uy tín cấp.

Các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo theo nhu cầu của DN cũng thường xuyên được các trường mở lớp. Theo đó, các chương trình đào tạo theo tích lũy tín chỉ của môn học, theo module hoặc đào tạo trọn khóa dưới 3 tháng.

Chẳng hạn, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai thường xuyên mở lớp đào tạo ngắn hạn các nghề như: điện công nghiệp, điện lạnh, sửa chữa máy may, hàn điện, bảo trì bảo dưỡng máy công cụ, tiện - phay CNC, bảo dưỡng máy CNC, xe nâng, điện ô tô…

Các khóa đào tạo này được thực hiện khá linh động, có thể mở lớp chỉ với dưới 10 học viên/lớp. Các trường cũng có thể thiết kế chương trình đào tạo theo nhu cầu của DN. Chương trình, thời gian đào tạo được thực hiện theo thỏa thuận giữa 2 bên. Các khóa đào tạo tại DN thường tổ chức khi có từ 10 người học, hoặc DN thỏa thuận trả kinh phí để tổ chức khóa học.

Thông thường, học viên các khóa học này có nhu cầu chuyển đổi văn bằng: từ công nhân kỹ thuật (bằng nghề 3/7) lên trình độ trung cấp, từ trình độ trung cấp nghề sang trình độ trung cấp, từ trình độ cao đẳng nghề sang trình độ cao đẳng (đối với các nghề có văn bằng chuyên ngành tương đương, phải học chuyển đổi).

Ông LÊ ĐÌNH THÂM, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, cho biết trường đang có kế hoạch mở thêm ngành mới là Logistics để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cảng hàng không quốc tế Long Thành và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là nghề đang có nhu cầu nhiều về nhân sự với vị trí việc làm khá đa dạng: quản lý, sắp xếp kho bãi; vận chuyển hàng hóa... Để mở ngành mới, trường cần đầu tư thêm trang thiết bị, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, giáo trình…

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202205/truong-nghe-day-manh-hop-tac-dao-tao-nhan-luc-3115512/