Trường học châu Á, châu Phi bế tắc vì nắng nóng kỷ lục

Đối mặt với sóng nhiệt, các trường học phải đứng trước quyết định cho trẻ ở nhà hay vẫn đến trường để đảm bảo việc học.

Nắng nóng cực đoan ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Ảnh: No Next Question.

Hena Khan, học sinh lớp 9 ở Dhaka, đã phải vật lộn trong cái nóng 43 độ C để có thể tập trung vào việc học. Em là một trong hơn 40 triệu học sinh ở châu Á và Bắc Phi phải nghỉ học trong những tuần gần đây vì nắng nóng cực đoan, các trường học buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh.

"Môi trường giáo dục không thể duy trì trong cái nóng khắc nghiệt như vậy được. Giáo viên không thể dạy, học sinh không thể tập trung. Nói đúng hơn là mạng sống của chúng em đang gặp nguy hiểm", nữ sinh nói với Reuters.

Hàng loạt quốc gia ảnh hưởng

Khi Trái Đất nóng lên, các đợt nắng nóng sẽ kéo dài và đạt đỉnh. Khi đó, các cơ quan chính phủ và chuyên gia y tế trên khắp thế giới phải vật lộn trước quyết định có nên cho học sinh tiếp tục học trong thời tiết nóng bức như vậy hay cho các em ở nhà cho mát.

Nhưng một vấn đề là quyết định nào cũng gây ra hậu quả.

Học sinh, giáo viên Bangladesh vật lộn trong mùa nóng. Ảnh: Phys.org.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng 17% trẻ em trong độ tuổi đến trường trên toàn thế giới đã thất học. Nhưng tỷ lệ này thậm chí lớn hơn nhiều ở các nước đang phát triển. Ước tính gần 1/3 trẻ em ở khu vực châu Phi hạ Sahara nghỉ học, trong khi khu vực Bắc Mỹ chỉ khoảng 3%.

Ngoài ra, điểm thi của trẻ em ở các nước đang phát triển cũng bị "tụt hậu" so với trẻ em ở các nước phát triển.

Chuyên gia nói với Reuters rằng nhiệt độ có thể khiến bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn, đồng thời mở rộng khoảng cách học tập giữa các quốc gia phát triển vùng nhiệt đới với các nước phát triển. Thậm chí, khoảng cách này có thể xảy ra ở ngay trong một thành phố, giữa hai quận giàu - nghèo.

Tuy nhiên, đưa trẻ đến trường trong điều kiện thời tiết quá nóng lại có thể khiến các em bị ốm.

Cuối tháng 3 vừa qua, Nam Sudan đóng cửa trường học và cho 2,2 triệu học sinh nghỉ học khi nhiệt độ tăng vọt lên 45 độ C.

Hàng nghìn trường học ở Philippines và Ấn Độ cũng làm điều tương tự vào cuối tháng 4 vì nắng nóng bất thường. Đến ngày 24/4, Campuchia lệnh cho tất cả trường công lập giảm 2 giờ học để trẻ tránh nắng nóng vào khung giờ cao điểm.

Trong khi đó, Bangladesh vẫn đang phân vân giữa việc mở cửa hay đóng cửa trường học cho 33 triệu học sinh vì các em chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng.

Ông Shumon Sengupta, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Save the Children tại Bangladesh, cho biết nhiều trường học ở nước này không có quạt, hệ thống thông gió không đảm bảo và mái tôn không có khả năng cách nhiệt.

Vào năm 2023, Bangladesh từng cho trẻ nghỉ học trong 6-7 ngày vì nắng nóng. Đại diện Save the Children dự đoán số ngày nghỉ học của trẻ trong năm 2024 có thể sẽ tăng, thậm chí lên đến 3-4 tuần vì tháng 5 thường là tháng nóng nhất ở Nam Á.

Mỹ cũng đang hứng chịu những tác động tiềm ẩn do nhiệt độ tăng. Một nghiên cứu năm 2021 do kỹ sư Paul Chinowsky dẫn đầu cho biết các trường học ở Mỹ cho trẻ nghỉ 6-7 ngày mỗi năm vì nắng nóng. Trong khi ở thập kỷ trước, số ngày trẻ ở nhà tránh nóng chỉ khoảng 3-4 ngày.

Dù học ở trường hay học online, cái nóng vẫn ảnh hưởng đến trẻ. Ảnh: Flickr.

Trẻ không học nổi vì nóng

Một điều mà các nhà giáo dục cần lưu ý là dù cho trẻ đi học trong cao điểm nắng nóng, việc học của các em vẫn có thể bị ảnh hưởng. Lý do là nhiệt độ cao sẽ làm chậm chức năng nhận thức của não, làm giảm khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin.

Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên American Economic Journal đã chỉ ra rằng học sinh trung học ở Mỹ sẽ thi kém hơn nếu phải tiếp xúc với nhiệt độ cao trong năm trước khi kỳ thi diễn ra.

Nhà kinh tế học Josh Goodman tại Đại học Boston (Mỹ) cho biết phần lớn tác động sẽ biến mất ở những trường có điều hòa nhiệt độ. Khoảng 40-60% trường học ở Mỹ có ít nhất một hệ thống điều hòa. Còn những trường không có điều hòa thường ở các địa phương khó khăn hơn.

Khi kiểm tra dữ liệu ở các quốc gia khác, ông Goodman và các đồng nghiệp nhận thấy kết quả học tập cũng có sự liên quan đến nhiệt độ. Cụ thể, học sinh ở những nước quanh năm nóng nực sẽ học được ít hơn.

Thậm chí, một nghiên cứu được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) vào năm 2019 cho thấy nhiệt độ quá cao ở vùng nhiệt đới cũng có thể ảnh hưởng đến việc học của trẻ ngay trước khi các em chào đời.

Theo đó, trẻ em ở Đông Nam Á tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn mức trung bình khi ở trong bụng mẹ và khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ đi học ít hơn khi lớn lên.

Là nhà nghiên cứu, ông Goodman bày tỏ quan ngại vì khi Trái Đất nóng lớn, các nước nhiệt đới vốn đã nóng sẽ phải chịu đựng nhiều hơn các nước ôn đới. Khi đó, biến đổi khi hậu sẽ càng làm tăng khoảng cách học tập của trẻ em giữa các nước ôn đới và nhiệt đới.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/truong-hoc-chau-a-chau-phi-be-tac-vi-nang-nong-ky-luc-post1473403.html