Trường đại học tổ chức tọa đàm về ChatGPT cho sinh viên

Tăng cường gắn kết doanh nghiệp, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn là những điểm nổi bật trong chương trình đào tạo sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF). Bên cạnh quá trình tham quan, học tập tại doanh nghiệp, sinh viên trường này còn thường xuyên gặp gỡ các doanh nhân, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực thông qua các workshop, talkshow trang bị kiến thức thực tế ngay tại trường.

Với tinh thần này, sáng 28/2, UEF đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Liệu ChatGPT có là cuộc cách mạng công nghệ số trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế và logistics?”.

Diễn giả của chương trình là các doanh nhân, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, kinh doanh quốc tế và logistics: Ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; Ông Phạm Ngọc Duy Liêm - CGO & Co-Founder Go Stream; Ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM; Ông Trương Nguyên Linh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 (đơn vị liên doanh đầu tư khai thác Cảng VICT). Chương trình được dẫn dắt bởi MC Hà Diễm - Host Radio của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM VOH.

Chương trình tọa đàm bàn về ChatGPT với sự chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành

Tại buổi tọa đàm, sinh viên đã được các chuyên gia giới thiệu cụ thể về ChatGPT, chức năng, ưu điểm, nhược điểm, hướng dẫn cách thức sử dụng và một số lưu ý về ChatGPT; Đánh giá khả năng ứng dụng ChatGPT trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, logistics; Tầm quan trọng của số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, logistics và đề xuất một số phần mềm số hóa trong hai lĩnh vực này.

ChatGPT là công nghệ đột phá mới tạo được sức hút lớn trong thời gian ngắn vì đã thay đổi cách thức giao tiếp giữa con người với máy tính như một cuộc hội thoại. Công nghệ lõi của ChatGPT là công nghệ Transformer, xử lý thông tin đồng thời nên giúp tốc độ xử lý của ChatGPT rất nhanh. Song, ông Phạm Ngọc Duy Liêm cho rằng hạn chế của ChatGPT là phải có data và chỉ trả lời những dữ liệu được huấn luyện, công nghệ này cũng rất tốn kém.

Tuy nhiên, với lượng data khổng lồ, ông Liêm nhấn mạnh tiềm năng của ChatGPT là vô tận, mở ra thời kỳ mới cho việc giao tiếp giữa con người và máy móc.

Sinh viên có thêm góc nhìn cận cảnh về ứng dụng công nghệ mang tính đột phá

Để ứng dụng ChatGPT vào logistics, diễn giả Phí Anh Tuấn cho rằng công nghệ này phải tích hợp nhiều yếu tố và xử lý được các hình thức dữ liệu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sử dụng được công nghệ của ChatGPT để xử lý dữ liệu thực tế thì đó thật sự là cuộc cách mạng. “ChatGPT là công cụ khai thác dữ liệu, các doanh nghiệp muốn “thắng” thì trước hết phải làm chủ dữ liệu” - Ông Phí Anh Tuấn khẳng định.

Ông Trương Tấn Lộc cũng đồng quan điểm ứng dụng ChatGPT là một cuộc cách mạng về số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế và logistics. Ông Trương Nguyên Linh đã chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số tại công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 để sinh viên hình dung rõ hơn vấn đề. Quá trình chuyển đổi công nghệ số trong lĩnh vực logistics đang diễn ra khá mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Việt Nam nên việc dần thay thế các hoạt động thủ công cần nhiều yếu tố về con người bằng máy móc, số hóa khâu hành chính giấy tờ và việc có nhiều hơn các công cụ thì sẽ là một bước chuyển lớn trong sự phát triển của chuỗi hoạt động về logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Ở phần thảo luận chung, từ các câu hỏi của sinh viên, các diễn giả đã chia sẻ quan điểm về vấn đề vai trò của con người trong logistics có bị thay thế bởi công nghệ hay không, đặc biệt là ChatGPT. “Chatbot” thông minh này có thể thay đổi cách thức làm việc của con người như chăm sóc khách hàng, soạn thảo nội dung, PR thương hiệu hay xử lý thông cáo báo chí, đơn hàng,… nhưng vẫn có rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào ChatGPT. Do đó, con người làm việc trong lĩnh vực có ứng dụng máy móc thì phải thay đổi, cập nhật, nếu con người không thay đổi thì dễ bị đào thải.

UEF thường xuyên tổ chức các tọa đàm, workshop trang bị kiến thức thực tế cho sinh viên

Từ những góc nhìn thực tế của chuyên gia, sinh viên đang theo học nhóm ngành kinh tế nói chung và hai ngành học này nói riêng sẽ có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, tận dụng những ưu thế của công nghệ để phát huy tối đa năng lực bản thân, đặc biệt là xóa đi nỗi lo “máy móc sẽ thay thế con người” trong mọi ngành nghề.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/truong-dai-hoc-to-chuc-toa-dam-ve-chatgpt-cho-sinh-vien-post1513768.tpo