Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị tiền đề cho tự chủ

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo – một trong ba đột phá chiến lược cần thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới. Vậy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào cho công tác tự chủ?

Tự chủ đại học ở Việt Nam

Giáo dục đại học đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Tuy nhiên, giáo dục đại học thế giới đang trong giai đoạn chuyển biến rất mạnh mẽ với những nét đặc trưng: i) Đại chúng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và ngày càng thực tế hơn của người học và của thị trường lao động; ii) Tự chủ và tự chịu trách nhiệm; iii) Đa dạng hóa và quốc tế hóa.

Tự chủ đại học là quyền của cơ sở giáo dục đại học quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình, cách thức và phương tiện thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước xã hội và pháp luật về mọi quyết định cũng như hoạt động của mình.

Ở Việt Nam, mặc dù quyền tự chủ của trường đại học đã được Luật Giáo dục 2005 ghi nhận với nội dung tương tự quan niệm của các nước phát triển nhưng cơ chế quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học và sự quản lý của các trường đại học còn nhiều bất hợp lý, chưa đáp ứng kịp đòi hỏi của sự phát triển nhanh về quy mô và sự đa dạng của hệ thống giáo dục đại học. Nếu chúng ta chậm trễ trong cải cách hệ thống giáo dục đại học, chậm đổi mới quan điểm và cơ chế quản lý, sẽ đánh mất cơ hội để hội nhập và phát triển.

Ba yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng đào tạo, đó là cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và đội ngũ cán bộ, đều phụ thuộc một cách quyết định vào nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, các nguồn lực tài chính cho các trường đại học công lập chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, đóng góp của người học và của xã hội đều quá hạn hẹp, không đủ đảm bảo giữ chất lượng, tiếp cận với những chuẩn mực của khu vực và trên thế giới. Trong điều kiện nguồn kinh phí của Nhà nước khó có thể tăng trong nhiều năm tiếp theo, việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, đặc biệt quyền tự chủ tài chính, sẽ là giải pháp then chốt giúp các trường đại học có cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ người học và xã hội cho phát triển bền vững.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2010 Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội đã xây dựng Đề án “Đổi mới quản lý đại học - Thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm tại Trường ĐHBK Hà Nội” trình Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Trên cơ sở đề án này, ngày 28/3/2011 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 1211/QĐ-BGDĐT giao Trường ĐHBK Hà Nội thí điểm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung về hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.

Trường ĐHBK Hà Nội và quyền tự chủ

Trong thời gian thực hiện thí điểm, Trường ĐHBK Hà Nội được quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng: chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo đã có trong danh mục, liên kết đào tạo, mức học phí cho các chương trình đào tạo đặc biệt và liên kết quốc tế; sử dụng các nguồn thu hợp pháp để chi cho các hoạt động thường xuyên, đầu tư xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất. Một số nội dung khác Trường được triển khai sau khi Đề án được Bộ GD&ĐT tạo phê duyệt, như: phương thức tuyển sinh, mở ngành đào tạo chưa có trong danh mục, thiết kế mẫu bằng và in phôi bằng tốt nghiệp, mức học phí cho các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Đại học Bách khoa Hà Nội - nôi đào tạo nhân lực hàng đầu cho đất nước. Ảnh TT

Trong ba năm thực hiện Đề án thí điểm, Trường ĐHBK Hà Nội đã áp dụng mô hình đào tạo đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế, phân định rõ các bậc đào tạo cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ; phân luồng đào tạo cao học theo hai định hướng nghiên cứu và ứng dụng, áp dụng những chuẩn mực của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, chú trọng năng lực làm việc của người tốt nghiệp; đổi mới tuyển sinh; thiết kế mẫu bằng riêng, tổ chức in phôi, quản lý cấp bằng tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trường cũng đã đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý: thành lập các viện đào tạo (học viện) và viện nghiên cứu; phân cấp quản lý cho các viện; sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ tại các đơn vị; chú trọng chất lượng công tác định biên và tuyển dụng cán bộ, giảm tỉ lệ cán bộ phục vụ giảng dạy, tăng yêu cầu tuyển dụng giảng viên; tiến hành cải cách hành chính, chuẩn hóa toàn bộ hệ thống và quy trình quản lý, phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008; đổi mới phương thức tổ chức và quản lý các hoạt động KHCN, tăng cường hợp tác quốc tế. Trường cũng đã đổi mới công tác quản lý tài chính theo hướng minh bạch hóa và giảm thiểu các thủ tục hành chính; tăng cường quản lý và khai thác đất đai, tài sản công.

Một số nội dung thí điểm đã được tổng kết và đưa vào Luật Giáo dục Đại học năm 2012 “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học” và được cụ thể hóa ở các văn bản, quy chế của Bộ GD&ĐT như xây dựng chương trình đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, thiết kế mẫu bằng và in phôi bằng tốt nghiệp, học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao. Đề án thí điểm tự chủ của Trường cũng đã có những đóng góp quan trọng để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017.

Dù mới chỉ được thực hiện thí điểm các nội dung tự chủ và tự chịu trách nhiệm, Trường đã phát huy được quyền chủ động và trách nhiệm xã hội trong nhiều mặt hoạt động, đạt được những kết quả tốt, khẳng định vị thế của trường đại học hàng đầu về khoa học, công nghệ của đất nước và từng bước gia tăng uy tín, vị thế trong khu vực và trên thế giới, tạo tiền đề để trình Chính phủ Đề án tự chủ hoàn toàn.

Có thể khẳng định tự chủ là điều kiện tiên quyết cho thành công của các trường đại học, bởi vì chỉ khi có quyền quyết định những vấn đề cốt yếu nhất trong hoạt động của mình, các trường mới có động cơ và năng lực cạnh tranh trên cơ sở chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng tìm việc làm của người học. Quyền tự chủ một mặt đảm bảo cho trường đại học được tự quyết định các vấn đề của mình, nhưng mặt khác lại đề cao trách nhiệm của nhà trường trước xã hội.

Trong thời gian tới, Trường ĐHBK Hà Nội tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, gỡ bỏ các rào cản hành chính để phát huy tối đa sức mạnh tập thể của các đơn vị, cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn Trường, giao quyền tự chủ cho các viện, đã phân cấp một phần các quyền tự chủ trong đào tạo và NCKH, chú trọng triển khai phân cấp theo định hướng tự chủ cho các đơn vị cấp 2, chuẩn bị kế hoạch, giải pháp triển khai cơ chế tự chủ cho Trường theo chủ trương của Chính phủ ngay trong năm học 2016-2017.

PGS Trần Văn Tớp

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/truong-dhbk-ha-noi-chuan-bi-tien-de-cho-tu-chu-d105618.html