Trước thềm họp ĐHĐCĐ bất thường, Xây dựng Hòa Bình (HBC) đón loạt tin vui về thu hồi công nợ

Ngay trước thềm diễn ra Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã cổ phiếu HBC) công bố loạt thông tin tích cực về việc thu hồi công nợ - một trong những vấn đề mấu chốt để vực dậy hoạt động kinh doanh.

Xây dựng Hòa Bình đón nhận loạt tin vui về vấn đề thu hồi công nợ

Chỉ trong vòng 02 ngày trở lại đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã cổ phiếu HBC - sàn HoSE) đã đón nhận loạt thông tin tích cực về hoạt động thu hồi công nợ.

Cụ thể, vào ngày 13/10, Xây dựng Hòa Bình cho biết, Tòa án Nhân dân TP.Quy Nhơn đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Xây dựng Hòa Bình, buộc Công ty TNHH Vì Khoa Học thanh toán khoản khoản tiền hơn 100 tỷ đồng. Khoản tiền này là số tiền Công ty TNHH Vì Khoa Học còn nợ đọng với Xây dựng Hòa Bình tại các gói thầu thi công xây dựng Dự án Khách sạn Vì Khoa Học tại TP.Quy Nhơn.

Cũng trong ngày 13/10, Xây dựng Hòa Bình công bố đã hoàn tất việc thu hồi khoản nợ liên quan đến dự án Khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Theo đó, Xây dựng Hòa Bình đã nhận được hơn 270 tỷ đồng tiền mặt và bất động sản trị giá 34 tỷ đồng từ Tập đoàn FLC.

Thu hồi công nợ là một trong những vấn đề mấu chốt để Xây dựng Hòa Bình vực dậy hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Được biết, các vướng mắc về công nợ giữa Xây dựng Hòa Bình và Tập đoàn FLC kéo dài từ năm 2015 khi Xây dựng Hòa Bình bàn giao dự án Khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn cho Tập đoàn FLC. Đến năm 2020, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh Hà Nội đều có phán quyết chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Xây dựng Hòa Bình, buộc Tập đoàn FLC thanh toán các khoản công nợ. Sau đó, Tập đoàn FLC đã thỏa thuận thanh toán công nợ theo lộ trình.

Ngay trước đó, vào ngày 12/10, Xây dựng Hòa Bình cho biết, phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh về vụ tranh chấp của Xây dựng Hòa Bình và Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (mã hồ sơ 163/22HCM) đã có hiệu lực pháp luật để thi hành.

Theo đó, Hội đồng trọng tài đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Xây dựng Hòa Bình buộc Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán cho Xây dựng Hòa Bình toàn bộ số tiền gần 162 tỷ đồng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập phán quyết.

Tích cực thu hồi nhằm vực dậy hoạt động kinh doanh

Xây dựng Hòa Bình từng là một trong Top 5 nhà thầu tổng hợp lớn nhất Việt Nam.

Tích cực thu hồi công nợ là một trong những chiến lược của Xây dựng Hòa Bình để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau nhiều quý kinh doanh thua lỗ và biến động lãnh đạo thượng tầng. Xây dựng Hòa Bình từng là một trong Top 5 nhà thầu tổng hợp lớn nhất Việt Nam với việc tham gia loạt công trình trọng điểm trong và ngoài nước.

Tính đến cuối quý 2/2023, tập đoàn xây dựng này đã ghi nhận lỗ lũy kế lên tới hơn 2.800 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn là gần 9.100 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng tài sản. Trong đó, hơn 5.400 tỷ đồng phải thu từ khách hàng và gần 3.800 tỷ đồng thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Xây dựng Hòa Bình đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 2.500 tỷ đồng.

Theo văn bản giải trình mới được Xây dựng Hòa Bình gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) về việc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và hạn chế giao dịch như sau, Xây dựng Hòa Bình cho biết sẽ quyết liệt quản trị khoản phải thu theo lộ trình như sau:

Khoản phải thu khách hàng kéo dài: 2.742 tỷ đồng; dự kiến thu về trong năm 2023: 995 tỷ đồng, hoàn nhập 257 tỷ đồng; và dự kiến thu về trong năm 2024: 1.250 tỷ đồng, hoàn nhập 558 tỷ đồng; dự kiến thu về trong năm 2025: 497 tỷ đồng, hoàn nhập 243 tỷ đồng.

Khoản phải thu khách hàng là 3.848 tỷ đồng, trong đó, đẩy nhanh tốc độ thu tiền; đàm phán cấn trừ công nợ trong trường họp chủ đầu tư gặp khó khăn về mặt tài chính.

Khoản phải thu theo tiến độ là 3.665 tỷ đồng, trong đó, đẩy nhanh công tác hồ sơ các khoản thanh toán sản lượng hàng kỳ để giảm khoản phải thu theo tiến độ xuống. Ngoài ra, thương lượng thêm các điều khoản thanh toán.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Giá trị sổ sách cổ phiếu HBC ngang cốc trà đá, Xây dựng Hòa Bình vẫn muốn hoán đổi 1.200 tỷ tiền nợ bằng cổ phiếu" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong phiên họp thường niên hồi cuối tháng 5/2023, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình cho biết, trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán đã có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa án và Hòa Bình đều thắng. Theo Phó chủ tịch HĐQT Lê Viết Hiếu, công ty đang có hơn 1.000 tỷ đồng nợ được đơn vị thi hành án công nhận và đã thu hồi hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, vụ kiện với Cocobay Đà Nẵng có giá trị tổng nợ là 374 tỷ đồng, Xây dựng Hòa Bình đã nhận được 140 tỷ đồng.

Ngày 17/10 tới đây, Xây dựng Hòa Bình sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2023 nhằm thông qua Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 14/10, cổ phiếu HBC đạt 8.550 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 9% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/truoc-them-hop-dhdcd-bat-thuong-xay-dung-hoa-binh-hbc-don-loat-tin-vui-ve-thu-hoi-cong-no-112321.htm