Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh - Vị tướng đầu ngành cơ học Việt Nam

Trung tướng, GS, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hoa Thịnh không chỉ là một nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý tiêu biểu, ông còn là một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cơ học ở nước ta.

Đường đến với ngành cơ học

Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh (1940-2022), sinh ở thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Hồi nhỏ, ông là cậu bé thông minh, học giỏi. Năm 15 tuổi, ông được bố, mẹ đưa ra Hà Nội học tại Trường cấp 2-3 Hà Nội (nay là Trường Trung học phổ thông Việt - Đức, Hà Nội).

Tốt nghiệp cấp 3, năm 1958, Nguyễn Hoa Thịnh thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là một trong những sinh viên xuất sắc, nên Nguyễn Hoa Thịnh được cử sang học tại Đại học Thanh Hoa, một trong những đại học hàng đầu về kỹ thuật của Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa hạng xuất sắc và được trường giữ lại học thêm một chuyên đề về "biến dạng dẻo kim loại" trong vòng một năm, năm 1966, Nguyễn Hoa Thịnh về nước và được điều vào quân đội, giảng dạy tại Phân hiệu II, Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh (năm 2001).

Tôi nhớ có lần gặp Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh, được ông tâm sự: Hồi là học sinh, sinh viên, tuy học giỏi toán, nhưng ông rất yêu văn học. Có lẽ niềm yêu ấy mang từ dòng máu của mẹ - bà Lưu Thị Hiểu, em gái ruột của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Quê ngoại của ông là làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình).

Ông thuộc nhiều bài thơ của bác ruột, nhà thơ Lưu Trọng Lư. Rồi ông đọc những câu thơ trong bài "Nắng mới":

Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời,

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

Yêu văn chương, học giỏi toán giúp Nguyễn Hoa Thịnh phát triển toàn diện năng khiếu. Chính vì vậy, những giờ giảng của thầy Thịnh về môn Sức bền vật liệu, Cơ học môi trường liên tục, Lý thuyết đàn hồi, Lý thuyết tấm và vỏ... sinh viên hào hứng học, dễ tiếp thu.

Bằng sự say mê nghề nghiệp, nỗ lực nghiên cứu, nên đến năm 1968, Nguyễn Hoa Thịnh đã được bổ nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn Cơ kỹ thuật thuộc Khoa Cơ - Điện, Trường Đại học Kỹ thuật quân sự (Học viện Kỹ thuật quân sự ngày nay).

Năm 1971, thầy Nguyễn Hoa Thịnh được Bộ Quốc phòng cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh Phó tiến sĩ, chuyên ngành Sức bền vật liệu và cơ học kết cấu tại Trường Đại học Xây dựng Rostov-na-Don. Năm 1975, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ, ông trở về nước, tiếp tục giảng dạy ở Trường Đại học Kỹ thuật quân sự.

Sau đó, ông được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Cơ bản. Khi Học viện Kỹ thuật quân sự thành lập (1981) trên cơ sở Đại học Kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ, năm 1983, Chủ nhiệm khoa Nguyễn Hoa Thịnh tiếp tục được cử đi nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Liên Xô.

Năm 1986, Nguyễn Hoa Thịnh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học chuyên ngành Sức bền vật liệu và cơ học kết cấu; về nước, ông được bổ nhiệm Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, phụ trách đào tạo. Năm 1989, ông được bổ nhiệm Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự.

Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh, năm 2015, tại Đà Nẵng.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Năm 1988, tôi trúng tuyển vào đào tạo tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Kinh tế đất nước thời gian này gặp nhiều khó khăn, đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội càng khó khăn hơn. Thầy Nguyễn Hoa Thịnh lúc này là Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, rất quan tâm đến đời sống sinh viên.

Là Phó giám đốc phụ trách đào tạo nhưng thầy thường xuyên đến kiểm tra, thăm hỏi đời sống cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi mới vào nhập học, thầy tham mưu với hiệu trưởng và chỉ đạo các khoa gặp gỡ học viên mới. Chúng tôi học ở Khoa Vũ khí, nên tâm tư cũng có nhiều xáo trộn. Thầy chỉ đạo Khoa Vũ khí tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp.

Chính thầy đến gặp mặt và nói chuyện với học viên, nói về tương lai của chúng tôi và cho rằng chúng tôi là một trong những lớp chủ nhân xây dựng quân đội, đưa khoa học, kỹ thuật vào phát triển khoa học quân sự. Thầy trực tiếp lên lớp, diễn thuyết cho chúng tôi nghe. Những bài giảng, phát biểu của thầy khiến chúng tôi yên tâm, là động lực để chúng tôi học tập, phấn đấu. Nhiều người có ý định xuất ngũ, rời bỏ quân ngũ, đã yên tâm học tập, phấn đấu rèn luyện và học tập tốt.

Trên cương vị Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, TSKH Nguyễn Hoa Thịnh rất quan tâm và cùng với Ban Giám đốc chỉ đạo các khoa, cơ quan đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên và cán bộ trẻ; phát huy hiệu quả Hội nghị Tuổi trẻ nghiên cứu khoa học, lấy ngày 19-5 hằng năm làm ngày tổ chức hội nghị khoa học trong học viện.

Khi đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Liên Xô, thầy Nguyễn Hoa Thịnh tích cực ủng hộ Hội Cơ học Việt Nam (thành lập năm 1982), tổ chức cuộc Hội thảo: "Một số vấn đề cơ học ứng dụng trong sản xuất quốc phòng" tổ chức tại Học viện Kỹ thuật quân sự năm 1985.

Thầy Nguyễn Hoa Thịnh là một trong những thành viên của Hội Cơ học Việt Nam đề xuất và ủng hộ việc mở cuộc thi Olympic cơ học toàn quốc, tổ chức năm 1990. Trong cuộc thi lần đầu tiên này, nhiều học viên Học viện Kỹ thuật quân sự đạt giải cao.

Tiếp sau đó, dưới sự quan tâm và chỉ đạo của Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của học viện phát triển, tham gia các cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học" và Olympic cơ học toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các hội ngành của Liên hiệp Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Hội Cơ học Việt Nam tổ chức, học viện đều có sinh viên và công trình đạt giải cao, góp phần tạo uy tín của học viện trong ngành giáo dục, đào tạo toàn quốc.

Hết lòng vì sự nghiệp khoa học, công nghệ

Khi trở thành nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực cơ học vật rắn biến dạng, cơ học kết cấu và cơ học vật liệu composite, thầy Nguyễn Hoa Thịnh tiếp tục phấn đấu, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân đội phát triển khoa học, công nghệ quân sự.

Giám đốc Nguyễn Hoa Thịnh đã chủ trương xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật trình độ cao. Ông đề nghị với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng, cho học viện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy tham mưu kỹ thuật; thành lập Khoa Chỉ huy tham mưu kỹ thuật tại Học viện Kỹ thuật quân sự để đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ khoa học kỹ thuật toàn quân.

Bằng những đóng góp của ông cho ngành kỹ thuật quân sự, năm 1997, TS Nguyễn Hoa Thịnh được bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Trong thời gian ở cương vị này, TS Nguyễn Hoa Thịnh chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự; chuẩn hóa cán bộ ngành kỹ thuật. Sau 5 năm là Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, tỉ lệ cán bộ kỹ thuật trong quân đội có trình độ đại học và sau đại học tăng lên rõ rệt, góp phần xây dựng ngành kỹ thuật quân đội phát triển, giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật khó phát sinh từ thực tiễn.

Năm 2002, Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh được điều động từ Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật về làm Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng (nay là Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ Tổng tham mưu).

Sau 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự đã dần ổn định tổ chức, nhưng hướng hoạt động còn phân tán và có lĩnh vực chưa rõ ràng, thống nhất. Giám đốc Nguyễn Hoa Thịnh chủ trương hướng đi của Trung tâm là coi trọng nghiên cứu cơ bản, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, bám sát thực tế công tác kỹ thuật của Quân đội, đồng thời mở rộng nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Năm 2002, TS Nguyễn Hoa Thịnh và TS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu, cho xuất bản cuốn sách "Vật liệu composite cơ học và công nghệ" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành. Tháng 5- 2005, TS Nguyễn Hoa Thịnh chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Hội Cơ học Việt Nam tổ chức Hội thảo toàn quốc "Cơ học và khí cụ bay có điều khiển" lần thứ I tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự. Cũng trong năm 2005, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành công trình nghiên cứu "Kết cấu và tính toán độ bền khí cụ bay" của ông.

Điều đó cho thấy, cùng với công tác quản lý, ông tranh thủ thời gian nghiên cứu và nỗ lực thực hiện các công trình nghiên cứu của mình. Trong thời gian TSKH Nguyễn Hoa Thịnh làm Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là Chủ tịch Hội đồng biên tập của các tạp chí: Kỹ thuật và Trang bị, Nghiên cứu khoa học và Công nghệ quân sự. Nhiều bài báo của ông và các nhà khoa học đăng trên hai tạp chí này đã có tính định hướng chỉ đạo và góp phần phát triển ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam.

Năm 2007, TSKH Nguyễn Hoa Thịnh được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho nghỉ chế độ hưu trí. Song với tinh thần của nhà khoa học, ông không ngưng nghỉ lao động, sáng tạo. Tại Đại hội đại biểu lần thứ VI của Hội Cơ học Việt Nam ngày 6-12-2007, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam.

Ông còn là Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia; Hội đồng chức danh giáo sư ngành khoa học kỹ thuật; Hội đồng biên tập tạp chí Cơ học (Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia).

Ông tích cực đóng góp cho Trung ương Đảng để xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”...

TSKH Nguyễn Hoa Thịnh được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1994, Trung tướng năm 1999 và được phong các chức danh: Phó giáo sư (1984), Giáo sư (1991), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1990); được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và Huân chương Lomonosov (Liên bang Nga, 2006) về khoa học công nghệ. Ông còn được tặng các Huy chương: "Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ"; "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam"…

XUÂN GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-nguyen-hoa-thinh-vi-tuong-dau-nganh-co-hoc-viet-nam-724035