Trùng tu di tích và những bất cập cần giải quyết

(VOV) -Một di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn mà khi trùng tu cũng bị vi phạm nghiêm trọng.

Từ đầu tháng 4 tới nay, báo chí liên tục lên tiếng về những vấn đề nổi cộm trong việc trùng tu ở khu Di tích Mỹ Sơn- Quảng Nam - một di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận. Từ vụ việc này, nhìn lại các vụ nâng cấp, trùng tu di tích mới thấy công tác này vẫn còn nhiều bất cập.

Một di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn mà khi trùng tu cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể là UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã tự ý cho phép đào bới trong kè chắn suối Khe Thẻ tại khu di tích, mà chưa có thỏa thuận và chưa được phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Lý do mà UBND huyện Duy Xuyên đưa ra là lòng suối cổ Khe Thẻ Mỹ Sơn đang có nguy cơ bị xói mòn và tiến dần vào khu tháp, cộng thêm việc lũ tiểu mãn sắp đến có thể ảnh hưởng tới di tích, đặc biệt là tháp B3 khi hiện tại đã nghiêng 15 độ.

Khu Di tích Mỹ Sơn

Tuy vậy, theo phân tích của các chuyên gia, lý do tháp nghiêng là không đúng với sự thật, bởi tháp B3 đã bắt đầu nghiêng từ đầu thế kỷ trước và chỉ có thể nghiêng vài độ, còn nếu nghiêng tới 15 độ thì không thể đứng vững được như hiện tại. Việc làm này của UBND huyện Duy Xuyên đã phá vỡ cảnh quan nguyên gốc của Mỹ Sơn một cách nghiêm trọng. Điều này cũng gây lo lắng cho nhiều người quan tâm và yêu mến di tích Mỹ Sơn. Tuy nhiên, điều đáng mừng, là một số cơ quan chức năng trong tỉnh Quảng Nam đã chính thức nhận lỗi, bởi họ hiểu rằng, như vậy là vi phạm Luật Bảo vệ di sản và trái với quyết định của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý, bảo vệ di tích.

Thực ra, việc trùng tu Khu di tích Mỹ Sơn nằm trong dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc trùng tu thời gian này nằm trong giai đoạn 2 của Dự án. Nhưng theo Công ước Bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới năm 1972, những đụng chạm đến di sản văn hóa thế giới phải có ý kiến của UNESCO; phải có dự án để xin ý kiến. Chỉ sau khi UNESCO đồng ý, việc tu bổ mới được tiến hành.

Luật Di sản cũng quy định với di tích đặc biệt như Mỹ Sơn, muốn có xây dựng, tu bổ cũng phải có ý kiến của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Như vậy, dù đưa ra bất cứ lý do gì, thì việc làm này cũng vi phạm Luật và chưa đúng trình tự, thủ tục, nguyên tắc.Và việc nhận lỗi của một số cơ quan chức năng trong tỉnh Quảng Nam là rất kịp thời và đáng hoan nghênh.

Từ vụ việc này, cũng xin được nhìn lại những vụ việc tương tự trong thời gian gần đây, hẳn mọi người còn nhớ câu chuyện chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, Hà Nội từng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới: toàn bộ công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc tam cấp từ gác chuông lên sân tiền đường đều bị nhà chùa dỡ bỏ hoàn toàn và xây mới. Tất nhiên là sau khi cơ quan quản lý văn hóa vào cuộc thì mọi việc đã được chấn chỉnh, nhưng đây là một biểu hiện rõ nét của sự lơ là trong công tác quản lý văn hóa.

Những ngày đầu năm nay, dư luận lại nổi sóng khu di tích văn hóa- tôn giáo Chùa Dơi ở Sóc Trăng bị náo động khi trước cổng chùa hình thành một dãy nhà hàng, ki-ốt, sân bãi giữ xe. Ngôi chùa này vốn nổi tiếng là nơi lưu trú của hàng nghìn con dơi bám trên các cây sao được trồng quanh chùa. Nhưng thời gian gần đây, đàn dơi thưa thớt dần mà không đưa ra được nguyên nhân. Vụ việc này khiến lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải về Sóc Trăng để tìm hiểu và chỉ khi đó vấn đề mới được giải quyết.

Gần đây nhất là chuyện các bức tượng La Hán ở chùa Đậu- một di tích lịch sử cấp quốc gia tại Hà Nội, bị sơn móng chân, móng tay màu đỏ chót. Sự “hiện đại hóa” quá mức và bất hợp lý các bức tượng như vậy cũng lập tức nhận được sự phản đối của dư luận.

Bảo tồn, trùng tu di tích, di sản văn hóa lịch sử là một công việc hoàn toàn không đơn giản, nên không thể nóng vội. Cũng không thể vì lý do xã hội hóa mà làm hỏng di tích. Hơn nữa, nếu là Di sản Quốc gia hoặc thế giới thì phải tuyệt đối tuân theo Luật Di sản, do đó không thể nóng vội, tránh để xảy ra tình trạng phải khoanh vùng, tạm dừng thi công như đang diễn ra ở khu di tích Mỹ Sơn- Quảng Nam.

Thiết nghĩ, từ những vụ việc này, cần xem lại công tác quản lý văn hóa và quy rõ trách nhiệm của những đơn vị để xảy ra sai phạm, tránh để lặp lại những sai sót tương tự ở các khu di tích khác./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/binh-luan/trung-tu-di-tich-va-nhung-bat-cap-can-giai-quyet/258099.vov