Trung tâm ở xóm

Trung tâm của hai hạt cát sinh đôi nằm ở trong xóm, chẳng trung tâm chút nào. Nhà số 9, thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, thành phố Huế với tấm biển khiêm tốn: Newspace Centre- Trung tâm Không Gian mới. Trung tâm này được giới thiệu là trung tâm văn hóa nghệ thuật mới thật là oách chứ.

Trung tâm của hai hạt cát sinh đôi nằm ở trong xóm, chẳng trung tâm chút nào. Nhà số 9, thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, thành phố Huế với tấm biển khiêm tốn: Newspace Centre- Trung tâm Không Gian mới. Trung tâm này được giới thiệu là trung tâm văn hóa nghệ thuật mới thật là oách chứ.

Chẳng ghé sông Hương, chẳng cạnh Đông Ba, chẳng ngụ Lê Lợi, chẳng phiền Đại Nội… Newspace Centre ‘rìa’ tâm để hướng tâm trong một ngõ nhỏ của một thôn làng không tên tuổi, ngoằn ngoèo, khó kiếm, vào đấy người cứ chào người theo cái nghĩa rất quê.

Có thể chỉ hai nơi trên thế giới này, nơi tôi đã đến, mà ở đó một pháp danh có hai đồng sở hữu: một tòa soạn báo (báo Tiếng nói Đan Mạch) nằm ở Thủ đô Copenhagen do hai vị Tổng biên tập lãnh đạo và một Trung tâm văn hóa nghệ thuật nằm rìa thành phố Huế do hai anh em sinh đôi cùng chỉ đạo. Cả hai nơi, theo chỗ tôi được biết, vẫn làm ăn yên ổn, không xảy ra cãi vã, tranh quyền, tiếm quyền, bất hòa quan điểm, rối loạn tài chính, mất phương hướng làm ăn…

Đây là hiện tượng có thể làm đau đầu các nhà tâm lý, các nhà giáo dục, các chuyên gia nghiên cứu tài chính, kinh tế, thậm chí có thể làm phân vân cả các chính trị gia…

*

Đêm nay, hai hạt cát họa sỹ đang rối rít chuẩn bị cho hai nhà thơ gốc Thanh Hóa đọc thơ miễn phí tại Trung tâm Không Gian Mới. Hai ông ‘rau má’, một Sài Gòn ra, một Hà Nội vào, mặt mày hốc hác, chỉ chờ giờ lên sân khấu … thảm thiết !

Giấy mời đã in rồi. Hai ông, một già, một trung trung, nhưng tóc đã bạc, da đã mồi, kính lão sập xệ trang trọng trên góc của Lời giới thiệu. ‘Nhát’ làm oai đầu tiên cho những người cả đời chỉ biết làm thơ, không biết làm gì ngoài… tiêu tiền, diễn ra, làm lung lay một góc thành phố…

Còn hai họa sỹ, họ vừa biết làm nghệ thuật và nghệ thuật của họ lại kiếm được tiền. Chả hiểu sao họ lại yêu các nhà thơ. Có lẽ nhà thơ tốt hơn, “liêm khiết” hơn vì thơ bán chẳng ai mua, nên nhà thơ chẳng bao giờ có tiền…

Vui đến rơi nước mắt. Hai nhà thơ được đón rước tận tình, được nâng khăn sửa túi như những diễn viên thực thụ và đặc biệt được chăm sóc toàn bằng những cử động mạnh và những ngôn từ vừa cộc lốc, vừa nhanh như điện giật. Cộc và giật một cách rất thật lòng. Không thể có một sự thật lòng nào hơn thế.

Cái quê Quảng Bình vậy mà. Cái trắng hoang trắng hóa của cát trắng cứ làm nhói lòng người mỗi lần đi dọc miền Trung. Cát phản ánh một sức nóng ghê gớm nhưng giãi bày một màu lạnh ghê người. Sa mạc?. Nghĩa địa?. Tuyết?. Khăn tang?. Mùa đông lạnh giá?. Những cuộc li biệt vắng lặng, xa lìa… Không, buồn lắm, ở đấy chỉ có cát trắng và những bông bần ly làm rụng rời những trái tim yếu đuối. Ở đấy nghèo lắm. Người bay đi khắp nơi trong thiên hạ như những cơn lốc của miền gió khắc nghiệt này vẫn thường xuyên cuốn từng đụn cát, cồn cát ném đi…

Bụi mù…

Hai hạt cát ấy là hai đứa trẻ sinh đôi của khốn khổ Quảng Bình. Một tênThanh và một tên Hải. Nhưng chẳng làm sao phân biệt được hai kẻ da ngăm như châu Phi, mũi và tai toòng teng khuyên bạc, tóc búi ngược bằng dây chun, ai là Thanh và ai là Hải, ai là Hải và ai là Thanh. Hai kẻ trộn mặt mình vào đám đông, hai hạt cát trộn mình vào biển cát thiên hạ chỉ bằng một độc diện, nhất nguyên. Múa đôi và lĩnh xướng cũng đều thế cả…

Dịu dàng…

Trung tâm của Thanh - Hải ở cái thôn Lại Thế lại thế thôi. Không cổng, toang hoang, thân thiện, chào mời. Nó nối liền với thôn xóm, làng mạc, đất cát, với kẻ qua người lại, thích thì rẽ vào, vào rồi lại ra, chẳng sao, chẳng lễ nghi, chẳng lễ tân gì, rắc rối và ngăn cách lắm. Văn hóa, nghệ thuật là làm cho mọi người bình đẳng. Người đời vẫn gọi cánh nhà báo, bọn nhà văn là thế. Nghe hơi suồng sã. Pha trộn trong sự gờm gờm có chút khinh miệt. Nhưng nói “túm” lại thì hầu hết muốn gọi thế cho nó thân, gần. “Tớ chơi với mấy cánh nhà báo đấy”, “Tao chơi thân lắm với bọn nhà văn”…

Một lối đi dịu dàng dẫn thẳng vào căn nhà hướng mặt tiền ra con đường chạy qua ngõ. Nó không phải nhà của xứ Huế. Nó phô phang cái vẻ mặt ngang bướng, gai góc, thô kệch mà lại rất ra tấm, ra món của Quảng Bình. Một lối kiến trúc táo tợn của vùng Nam Mỹ, cái lối “tôi phơi ra cả đấy, nhìn đi”. Ngửa lên, cột kèo như đẽo bằng rìu, còn nguyên vết gió, thưa thếch, phi qua đầu người một cách tự tin. Trên tường, trên sát nóc nhà là những bức tranh sơn mài, sơn dầu khổ lớn, hình hài dữ tợn, máu lửa, “chọc tiết thẩm mỹ”…

Lại dịu dàng một lối cầu thang ngoài lên tầng hai. Sát cầu thang là một bức tranh dựng đứng, bay lượn nhưng hùng hổ. Mở cửa, thấy một người Pháp dịu dàng, gầy gò, đầu gối quá tai, đang ngáp. Đấy là người phụ trách âm thanh, ánh sáng của năm lần festival Huế, Hội An và sẽ là người tắt mở hai cái “đài phát thanh” đến từ xứ sở rau má, trình dâng Huế nhẹ nhàng những bài thơ dịu dàng.

Dịu dàng và bụi mù là hai thái độ sống, chơi, ứng xử trong đời và trong nghệ thuật của hai hạt cát bay từ Quảng Bình vào xứ Huế.

Bụi mù…

Hai hạt cát cứ táp vào các cuộc đối thoại đám đông như không kiêng dè ai. Ánh nhìn dữ dội, âm vực bão cát, giần giật súng tiểu liên, “đánh phủ đầu” ngay tức khắc bất kỳ “trục ác quỷ” nào họ gặp. Xả ra bàn tiệc một “Ba-rốc” Quảng Bình, thứ ánh sáng ngôn từ phóng đại trộn gió vào với cát, trộn giang hồ vào bác học, trộn giả tưởng vào thực tế, trộn sự trêu ngươi, khiêu khích vào giả định, khẳng định và công nhận. Và “thô lỗ”, và nhẹ nhàng gạt các “đối tác không đủ trọng lượng” ra khỏi cuộc chơi một cách ngang nhiên và hết sức tự hào.

“Quyết tâm” ngồi cùng chiếu với cái hay, cái thật, cái hiệu quả là ý chí “không ngừng vươn lên” của hai hạt cát sinh đôi.

Dịu dàng…

Một sân khấu thơ thả đầy hoa súng không biết kiếm đâu ra khi súng đã hạ nòng. Một lũy tre tưởng nhớ hồn quê Việt được bứng về làm thành lũy cho thơ lục bát. Nến lung linh trên mặt hồ để khán giả được tưởng niệm những bài thơ có đầu đề “Tưởng niệm…”. Chum vại đứng ngồi, rong rêu rách rưới để gọi hồn ếch nhái. Mưa những hạt dịu dàng…

Đó là tiếng nói thầm thì từ sự khốc liệt của cát. Đó là Huế nhỏ nhẹ gọi cái Quảng Bình dữ dội, cuồng điên. Nỗi buồn tha phương đánh thức liên hồi cái gốc rễ, từng chút, từng chút một… không yên!

Bụi mù…

Hai hạt cát ấy cứ ngang dọc thành phố như hai cơn gió. Chụp mũ bảo hiểm lên đầu như hai chiến binh sa mạc là phóng như điên. Rồi lại điện thoại cho nhau, vừa nói vừa quát, rồi lại nhẹ nhàng, rồi lại như hai mũi tên từ hai hướng phành phạch, đoàng đoàng, hai cái ống xả “hạ mã” xuống cái quán chuyên phục vụ các đồng chí văn nghệ sỹ và “Tây bụi” ở số 3 Hùng Vương.

Hai “cái máy” bắt đầu “phát nổ”. Cuộc “múa đôi” dữ dằn hip-hop-rock làm bừng tỉnh tất cả những cái tai đang muốn im lặng. Ngủ gật cũng phải dậy. Dẹp mọi tranh luận. “Định hướng” đối thoại là hai hạt cát, đối thoại như búa tạ dỡ tường, như khoan cắt bê-tông cũng là hai hạt cát. Không có khe hở để chen vào. Không khoảng trống cho khen chê, bình phẩm. Một cơn mưa rào, mưa đá đủ thứ chuyện trên đời đổ vào đầu “khán giả”, tới tấp và thật tội nghiệp, phải nhận lấy, bắt phải nhận. Lắng chút đi, nghe cũng hay hay, rồi thấy thật hay. Tự nhiên thấy được tắm tưới những đột biến mới mẻ của tư duy quay quắt, đúng đắn, thú vị, sang trọng, gần gũi với cái ta gặp hàng ngày.

Có lẽ từ cát mà ra, có lẽ nó vùi dưới cát, mù mịt ngôn từ cho những thức tỉnh khôi ngô…

*

“Trung tâm không gian mới” đang thu thập đủ loại sách quý thành một thư viện cho độc giả, cả lớn, cả nhỏ tuổi. Không tiền mua sách đắt tiền nên hai hạt cát đành vật nài xin xỏ các giá sách cá nhân rồi khệ nệ khiêng về phân loại, làm thư mục, rồi quảng bá cho độc giả đến đọc miễn phí. Hai hạt cát cứ quay cuồng cho miễn phí đối với người khác mà vẫn phải hết lòng với vợ, với con, với nhau, rồi với bạn bè, với các “đại ca”, rồi với nghệ thuật. Trăm dâu đổ đầu… hai hạt cát.

Hạt cát này xổ mũi, nhức đầu thì chỉ lúc sau hạt cát kia cũng nhức đầu, xổ mũi. Lúc nào đi công tác xa hai vợ thì hai hạt cát ôm nhau ngủ, như lúc lọt lòng, trong nôi. Những chiếc khuyên xỏ tai, xỏ mũi lấp lánh trong đêm, rung nhẹ, xóa một ngày điên cuồng tốc độ, vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng, phanh đến cái cúc áo cuối cùng của mảnh che thân không ra hồn áo.

Đêm nay, Thanh đã bẽn lẽn đứng lên sân khấu, ngậm ngùi cảm ơn thơ của rau má miền Trung. Hắn không quen với ánh sáng quá mạnh. Sao lúc bình thường anh em nhà nó lại thích dội sự quá mạnh của nó vào chúng ta nhỉ, còn bây giờ… hắn lại như đơn độc.

Hắn thiếu một kẻ nữa chăng?

Cái kẻ thứ hai đang ngồi dưới kia, nghi ngút khói thuốc, lắng nghe trong thơ có phía quê nhà. Đơn độc…

Chúng ta kết lại cả “phe” mà còn đơn độc. Huống hồ… Dương Minh Long nói: “Có một sinh đôi tước đoạt cả một đám đông thì phàn nàn sau lưng như các bác là điều vô ích”.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/33/kien-truc-viet/83644/trung-tam-o-xom.aspx